Mỹ - Nga có nỗ lực cứu thỏa thuận INF?

Ngày 22-10, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton bắt đầu 2 ngày hội đàm với các quan chức cấp cao của Nga sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, mà Moscow đã lên án là 'động thái rất nguy hiểm'.

Giới phân tích thật sự lo ngại về quyết định rút khỏi INF của Mỹ. Ảnh: Reuters

Thật ra, chuyến thăm Moscow của ông Bolton được lên kế hoạch trước tuyên bố của Tổng thống Trump. Và ngay sau quyết định của ông chủ Nhà Trắng, cố vấn Bolton đã lập tức đến Nga và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng Thư ký Hội đồng An ninh Nikolai Patrushev trong 2 ngày (21 và 22-10). Hôm nay (23-10), ông Bolton cũng có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về vấn đề INF. Theo lời phát ngôn viên của Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Nga đang muốn phía Mỹ “giải thích” rõ ràng về ý định của họ trong quyết định này.

Nga, Trung phản ứng gay gắt

Nga tất nhiên phản ứng gay gắt trước động thái này của Mỹ và đe dọa sẽ trả đũa tương xứng.

Trong một tuyên bố hôm 22-10, Moscow cho rằng, Washington đang đẩy thế giới đến một cuộc khủng hoảng tên lửa khác giống cuộc khủng hoảng tên lửa hồi tháng 10-1962. Phát biểu với báo giới, ông Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Thông tin và Quan hệ với Truyền thông thuộc Thượng viện Hội đồng Liên bang Nga cho biết: “Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo, sẽ rút khỏi INF và có thể sẽ không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START), thì chúng ta sẽ về 0, điểm dẫn tới cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”.

Không chỉ có Nga, Trung Quốc ngày 22-10 cũng cho rằng, Mỹ đã sai lầm khi đơn phương rút khỏi hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh mang tính bước ngoặt vốn đã giúp loại bỏ tên lửa hạt nhân khỏi Châu Âu. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối động thái trên của Mỹ. Tại Nhật, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga hôm 22-10 bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ cân nhắc lại kế hoạch rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh với Nga.

Trong khi đó, NATO “theo đuôi” Mỹ, quy trách nhiệm cho Nga. Theo người phát ngôn của liên minh quân sự này, Oana Lungescu, Moscow phải chịu trách nhiệm về việc này vì “đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận này”, một cáo buộc mà Nga bác bỏ. NATO tuyên bố sẽ tiếp tục tham vấn về vấn đề này, cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO trong tháng 10 này. Nhưng không nhiều hy vọng cho bước đi này của NATO. Từ năm 2014, NATO đã tạm ngừng đối thoại chính trị với Nga và Hội đồng Nga - NATO, cơ chế đã từng họp 1-2 lần/tháng, chỉ tổ chức được chưa đầy 10 cuộc họp trong 4 năm qua.

Mỹ đi sai đường?

INF đạt được hồi năm 1987 giữa Tổng thống Mỹ khi đó Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500km tới 5.500km). Trong những năm gần đây, Moscow và Washington thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận.

Trong khi Mỹ cáo buộc Nga phá vỡ thỏa thuận, giới phân tích nghi ngờ chính Washington muốn rời INF nhằm chuyển vũ khí đến biên giới Nga và Trung Quốc. Ông Konstantin Kosachev, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Thượng viện Nga cho rằng, “việc phá hủy INF nhằm chuyển lớp vũ khí có liên quan của Mỹ đến lãnh thổ tiềm tàng và có thể thực sự là kẻ thù. Trước hết là Nga, sau đó là Trung Quốc”. Nghị sĩ này miêu tả lời mời của Washington cho các cuộc hội đàm sau này về vấn đề trên là một mánh khóe, đồng thời chỉ ra rằng, Moscow nên phản ứng với những bước đi cụ thể của Mỹ sau khi rời khỏi hiệp ước, chứ không nên phản ứng với quyết định rút khỏi INF, vốn được chuẩn bị từ năm 2014.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, còn quá sớm để nói Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này vì có những tình huống khi ông Trump đưa ra một số tuyên bố nhưng sau đó lại không xảy ra. Ngoài ra, đây là bước đi vô cùng nguy hiểm vì nó là đòn giáng thứ hai nhằm vào hệ thống ổn định chiến lược và an ninh hạt nhân vốn được kiểm soát bởi 3 hiệp định quan trọng nhất giữa Moscow và Washington. Đó là Hiệp ước Chống Tên lửa Đạn đạo, INF và New START. Đây là 3 trụ cột hỗ trợ sự ổn định hạt nhân toàn cầu.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_197134_.aspx