Mỹ-NATO sợ tàu ngầm Nga biến Đại Tây Dương thành ao làng

Daily Mail cho biết, Mỹ và Anh đang kinh ngạc với số lượng tàu ngầm của Nga ở Đại Tây Dương, biến vùng biển này thành ao làng của Nga.

Nga đánh bật Mỹ-Anh khỏi Đại Tây Dương

Theo bài đăng trên tờ báo khổ nhỏ Daily Mail của Anh, số lượng tàu ngầm Nga hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương đã tăng vọt khiến giới chức lãnh đạo quân sự của Mỹ và Anh đang lo ngại. “Số lượng tàu ngầm của Nga đi vào khu vực Bắc Đại Tây Dương là đáng kinh ngạc” - tờ Daily Mail dẫn lời nguồn tin của Hải quân Anh nhận xét.

Theo tờ báo, ở ngoài khơi gần bờ biển nước Anh đã xuất hiện các tàu ngầm tàng hình lớp Akula của Nga (theo cách phân loại của NATO), tức các tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm thuộc Dự án 971 Shchuka của Liên Xô.

Nguồn tin cho biết, Hải quân Nga bắt đầu điều các tốp hai hoặc ba tàu ngầm tới khu vực hoạt động của Hải quân Anh, thay vì đơn lẻ từng chiếc như trước đây. Những động thái này được tờ báo Anh nhận xét là “tình huống nghiêm trọng”, Mỹ và Anh đã mất vị thế thống trị không thể tranh cãi ở Đại Tây dương

Tờ Wall Street Journal – Mỹ cũng dẫn nguồn từ các quan chức NATO và giới phân tích quân sự đưa tin rằng, từ hồi tháng 7 vừa qua, Nga đã triển khai tàu ngầm với số lượng nhiều hơn, thời gian lưu lại dài hơn tại các khu vực của Đại Tây Dương, nơi chúng có thể tạo ra mối đe dọa đối với tàu chiến của NATO và những hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

Trước đó, quân đội Mỹ đã nhiều lần phàn nàn rằng, tàu ngầm của Nga đã tước đi "bến đỗ an toàn" đối với hạm đội của họ.

Cụ thể, Phó Đô đốc Andrew Woody Lewis cho rằng, Lầu Năm Góc đã đánh mất vị thế thống trị không thể tranh cãi ở Đại Tây Dương. Theo ông, Moscow sử dụng các tàu ngầm với "hệ thống vũ khí sát thương ở mức độ cao hơn", gây khó khăn nhiều hơn cho hải quân Mỹ khi chuẩn bị triển khai những hoạt động khác nhau.

Giới chức NATO lo ngại tàu ngầm Nga với vũ khí ngày càng hiện đại

Giới chức NATO lo ngại tàu ngầm Nga với vũ khí ngày càng hiện đại

Vị quan chức Lầu Năm Góc nói thêm rằng, hải quân Mỹ cảm thấy "không an toàn" khi ở bên ngoài căn cứ hải quân chính của Hải quân Hoa Kỳ ở Đại Tây Dương.

Còn theo Tổng tư lệnh hải quân của NATO, phó đô đốc Keith Blount giải thích, gần đây, Nga đã bắt đầu triển khai đồng thời ngày càng nhiều tàu ngầm ở Đại Tây Dương và những con tàu này đi xa hơn, hiện diện ở khu vực trong khoảng thời gian dài hơn trước, dường như chúng đang định biến Đại Tây Dương thành "ao làng" của Nga.

Nga: Biển xa sẽ thành các "vùng biển thân thuộc".

Vào tháng 12 năm ngoái, tập đoàn truyền thông Đức RND dẫn báo cáo của NATO cho biết, hoạt động của tàu ngầm Nga năm 2019 được tăng cường đến mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn của NATO bà Oana Lungescu khẳng định rằng, điều này liên quan trước hết đến khu vực phía bắc Đại Tây Dương và Biển Na Uy.

Theo tin đưa của tạp chí Wall Street Journal, giới chức quân sự Hoa Kỳ đã nhận thấy sự gia tăng số lượng tàu ngầm thuộc sở hữu của Nga ở Đại Tây Dương, có lúc lên tới 10 chiếc một thời điểm. Đây là động thái “phô trương sức mạnh” lộ liễu của Moscow.

Theo ấn phẩm, vào cuối năm 2019, Nga đã tổ chức một trong những cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, với sự tham gia cùng lúc của 10 tàu ngầm. Cần lưu ý rằng các tàu ngầm rời căn cứ của mình trên bờ biển Bắc Cực của Nga và đi về phía tây đến khu vực Bắc Đại Tây Dương.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Hoàng tử Vladimir của Hải quân Nga

Tờ báo cũng trích dẫn tuyên bố của Tư lệnh Hạm đội Phương Bắc của Nga Alexandr Moiseev hồi tháng 3 nói rằng, Hải quân Nga đang mở rộng phạm vi địa lý trong hoạt động chiến đấu và tuần tra, biến các vùng biển xa lãnh hải của mình thành các "vùng biển thân thuộc".

"Đối với chúng tôi việc hơn mười tàu ngầm thuộc các lớp khác nhau thực hiện những nhiệm vụ khác nhau trên biển cùng một lúc đã trở thành hoạt động thông thường" - Tư lệnh Moiseev cho biết và nói thêm rằng, đội tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc đã tham gia tích cực vào cuộc tập trận “Lá chắn đại dương” của Hải quân Nga, hoàn thành nhiệm vụ ở Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

Theo giới truyền thông, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga [mang tên lửa đạn đạo liên lục địa] chủ yếu tham gia tuần tra tầm xa và thường xuyên hiện diện ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ.

Thường là các tàu ngầm Nga chỉ bị phát hiện khi chúng hoàn thành nhiệm vụ, nổi lên hoạt động công khai.

Sự “thần thông quảng đại” của các tàu ngầm Nga đã gây ra mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ và các tàu chiến của NATO, khiến giới chức lãnh đạo Mỹ hết sức lo ngại về nguy cơ hứng chịu cú đánh chết chóc bất ngờ từ dưới đáy biển.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-nato-so-tau-ngam-nga-bien-dai-tay-duong-thanh-ao-lang-3421395/