Mỹ, Nga và Ả Rập Saudi sẽ thay OPEC kiểm soát giá dầu thế giới

Trong khi các thành viên OPEC luôn gặp khó để đạt được sự đồng thuận, Mỹ, Nga và Ả Rập Saudi thống trị nguồn cung toàn cầu.

Hiện Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga đang bơm nguồn dầu nhiều hơn tổng sản lượng của các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga đang bơm nguồn dầu nhiều hơn tổng sản lượng của các nước OPEC.

OPEC đã đánh mất sự kiểm soát từng có của tổ chức này trên thị trường dầu toàn cầu. Các hành động (hoặc những dòng tweets) của ba người đàn ông - Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman - sẽ xác định xu hướng giá dầu trong năm 2019 và dài hại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo này đều có những mục tiêu khác nhau đối với thị trường dầu mỏ.

Trong khi OPEC thường xuyên gặp khó khăn trong việc đạt đồng thuận trong chính sách sản lượng, Mỹ, Nga và Ả Rập Saudi thống trị nguồn cung toàn cầu. 3 nhà sản xuất dầu này đã cung cấp lượng dầu cao hơn sản lượng của 15 thành viên OPEC. Hiện tại, cả 3 quốc gia này đều đang bơm dầu ở mức kỷ lục, đồng thời mỗi nước có thể tăng sản lượng cao hơn trong năm 2019, mặc dù không phải tất cả đều đưa ra quyết định nâng sản lượng.

Hồi tháng 6 vừa qua, Ả Rập Saudi cùng Nga đã thúc đẩy các thành viên OPEC điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng được thực hiện từ đầu năm 2017. Hai nước này đã tăng cường sản xuất lên gần mức kỷ lục. Đồng thời, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ cũng bất ngờ tăng vọt, khi các công ty sản xuất dầu từ lưu vực Permian ở Texas đã khắc phục các tắc nghẽn đường ống dẫn dầu tới bờ Vịnh.

Nguồn cung tăng mạnh cùng với triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu suy yếu và việc chính quyền Tổng thống Donald Trump miễn trừ tạm thời lệnh trừng phạt với 8 nước mua dầu Iran, đã đảo lộn tâm lý lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Do giá dầu trượt sâu trong nhiều tuần gần đây, Ả Rập Saudi cho biết sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày từ tháng 12 tới. Đồng thời Riyadh cũng đề xuất OPEC và các đồng minh cần cắt giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ mức sản xuất tháng 10. Tuy nhiên, đề nghị của Ả Rập Saudi không nhận được sự đồng thuận từ Tổng thống Putin, còn Tổng thống Trump lại tỏ ý chỉ trích.

Thái tử Bin Salman cần doanh thu từ dầu mỏ để có tài chính thực hiện kế hoạch cải tổ Ả Rập Saudi đầy tham vọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo vương quốc Hồi giáo này cần giữ giá dầu ở mức 73,3 USD/thùng trong năm tới để cân bằng ngân sách. Giá dầu Brent đang giao dịch thấp hơn khoảng 5 USD so với mức giá đó. Việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng kéo dài sang năm thứ 3 là cách duy nhất mà Ả Rập Saudi có thể đẩy giá dầu lên mức họ cần.

Dù vậy, kế hoạch của Ả Rập Saudi ại đang đối mặt thách thức từ hai lãnh đạo Nga và Mỹ. Tổng thống Putin tỏ ra không quan tâm đến việc tiếp tục giảm sản lượng thêm. Ngân sách của Moscow hiện ít phụ thuộc vào giá dầu hơn nhiều so với năm 2016 – thời điểm Nga đồng ý cùng các nước OPEC giảm sản xuất để tái cân bằng thị trường dầu. Các công ty dầu mỏ của Nga cũng đang muốn khai thác các mỏ họ đã đầu tư.

Giới chuyên gia nhận định rằng để cân bằng thị trường “vàng đen” trong năm 2019, Ả Rập Saudi sẽ phải đối phó với hàng loạt thách thức. Đó là sự thờ ơ của ông Putin, sự phản đối của ông Trump và ngành công nghiệp đá phiến ở Mỹ đang bùng nổ.

Nguyễn Thu (Theo Bloomberg)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/my-nga-va-a-rap-saudi-se-thay-opec-kiem-soat-gia-dau-the-gioi-330435.html