Mỹ nâng F-35 lên tầm cao mới, 'xí xóa' 900 lỗi cũ!

Chương trình nâng cấp chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning lên phiên bản Block IV sẽ ngốn thêm vài chục tỷ USD, trong khi nó vẫn còn đầy lỗi.

Viện Kiểm toán Hoa Kỳ một lần nữa báo cáo với Quốc hội về các vấn đề với chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35 Lightning. Cụ thể là kế hoạch nâng cấp máy bay đến phiên bản Block IV đòi hỏi chi thêm rất nhiều tiền. Những tốn phí đó không thể kết cấu vào ngân sách và thời hạn bàn giao dự án đã bị dời lại ít nhất một năm.

F-35 hiện đại hóa có sức mạnh vượt trội?

Trong báo cáo giải thích rằng, sở dĩ chương trình F-35 gia tăng chi phí là bởi cần thử nghiệm bổ sung với phiên bản máy bay chiến đấu mới, kiểm tra các hệ thống, xây dựng các phòng thí nghiệm huấn luyện và kinh phí mua sắm các phần mềm mới đắt giá.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, Lầu Năm Góc dự định tiến hành hiện đại hóa không phải theo từng giai đoạn mà ngay lập tức, đương nhiên không làm cho chi phí của chương trình rẻ hơn.

Theo đánh giá mới, tổng chi phí dự án nâng cấp sẽ lên tới 14,5 tỷ USD, vượt ngưỡng pháp lý và đắt hơn nhiều đơn hàng quân sự khác.

Quá trình hiện đại hóa F-35 bắt đầu vào năm 2018. Sự khác biệt căn bản của mẫu nâng cấp Block IV là khả năng của các hệ thống tính toán trên khoang sẽ cao hơn đến 25 lần và tăng cơ số tên lửa tầm xa.

Nhờ hệ thống phóng đạn mới, chiếc chiến đấu cơ tàng hình nâng cấp sẽ có thể mang không phải 4 mà là 6 tên lửa “không đối không” thông thường, cũng như các tên lửa tầm siêu xa AIM-260 với tầm bắn hơn 400 km. Bán kính chiến đấu của máy bay hứa hẹn sẽ tăng gần 1.200 km.

Ngoài ra, F-35 đang được tích hợp với máy bay không người lái có trang bị trí tuệ nhân tạo. Các UAV “thông minh” sẽ đóng vai trò phục vụ còn chiến đấu cơ đảm trách vị thế dẫn đầu và phi công sẽ nắm quyền kiểm soát tổng thể điều khiển trận chiến. Và để thực hiện điều này, đòi hỏi có tổ hợp tính toán trên bo mạch mạnh hơn.

F-35 Block IV sẽ mang được nhiều tên lửa không đối không hơn

F-35 Block IV sẽ mang được nhiều tên lửa không đối không hơn

Giới chức quân sự Mỹ cho rằng, F-35 với cấu hình mạnh mẽ và tiên tiến như vậy sẽ đủ sức chống lại những thách thức và mối đe dọa mới.

Hàng trăm vấn đề kỹ thuật không thể khắc phục

Do quá phức tạp trong thiết kế, F-35 trở thành một trong những mẫu tiêm kích Mỹ gặp nhiều vấn đề nhất. Cuối năm 2020, trong danh sách thiếu sót có tới có gần 900 lỗi khác nhau, trong đó có hàng chục lỗi được xếp vào loại cực kỳ nguy hiểm - như báo cáo của Viện Kiểm toán.

Theo báo cáo, đã phát hiện hàng loạt nhược điểm trên F-35 nhưng hầu như không có khả năng loại bỏ.

Một vấn đề lớn là áp suất tăng vọt đột ngột trong buồng lái, khiến các phi công bị đau và thậm chí bị chấn thương vùng kín. Do thiếu sót trong hệ thống tuần hoàn, có nguy cơ tổn thương các đốt sống cổ.

Ngoài ra, với quá tải đáng kể khi ở trên không (ở góc hẹp tấn công hơn 20 độ hoặc khi cơ động né tránh tên lửa), phi công sẽ mất khả năng kiểm soát phương tiện.

Điều duy nhất mà các chuyên gia Mỹ nghĩ ra để bảo vệ F-35 là giới hạn chế độ vận hành.

Ví dụ như để tránh hư hỏng khung máy bay và lớp phủ đặc biệt “tàng hình”, các phi công được khuyến cáo rằng nói chung không nên đưa tốc độ máy bay lên mức siêu âm, tức là giảm bớt 1 tiêu chí bắt buộc ở chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là bay siêu âm ở chế độ không đốt sau.

Hoặc để bảo đảm an toàn cho máy bay, F-35 được khuyên là chỉ nên dùng để chiến đấu trong những ngày thời tiết đẹp, những ngày thời tiết xấu như có giông sét thì F-35 nên ở nhà để tránh bị sét đánh.

2 chiếc F-35A Lightning II trong chuyến bay huấn luyện ở Utah, Mỹ

Không thể thống kê được hết những hạn chế mà người sử dụng F-35 được khuyến cáo. Và tất cả những yếu điểm trầm trọng này hiện hữu trong cái gọi là “chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5” hay “máy bay tốt nhất thế giới”.

Sự thay thế muộn màng

Về lý thuyết thì cho đến nay F-35 vẫn đang trong giai đoạn vận hành chiến đấu thử nghiệm (chưa được biên chế chính thức). Lockheed Martin và Không quân Mỹ vẫn tiếp nối các cuộc thử nghiệm kiểm tra.

Tuy nhiên, vào mùa xuân năm ngoái 2020, quy trình thử nghiệm đã phải đình chỉ (lý do chính thức là đại dịch coronavirus). Thêm nữa, mốc đưa vào sản xuất hàng loạt đã hoãn vô thời hạn. Đương nhiên, trì trệ và tù mù cả với việc cung cấp xuất khẩu.

Tất cả những thăng trầm đó khiến Lầu Năm Góc cũng phải nghi ngờ về tính chính xác của việc lựa chọn “Lightning” (“Tia chớp”) làm phương tiện chiến đấu chủ lực của Không lực Hoa Kỳ.

Theo bình luận trên tạp chí Mỹ Forbes, Không lực Hoa Kỳ đã phải quen chịu đựng sự thất bại của chương trình F-35, niềm hy vọng dùng F-35 siêu việt thay thế cho F-16 Fighting Falcon đã tan thành mây khói.

Thế nhưng, người Mỹ vẫn tiếp tục có tham vọng nâng cấp nó lên một tầm cao mới, trong khi vẫn không khắc phục được các lỗi cũ.

Sự nghi ngờ về hiệu quả của chương trình phát triển F-35 càng tăng cao khi Mỹ dự định tiếp tục nâng cấp “Chiến ưng” F-16 và phát triển máy bay thế hệ 4+ hoàn toàn mới. Rõ ràng dự án F-35 đã không mang lại hiệu quả mong đợi và các đồng minh của Mỹ cũng phải trả giá vì điều này.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-nang-f-35-len-tam-cao-moi-xi-xoa-900-loi-cu-3430440/