Mỹ - NATO 'bất định' trước loạt sức ép đôi bờ Đại Tây Dương

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã đến NATO nhưng nhiều câu hỏi về sức mạnh liên minh này vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên với tư cách là người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông Patrick M. Shanahan đã tiến vào trụ sở NATO ngày 13/2 với một câu hỏi quan trọng đặt ra cho ông: Liệu ông có phải là một đồng minh kiên quyết và có thể cứng rắn với Tổng thống Trump như điều ông Jim Mattis, cựu bộ trưởng quốc phòng, đã từng?

Khó lường từ Mỹ

Ông rời hội nghị NATO tại Brussels vào thứ năm khi câu hỏi trên vẫn còn chưa được giải đáp.

Khi được các phóng viên hỏi trong một cuộc họp báo về cam kết của ông đối với NATO, trong bối cảnh có 1 số phàn nàn của ông Trump đối với liên minh này, ông Shanahan, quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ kể từ ngày 1/1 nói rằng, ông không thấy sự khác biệt.

Như ông Trump đã nói hồi tháng trước, chúng tôi sẽ sát cánh với NATO 100%, ông Shanahan cho biết.

Nhưng Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích liên minh và các đồng minh, đồng thời cũng không chắc chắn về những gì ông có thể làm hoặc tweet tiếp theo, điều làm phức tạp việc giải quyết một danh sách dài các vấn đề an ninh mà NATO phải đối mặt, bao gồm cuộc chiến gần 18 năm ở Afghanistan, số phận của một hiệp ước tên lửa thời Chiến tranh Lạnh, các cáo buộc Nga tấn công mạng lưới internet và có liên quan đến chiến sự Ukraine, cùng với một Trung Quốc đang lên.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã đến trụ sở NATO. (Nguồn: AP)

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan đã đến trụ sở NATO. (Nguồn: AP)

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo NATO chưa nhận được từ ông Shanahan cam kết; trên thực tế, họ còn không thể chắc chắn ông sẽ là người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ trong bao lâu nữa.

Năm ngoái, ông Trump đã thảo luận về việc rút hoàn toàn khỏi liên minh gần 70 tuổi này và ông Trump nói với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của mình rằng ông không thấy lập trường của NATO.

Tổng thống đã công khai chỉ trích các đồng minh vì không đạt được mục tiêu của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng, mặc dù họ vẫn còn 5 năm nữa theo kết quả thương lượng trong nội bộ khố.

Trước động thái trên, một số quốc gia thành viên đã tăng chi tiêu quân sự của họ, nhưng vào thứ Năm, ông Shanahan vẫn chỉ trích Đức vì không thực hiện được mục tiêu 2%. Nước này chỉ dự kiến giành 1,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2024.

Họ phải dành được nhiều hơn, ông ấy nói.

Hôm thứ Năm, sau cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng về nhiệm vụ huấn luyện của NATO ở Afghanistan, khi các phóng viên hỏi về những lo ngại của đồng minh trong việc Mỹ có thể rút quân nhanh chóng, ông Shanahan nói rằng sẽ không có sự giảm quân đơn phương nào.

Kì vọng gì trước sức ép mới

Ngay cả trước khi bay tới Brussels, chuyến đi nhiều điểm đến này cũng đã kiểm nghiệm các kỹ năng của ông trong các vấn đề quốc tế, bắt đầu bằng việc dừng ở Afghanistan để gặp Tổng thống Ashraf Ghani, người phản đối việc bị đưa ra ngoài lề tiến trình hồi sinh đàm phán hòa bình giữa chính quyền Trump và Taliban. Ông Shanahan cũng đã tới Iraq và gặp Thủ tướng Adel Abdul Mahdi, vài ngày sau khi các chính trị gia Iraq phản ứng giận dữ với ông Trump khi nói về việc giữ quân đội Mỹ ở nước này là để theo dõi Iran.

Ông Trump trước đó đã dành nhiều lời tốt đẹp cho ông Shanahan, Thứ trưởng dưới quyền ông Mattis, và nói rằng ông Shanahan có thể điều hành Lầu Năm Góc trong một thời gian dài. Nhưng Tổng thống chưa đề cử ông - hoặc bất kỳ ai khác – vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng.

Hôm thứ ba, Thượng nghị sĩ James M. Inhofe, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện, cho biết ông không nghĩ rằng ông Shanahan sẽ được đề cử và ông ấy thiếu sự khiêm tốn của ông Mattis.

Cuối ngày hôm đó, ông Shanahan nói với các phóng viên ở Brussels rằng, liệu có "chữ quyền" bên cạnh tên của bạn hay không thì công việc vẫn vậy. Tôi sẽ làm việc theo cách tương tự".

"Bị đẩy vào tâm điểm trong khi có dự kiến sẽ trấn an các đồng minh châu Âu với vai trò người đứng đầu phụ trách Bộ Quốc phòng sẽ là quá nhiều điều cần làm và tôi nghĩ các đồng minh châu Âu sẽ kì vọng ông ấy giải quyết được những việc này", Rachel Rizzo, một nghiên cứu sinh tại Trung tâm An ninh Mỹ mới.

Nhưng hai cựu đại sứ Mỹ tại NATO đã chỉ trích rằng, vào năm thứ 70 của liên minh này, NATO đang rơi vào khủng hoảng, đối mặt với vô số vấn đề với tầm nhìn chiến lược lỗi thời. Trong một báo cáo dự kiến công bố vào thứ Sáu, cựu đại sứ Nicholas Burns và Douglas Lute nói rằng, liên minh này hầu như không chuẩn bị cho các kiểu chiến tranh kỹ thuật số mới và những thách thức mới từ Trung Quốc và Nga.

NATO cũng vấp phải những thách thức từ một Tổng thống Mỹ, người, lần đầu tiên trong lịch sử, không thể hiện vai trò lãnh đạo, chiến lược hay hỗ trợ cho một liên minh phục vụ lợi ích của Mỹ, ông Burns cho hay.

Báo cáo này, hoan nghênh việc ông Trump tập trung vào vấn đề chi tiêu quân sự, cũng kêu gọi Quốc hội thông qua luật để ngăn chặn việc Mỹ rút khỏi NATO.

Nhưng ông Trump cũng đã kéo theo phản ứng từ châu Âu, với các nước như Pháp và Đức hướng tới việc xây dựng quân đội châu Âu, có thể bảo vệ lợi ích của châu Âu mà không cần quá phụ thuộc vào Washington.

Báo cáo cũng xác định các vấn đề quan trọng khác của NATO, bao gồm cả mối đe dọa tiềm ẩn bên trong từ các chính phủ cứng rắn tại các nước thành viên Hungary, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản đánh giá chiến lược cuối cùng của NATO, năm 2010, được viết trước khi Nga có động thái về vấn đề Ukraine và được cho là can thiệp vào các nước phương Tây, những hành động quân sự mới cứng rắn của Trung Quốc, sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo IS và một số loại chiến tranh mạng mới.

Bản báo cáo như vậy cần sáu tháng làm việc và có sự tham gia thảo luận với hơn 60 nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội và nhà phân tích ở cả Hoa Kỳ và Châu Âu. "Chúng tôi đang cố gắng rung chuông làng ở cả hai bờ Đại Tây Dương", ông Burns nói.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-nato-bat-dinh-truoc-loat-suc-ep-doi-bo-dai-tay-duong-20190215092748425.htm