Mỹ: Nạn lừa đảo qua điện thoại gia tăng

Năm 2018, Mỹ có 48 triệu cuộc gọi tự động, tăng 46% so với năm trước đó. Giới chức Mỹ dự báo hơn một nửa cuộc gọi năm 2019 sẽ là cuộc gọi tự động và nhiều cuộc gọi sẽ có mục đích lừa đảo, ví dụ như bắt cóc ảo.

Một giọng nói từ đầu bên kia điện thoại: “Tôi đang giữ con trai ông và tôi sẽ làm hại nó”. Trong suốt 2 tiếng một buổi chiều đầu tháng 4, ông Joseph Baker 61 tuổi và vợ Maggie lái xe khắp thành phố, nghe theo mọi yêu cầu của kẻ được cho là bắt cóc con trai họ. Hắn đe dọa qua điện thoại: “Nếu ông gọi cảnh sát, tôi sẽ biết và giết nó. Tôi có máy quét”.

Nhiều người mắc bẫy trò lừa bắt cóc ảo.

Nhiều người mắc bẫy trò lừa bắt cóc ảo.

Nhìn qua màn hình điện thoại, ông Joseph nghĩ cuộc gọi là từ số máy của con trai. Hai vợ chồng ông không có lý do gì không tin người đàn ông bên kia đầu dây – người biết rõ thông tin cá nhân về gia đình ông, trong đó có cả nơi ở.

Vợ chồng ông Joseph nghe theo lệnh của kẻ bắt cóc, mua hai thẻ ghi nợ ngân hàng trả trước, chuyển số thẻ cho hắn và ghi hình họ thả bằng chứng vào nhà vệ sinh rồi giật nước.

Khi ông Joseph cúp máy, ông gọi cảnh sát. Họ tới ngay nhà con trai ông cùng một đội y tế. Tuy nhiên, họ thấy Jake ở nhà bình an vô sự. Hóa ra tất cả là một trò lừa đảo.

Bà Maggie Baker nói với kênh CNN: “Mọi chuyện y như thật. Người ta sẽ làm bất kỳ điều gì để giúp người thân… Tôi cứ nghĩ mãi về những chuyện đó. Có điều gì khiến tôi lẽ ra có thể làm để ngăn chặn chuyện này không?”

Những chuyện như nhà Baker gặp phải ngày càng phổ biến ở Mỹ do trò lừa đảo qua điện thoại thông qua cuộc gọi tự động diễn ra tràn lan. Trong một cuộc gọi tự động (robo-calling), thủ phạm lừa đảo có thể điều chỉnh để bất kỳ số điện thoại nào mà chúng muốn sẽ hiện lên điện thoại của nạn nhân. Kết hợp với một số thông tin cá nhân chúng tìm thấy trên mạng, chúng sẽ tạo ra một tình huống như là bắt cóc.

Thủ đoạn bắt cóc ảo là gì?

Ông Matthew Horton, trưởng đơn vị phụ trách tội phạm bạo lực quốc tế của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), cho biết: “Chúng tôi thấy xu hướng bắt cóc ảo tăng trong vài năm qua vì loại hình tội phạm này rất béo bở và cơ quan thực thi pháp luật không phát hiện được nhiều. Đó là cách kiếm tiền nhanh chóng và bắt cóc ảo thì dễ làm hơn nhiều so với bắt cóc thật”.

Việc lần ra những số điện thoại ảo đang làm đau đầu lực lượng chức năng.

Trong một cuộc bắt cóc ảo, cuộc gọi xuất phát từ một dịch vụ VoIP (truyền giọng nói trên giao thức IP) như Skype hoặc một ứng dụng đặc biệt, cho phép người dùng nhập bất kỳ số điện thoại nào mà họ muốn cho dù đó là số điện thoại bịa, số điện thoại lấy trong danh bạ hay kể cả số từ Nhà Trắng. Việc giả mạo số điện thoại này rất dễ, ai cũng có thể làm được.

Kẻ lừa đảo cũng thực hiện một số âm mưu lừa đảo này từ điện thoại trả trước không được đăng ký và không thể truy ra người sử dụng.

Các vụ lừa đảo có thể khiến nạn nhân bị lừa tới hàng nghìn USD và mang tâm lý sợ hãi. Vì kẻ lừa đảo biết rằng nạn nhân có khả năng sẽ nhấc điện thoại nhiều hơn nếu họ nhận ra số của người gọi, nên chúng có thể nhập một số điện thoại mà chúng nghĩ là có trong danh bạ của nạn nhân.

Rất khó để xác định mức độ phổ biến của loại lừa đảo này. FBI cho biết họ không thu thập số liệu quy mô quốc gia về bắt cóc ảo vì đa số nạn nhân có xu hướng báo với cơ quan thực thi luật pháp địa phương hoặc không báo.

Trong một số trường hợp, nạn nhân kể họ nghe thấy tiếng la hét qua điện thoại giả vờ là từ con gái hay con trai họ. Một hình thức lừa đảo nữa là nhằm những người đang muốn xin bảo lãnh cho con cháu ra khỏi tù.

Tuy nhiên, ông Horton lưu ý rằng đa số vụ lừa đảo bắt cóc ảo mà ông biết thường không có nạn nhân mục tiêu. Nhiều vụ được thực hiện ngẫu nhiên dựa trên các số điện thoại ngẫu nhiên, kể cả số phòng khách sạn, số điện thoại tại khu vực giàu có.

