Mỹ-NATO nhận rõ chiêu trò, trao tiếp đòn gió cho ông Erdogan

Dù không ủng hộ Thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, song Mỹ-NATO chắc chắn sẽ không bị dắt mũi bởi chiêu trò của Ankara-Erdogan...

Thỏa thuận ngừng bắn ký chưa ráo mực, ông Erdogan đã yêu cầu NATO hỗ trợ về vấn đề Syria

Theo Sputnik, ngày 8/3, chỉ ba ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại tỉnh Idlib do Nga làm trung gian được ký kết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ có hành động đơn phương nếu lệnh ngừng bắn không được bên kia tuân thủ.

Để chuẩn bị cho hành động đơn phương của mình - mà theo giới quan sát chắc chắn Ankara sẽ thực hiện - Tổng thống Erdogan đã yêu cầu NATO hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ giúp củng cố an ninh cho tuyến biên giới giáp với Syria.

Ngày 9/3, trong chuyến viếng thăm chớp nhoáng tới trụ sở NATO và có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chính thức yêu cầu liên minh quân sự trợ giúp.

"Chúng tôi đã yêu cầu NATO hỗ trợ thêm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria, giúp chúng tôi bảo vệ cho an ninh trên tuyến biên giới giáp với Syria, và những vấn đề liên quan đến áp lực bởi dòng người di cư từ Syria", ông Erdogan trao đổi với báo giới.

Ký thỏa thuận ngưng bắn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng cường lực lượng tại Syria

Ký thỏa thuận ngưng bắn, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng cường lực lượng tại Syria

Để tránh phải "nhận đòn gió" của Mỹ-NATO một lần nữa, nhà lãnh Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu tất cả các đồng minh phải có "sự hỗ trợ bằng hành động cụ thể cho cuộc đấu tranh của Thổ Nhĩ Kỳ".

Để có thêm sức nặng với đồng minh, ông Erdogan nhấn mạnh rằng, trong hơn 9 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO tích cực nhất chống lại các mối đe dọa đối với liên minh quân sự này từ Syria, trong đó có IS, và Thổ Nhĩ đã bị thiệt hại nặng nề.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo: "Tình hình ở Syria đe dọa cả châu Âu. Vì vậy, không có quốc gia nào ở Châu Âu có quyền thể hiện thái độ thờ ơ với vấn đề nhân đạo ở Syria". Ý ông Erdogan nói về vấn đề người di cư từ Syria.

Tuy nhiên, như mọi lần, đồng minh vẫn thể hiện sự vồn vã với Ankara-Erdogan, song vẫn là lời nói. Điều đó thể hiện rõ qua nhận định của Tổng thư ký NATO Stoltenberg rằng dòng người di cư là "thách thức chung" và vấn đề này đòi hỏi "giải pháp chung".

"Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu và chúng tôi tin rằng con đường phía trước có thể được tìm thấy. NATO sẽ tiếp tục tham gia cùng các đối tác.

Chúng tôi đang triển khai các biện pháp nội khối giúp giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn và người di cư cũng như chuẩn bị tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra những cách thức có thể làm tốt hơn trách nhiệm của mình".

Với những lời lẽ của người đứng đầu Ban điều hành NATO, dường như Tổng thống Erdogan đã nhận thấy cửa từ phía các đồng minh vẫn khép, bất chấp trước đó ông đã tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư từ Syria tràn vào lục địa già.

Thậm chí, Ankara-Erdogan còn bị Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đưa ra cảnh báo rằng không được sử dụng vấn đề người di cư như một "con bài chính trị" trong các cuộc thương lượng với EU về vấn đề này.

Thế là việc thực hiện "quyền làm sạch Idlib" của Ankara, như tuyên bố của Tổng thống Erdogan nếu thỏa thuận ngừng bắn bị vi phạm, sẽ khó có thể thực hiện được, khi cả NATO - đồng minh, và EU - đối tác, đều chưa mở lòng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Đùa giỡn với chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ?

Giới phân tích cho rằng cả NATO - đồng minh, và EU - đối tác, chưa mở lòng với Thổ Nhĩ Kỳ, dù là những thực thể có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan, là do đã nhận ra chiêu trò của Ankara-Erdogan.

Có thể thấy, chiêu trò của Ankara-Erdogan là sử dụng chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình. Cả vấn đề an ninh biên giới lẫn vấn đề người di cư đều nằm trong mưu tính của Ankara-Erdogan.

