Mỹ-NATO đau đớn: Thổ gọi thỏa thuận S-400 Nga là 'lịch sử'

Bất chấp trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga và coi thỏa thuận này là lịch sử đối với đất nước.

Ngày 15/7, Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng, hai máy bay thứ sáu và thứ bảy chở các thành phần của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga đã đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, chiếc máy bay thứ năm chở các thành phần của S-400 đã hạ cánh tại căn cứ không quân Myurtez.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng, việc chuyển giao các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng được ký kết với nước này và đúng thời điểm các bên đã thỏa thuận.

Trong các bài viết đề cập đến vấn đề này, theo tiết lộ của giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo đất nước Recep Tayip Erdogan đã gọi hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga là “Hợp đồng quan trọng nhất trong lịch sử nước này”.

Theo người đứng đầu nhà nước nói trên kênh truyền hình Haberturk, sở dĩ ông nói như vậy bởi vì thương vụ này không chỉ là logic của thị trường.

Theo ông, điểm quan trọng là sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gồm cả quá trình chuyển đổi sang hợp tác sản xuất và đặc biệt là sau thương vụ này, Ankara có thể nói tiếp với Nga về S-500. “Chúng ta không chỉ nghĩ về ngày hôm nay, chúng ta phải nghĩ xa cho tương lai” - ông Erdogan cho biết.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng với sự giúp đỡ của hệ thống S-400 Nga, Ankara không chuẩn bị cho các hành động quân sự, mà chỉ cố gắng đảm bảo an ninh quốc gia.

Ông Erdogan nói thêm rằng, Khối Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương nên hạnh phúc, vì sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, một thành viên liên minh NATO đã giúp khối này trở nên mạnh hơn.

“Việc mua hệ thống phòng không S-400 sẽ ảnh hưởng đến NATO. Liên minh nên hạnh phúc về điều đó.... Thổ Nhĩ Kỳ nhận được S-400, sẽ trở nên mạnh hơn trong lĩnh vực an ninh của mình. Điều này cũng sẽ giúp củng cố liên minh” - nhà lãnh đạo Thổ nhĩ Kỳ tuyên bố.

Mỹ bất lực trong việc ngăn chặn thương vụ mua bán S-400 Nga-Thổ

Mỹ bất lực trong việc ngăn chặn thương vụ mua bán S-400 Nga-Thổ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống phòng không mới nhất của Nga, S-400 đã gây ra vụ bê bối quốc tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Chính quyền Washington yêu cầu Ankara phải từ bỏ thỏa thuận và đổi lại là cho phép nước này mua tổ hợp Patriot Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Erdogan đã từ chối, bất chấp những sức ép kinh khủng từ Mỹ và NATO.

Theo giới phân tích, chính quyền Ankara có thể bị Mỹ trừng phạt bằng “Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” (tiếng Anh: Countering America's Adversaries Through Sanctions Act, viết tắt là CAATSA, còn được gọi là Đạo luật H.R. 3364).

Theo giới phân tích, Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo các phương án sau: Thứ nhất là: Cấm bán các vũ khí, trang bị của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như ngừng bàn giao cho nước này các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II.

Thứ hai là: Đình chỉ hợp tác quân sự giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ, rút các lực lượng quân sự của khối này về nước hoặc di chuyển sang các nước khác.

Thứ ba là: Khai trừ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO và áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế.

Tuy nhiên, chính quyền của ông Erdogan đã không hề nao núng và thể hiện rõ quyết tâm mua hệ thống S-400 Triump của Nga, bất chấp việc nước này có thể bị khai trừ khỏi NATO và bị trừng phạt nặng nề về kinh tế.

Việc nước này quyết tâm mua S-400 Nga quả thực là cú đòn chí tử đánh vào uy tín của Mỹ và sự đồng thuận của khối NATO. Nó cho thấy rằng, Mỹ hiện nay đã không còn ép buộc được các đồng minh phải nghe theo “huấn lệnh” của mình. Điều này cũng cho thấy trong nội bộ NATO đã xuất hiện những rạn nứt, khối này không còn là “niềm mơ ước” với các đồng minh của Mỹ.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-nato-dau-don-tho-goi-thoa-thuan-s-400-nga-la-lich-su-3383818/