Mỹ ngậm đắng đóng cửa trung tâm nhập lúa mỳ ở Nga

Ở Nga giờ đã ngập tràn lúa mỳ, không còn nhu cầu nhập khẩu lúa mỳ của Mỹ.

RT thông tin, US Wheat Associates (USW) - tổ chức phát triển thị trường xuất khẩu cho ngành công nghiệp lúa mỳ của Mỹ mới đây tuyên bố sẽ phải đóng cửa văn phòng của họ tại Moscow vào ngày 1/10 tới đây do nhu cầu với lúa mỳ Mỹ ở Nga đã không còn.

Nga đã không còn nhu cầu nhập khẩu lúa mỳ của Mỹ.

Từ năm 2016, 2 năm sau khi Mỹ ban bố các lệnh trừng phạt, Nga đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ngũ cốc.

"Với nhiều thông tin công khai về nguồn cung lúa mỳ của Nga, chúng tôi tin rằng đã đến lúc kết thúc sứ mệnh của mình, tập trung các nguồn lực vào thị trường khác - nơi lượng xuất khẩu của chúng tôi đang tăng lên" - Phó Chủ tịch Mark Fowler của USW cho biết.

Ông Fowler nhấn mạnh rằng, nguồn lực tại văn phòng ở Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp thị và kỹ thuật cho các văn phòng khác, như một cách thể hiện vị thế xuất khẩu của lúa mỳ Mỹ vẫn được duy trì.

USW hiện vẫn có văn phòng ở Rotterdam, Hà Lan và Casablanca, Morocco cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ở Trung Đông và Bắc Phi.

Theo ông Fowler, lúa mỳ của Nga đã cạnh tranh hơn rất nhiều so với một số thị trường nhất định, trong khi ở những thị trường trên, lúa mỳ Mỹ tiếp tục tăng lên về sản lượng xuất khẩu.

"Liên bang Nga đã chuyển từ một nước nhập khẩu ròng lúa mì trở thành quốc gia xuất khẩu lúa mì đơn lẻ lớn nhất thế giới" - ông Fowler ghi nhận.

Nhập khẩu lúa mỳ từ Mỹ tại Nga qua các năm. Ảnh: USW

Xuất khẩu lúa mỳ của Nga qua các năm. Ảnh: USW

Những năm gần đây, Nga đã nắm giữ một nửa thị trường lúa mỳ, trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới nhờ vụ mùa bội thu và giá cả cũng rất hấp dẫn.

Xuất khẩu nông nghiệp của Nga đã tăng gần một phần ba trong 5 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái. 29,5% sản phẩm nông nghiệp Nga đã được xuất khẩu và thu về 9,5 tỷ USD doanh thu.

Đặc biệt là xuất khẩu lúa mỳ trong tháng 5 lên tới 17,1 triệu tấn, trị giá khoảng 3,1 tỷ USD.

USW mở văn phòng tại Moscow vào năm 1992 nhằm mục tiêu "hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Nga và các đại diện của ngành nông nghiệp Nga".

Tổ chức này đã công bố một báo cáo cho thấy, "trong vòng 10 năm, Nga đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 400.000 tấn lúa mỳ từ Mỹ, thông qua các chương trình hỗ trợ vì điều kiện thu hoạch kém và khó khăn kinh tế ở Nga trong giai đoạn 1998-1999".

Theo Giám đốc trung tâm phân tích SovEcon, Andrey Sizov, thị trường xuất khẩu nông nghiệp của Nga đang tích cực mở rộng. Hiện Nga đang cung cấp ngũ cốc cho Algeria, Jordan, Ai Cập, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Saudi Arabia.

Trong đó, Saudi Arabia đã công bố kế hoạch trở thành một trung tâm chính cho các sản phẩm nông nghiệp của Nga ở Trung Đông.

Nga trong năm nay có thể sẽ vượt Mỹ để trở thành “kỷ lục gia” thế giới về xuất khẩu lúa mì.

Ngôi vị 65 năm trước

Bộ Nông nghiệp Nga tin rằng nước này có thể giành lại được vị thế của một nước xuất khẩu ròng các sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm tới và lấy lại ngôi vị xuất khẩu lương thực vốn đã bị mất 65 năm trước.

Theo số liệu về vụ mùa do cơ quan thống kê Rosstat công bố, sản lượng ngữ cốc tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ này năm ngoái. Cơ quan này cho biết, trong vụ mùa này (từ tháng 7/2017-tháng 6/2018), Nga thu hoạch được 135,393 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 85,9 triệu tấn lúa mì.

Tổng thống V.Putin trong thông điệp liên bang cho biết rằng, con số này vượt cả mức cao nhất đạt được dưới thời Liên Xô là 127,4 triệu tấn vào năm 1978.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Alexander Tkachev, tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong năm nay có thể đạt 50 triệu tấn. Trước đó, Bộ này dự báo xuất khẩu ngũ cốc đạt mức 45-47 triệu tấn, trong đó có 35 triệu tấn lúa mì.

Bloomberg cho biết, vụ mùa 2017-2018, xuất khẩu lúa mì của Nga tăng 30% so với năm ngoái và nước này sẽ trở thành nhà cung cấp lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Cho đến nay, kỷ lục này thuộc về Mỹ, vào năm 1992-1993, nước này đã xuất 36,8 triệu tấn lúa mì ra thị trường thế giới.

Theo thống kê hải quan, xuất khẩu lương thực và nông sản Nga tăng 21,3% và đạt 20,7 tỷ USD, nhiều hơn xuất khẩu vũ khí.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp liên bang đã đặt mục tiêu đưa nước này thành nước thuần túy xuất khẩu lương thực thực phẩm sau 4 năm nữa.

"Trong vòng 4 năm, chúng tôi dự định cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp cho thị trường thế giới hơn là nhập khẩu" - Tổng thống Nga nói.

Để đạt được điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, trong đó có các trang trại nhỏ.

Song đáng chú ý là việc sản lượng xuất khẩu của Nga và một số nước tăng dẫn đến sự sụt giảm giá ngũ cốc. Chính Tổng thống Putin cũng đã thừa nhận mặt trái của thành công này.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới tháng 2 năm nay thấp hơn 2,7% so với năm ngoái , trong đó chỉ số giá ngũ cốc giảm 6,8%.

Để hỗ trợ các nhà sản xuất trong điều kiện giá sụt giảm, việc vận chuyển ngữ cốc từ một số địa phương vùng sâu vùng xa được hỗ trợ giảm giá đối với cước phí vận tải đường sắt.

Thủ tướng Medvedev đã thông báo năm 2017, Chính phủ đã trợ giá cho ngành đường sắt 1 tỷ ruble cho mục đích này và trong năm 2018 con số này sẽ là 2 tỷ ruble.

Theo các chuyên gia thì phải có những đầu tư đáng kể cho công tác lưu trữ ngũ cốc sau thu hoạch, cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp phải quen dần với đời sống thị trường để đến năm 2025 đạt được sản lượng 150 triệu tấn ngũ cốc và 50 triệu tấn xuất khẩu như Chính phủ đang kỳ vọng.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-ngam-dang-dong-cua-trung-tam-nhap-lua-my-o-nga-3364972/