Vấn đề an ninh biên giới là do chính Ankara-Erdogan quyết định

Thứ nhất, về vấn đề an ninh biên giới giáp với Syria

Phải thấy rằng an ninh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ giáp với Syria bị đe dọa là bởi các tay súng khủng bố, mà trực tiếp nhất hiện nay là ổ khủng bố tại Idlib. Khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết thì giải pháp giải quyết vấn đề đã có.

Vì vậy bây giờ, điều quan trọng nhất để đảm bảo an ninh cho khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ giáp với Syria, chính là tuân thủ thỏa thuận hòa bình mà Tổng thống Erdogan phải lặn lội sang Moscow thuyết phục Tổng thống Putin trong 6 tiếng mới có được.

Tuy nhiên, vừa rời Moscow, ông Erdogan đã ngay lập tức có hành động không đúng như tinh thần thỏa thuận, khi cho tăng cường binh lực tiến vào Syria. Ngừng bắn, mà lại không đánh khủng bố, vậy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường vào Syria làm gì?

Chưa thể khẳng định ý đồ của Ankara-Erdogan, song qua hành động này có thể thấy thỏa thuận ngừng bắn khó có thể kéo dài. Điều đó báo trước quân đội Syria sẽ phải có 2 hành động là tấn công khủng bố và chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành động kép của Damascus chắc chắn sẽ gây mất an ninh cho tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Như vậy, rõ ràng Ankara-Erdogan đã tính trước việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, tự gây mất an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ, rồi kêu gọi NATO giúp đỡ.

Dù Washington-Brussels không ủng hộ Thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, vì nhận thấy Erdogan rơi vào thế của Putin, song Mỹ-NATO chắc chắn sẽ không bị dắt mũi bởi chiêu trò của Ankara-Erdogan, nhất là nó ảnh hưởng tới chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, vấn đề dân di cư từ Syria

Có thể thấy, gánh nặng dân di cư từ Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ gánh chịu có trách nhiệm của Ankara-Erdogan, đó là can thiệp vào Syria nhưng lại không muốn kết thúc cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng này.

Điều đó thể hiện qua 3 động thái chính. Một là kéo quân sang tấn công người Kurd ở Syria. Hai là ủng hộ phe đối lập lật đổ chính quyền Tổng thống Assad. Ba là không chịu tách biệt đối lập-khủng bố núp danh đối lập ôn hòa.

Trước khi tuyên bố sẽ mở cửa biên giới cho người di cư Syria tràn vào lục địa già, Ankara-Erdogan cho rằng các cuộc tấn công của quân đội Syria với sự trợ giúp của không quân Nga nhắm vào Idlib, khiến làn sóng người di cư ồ ạt chạy sang đất Thổ.

Nghĩa là theo Ankara-Erdogan thì vấn đề dân di cư Syria - nhất là tại tỉnh Idlib, nơi tập trung của hơn 3 triệu dân - là do hành động của Damascus và Moscow. Vậy mà để điều đó không xảy ra thì Ankara-Erdogan lại không muốn.

Chỉ cần Ankara-Erdogan tham gia vào việc tách biệt đối lập-khủng bố núp danh đối lập ôn hòa thì vấn đề sẽ được giải quyết. Bởi người dân rời bỏ nhà cửa là do sợ bị ăn đạn lạc, vì khủng bố núp danh đối lập ôn hòa trà trộn trong dân.

Dân di được Ankara-Erdogan sử dụng như lá bài chính trị

Khi có Thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib, thì việc tách biệt đối lập-khủng bố núp danh đối lập ôn hòa càng trở nên dễ dàng hơn. Thế nhưng Ankara-Erdogan lại không tập trung vào vấn đề này, mà lại tìm cách dung dưỡng, bao che khủng bố.

Có thể thấy, khi EU thể hiện thái độ cứng rắn với vấn đề dân di cư từ Syria tràn qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Châu Âu, chứng tỏ định chế này đã nhận ra chiêu trò của Ankara-Erdogan, chứ không hẳn là họ né tránh trách nhiệm.

Trong bối cảnh "cửa chạy lại" với Nga-Putin hẹp dần, còn cửa của NATO-EU vẫn cứ khép hờ, có lẽ đã đến lúc Ankara-Erdogan cần dừng việc đùa giỡn với chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ, vì nó luôn là "lợi bất cập hại".

Theo giới phân tích, tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib là điều quan trọng nhất và cấp thiết nhất lúc này với Ankara-Erdogan, nếu không muốn mất đi những cơ hội quý giá ít ỏi còn sót lại.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-nato-nhan-ro-chieu-tro-trao-tiep-don-gio-cho-ong-erdogan-3398305/