Mỹ - Nga: Hãy ngồi xuống và đàm phán!

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có ý muốn rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987, lấy lý do Nga vi phạm thỏa thuận. Một bước đi như thế đe dọa dẫn đến một cuộc đua hạt nhân mới giữa các siêu cường.

Trong ít nhất 4 năm qua, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF, theo đó cấm tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền có tầm bắn tối đa 5.500 km. Moscow bị tố điều chỉnh hệ thống tên lửa Iskander được phép sử dụng thành phiên bản SSC-8 bị cấm.

Người Nga vẫn phản ứng như thường làm khi đối mặt cáo buộc của phương Tây. Họ trước hết phủ nhận rằng các hệ thống tên lửa mới của mình vi phạm hiệp ước rồi đưa ra cáo buộc đáp trả. Nga tố hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở Romania có thể được sử dụng để tấn công họ và Moscow phải hành động.

Như thường lệ, cả hai mặt của câu chuyện đều có một số sự thật nhất định. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Tên lửa Iskander của Nga Ảnh: AP

INF được xem là đã mang lại lối thoát cho cuộc đua vũ trang ngày một leo thang giữa NATO và các nước thành viên Hiệp ước Warsaw vào đầu những năm 1980. Khi đó, việc phá hủy tên lửa Pershing II của phương Tây và SS 20 của phương Đông là bước tiến lớn đến hòa bình, hòa giải và không ai muốn quay trở lại thời điểm đó.

Không khó để tìm ra giải pháp cho tranh cãi nói trên. Thay vì rút khỏi thỏa thuận, NATO và Nga nên gặp nhau như từng làm khi đó và thảo luận về cách tốt nhất để cứu hiệp ước INF. Sẽ có ý kiến bác bỏ chuyện thương thảo lúc này vì cho rằng hai bên đang thiếu niềm tin vào nhau sau những gì xảy ra với Ukraine hoặc sự gia tăng của vũ khí, binh sĩ gần biên giới phía Tây của Nga.

Cần nhắc lại rằng hồi năm 1987, phương Đông và phương Tây cũng không tin tưởng nhau nhiều. Dù vậy, việc giảm vũ khí đã giúp thế giới trở thành nơi an toàn hơn. Điều này có thể xảy ra một lần nữa nên hãy ngồi xuống và bắt đầu đàm phán!

Udo Bauer, cây bút của đài DW (Đức)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ngoi-xuong-va-dam-phan-20181029210640887.htm