Cần làm gì để ngăn chặn cuộc gọi tự động?

Loại hình lừa đảo này rất khó triệt phá vì địa điểm thực hiện cuộc gọi không ở Mỹ. Một cuộc điều tra của FBI năm 2017 cho thấy đa số cuộc gọi bắt cóc ảo xuất phát từ Mexico và nhiều cuộc được thực hiện từ trong tù tại Mexico. Lúc đầu, các cuộc gọi nhằm vào người nói tiếng Tây Ban Nha ở khu Los Angeles và Houston. Giờ đây, các cuộc gọi nhằm vào người nói tiếng Anh và mở rộng sang các thành phố khác ở Mỹ.

Chỉ cần số điện thoại và chút thông tin cá nhân trên mạng là kẻ lừa đảo có thể tạo tình huống bắt cóc ảo.

Đặc vụ FBI ở Los Angeles, ông Erik Arbuthnot, viết rõ về thủ đoạn lừa đảo trong một bài đăng trên blog: “Những kẻ lừa đảo trong tù thường đút lót quản ngục để dùng điện thoại di động trong tù. Chúng sẽ chọn một khu vực giàu có như Beverly Hills ở California. Chúng sẽ tìm trên internet để biết chính xác mã khu vực và đầu số quay điện thoại. Sau đó, chúng bắt đầu gọi lần lượt các số để lừa nạn nhân sập bẫy.

Ông Horton cho rằng một số tội phạm dùng ứng dụng cuộc gọi ảo để thực hiện âm mưu lừa đảo. Mạng xã hội và lỗ hổng cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho kẻ lừa đảo tìm kiếm thông tin cá nhân của những người chúng định lừa hay của bạn bè và họ hàng nạn nhân.

Như trong vụ của gia đình Baker, yêu cầu tiền chuộc thường thấp để kẻ lừa đảo có thể lách luật về quản lý chuyển tiền xuyên biên giới. Ông Horton cho biết: “Nếu bạn chuyển số tiền nhỏ thì sẽ dễ dàng hơn vì không bị luật ràng buộc và không bị để ý. Nhiều khả năng gia đình cũng có sẵn một ít tiền hoặc có thể tiếp cận số tiền này dễ hơn, đặc biệt là sau giờ ngân hàng làm việc”.

Tội phạm thường gây áp lực khiến nạn nhân phải nộp tiền nhanh chóng và đôi khi đòi thêm tiền sau khi giao dịch đầu tiên hoàn tất.

Ông Baker cho biết sở cảnh sát địa phương dường như không mấy lạc quan về khả năng tìm ra tội phạm lừa đảo gia đình ông. Ông nói: “Người ta nói rằng chỉ có vài đầu mối ít ỏi và khó mà tìm ra chúng. Người ta nói rằng đó chỉ là số tiền nhỏ nên khó có khả năng mở một cuộc điều tra lớn hơn”.

Trong khi Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chậm trễ trong triệt phá các cuộc gọi lừa đảo từ số lạ hay từ số điện thoại giả vờ là người mà nạn nhân biết, thì các nhà mạng đã bắt tay hỗ trợ khách hàng với một công tụ tên là Stir/Shaken để xác định và lần theo dấu vết cuộc gọi lừa đảo. AT&T, Comcast và Verizon đã hoàn thành thử nghiệm công cụ. Các nhà mạng khác đã cam kết áp dụng Stir/Shaken vào cuối năm 2019.

Verizon, AT&T và T-Mobile cũng cho khách hàng tải miễn phí ứng dụng tự động chặn cuộc gọi tự động và lừa đảo. Công ty Sprint có dịch vụ chặn và thông báo cuộc gọi tự động nhưng tính phí. Dịch vụ Premium Caller ID cho phép người dùng nhận thông tin về loại cuộc gọi đến và thiết lập tùy chọn để ngăn chặn cuộc gọi.

Mới đây, FCC cũng đưa ra một đề xuất để hạn chế các cuộc gọi ảo không mong muốn, cho phép các nhà mạng áp dụng công nghệ tự động chặn cuộc gọi ảo tới tài khoản khách hàng.

Những ai dễ bị lừa đảo?

Tarun Wadhwa, sáng lập viên công ty tư vấn công nghệ Day One Insights, ví hiện tượng bắt cóc ảo với tấn công giả mạo. Tấn công giả mạo là khi kẻ lừa đảo hoặc tin tặc gửi tin nhắn có vẻ như từ một người mà nạn nhân biết, đề nghị nạn nhân cung cấp thông tin hoặc làm điều gì đó, ví dụ như nhập mật khẩu.

Nhiều vụ lừa đảo qua điện thoại ở Mỹ được thực hiện từ... trong tù.

Wadhwa nói: “Đây là một trong những mối đe dọa dai dẳng và gây thiệt hại nhiều nhất trong an ninh mạng vì đó không thực sự là một vấn đề công nghệ. Đó là một vấn đề về tâm lý con người. Họ mắc bẫy vì họ quá bận rộn và không nghi ngờ tính chính xác của những tin nhắn họ đang đọc. Trò này dường như rất đơn giản nhưng tôi đã thấy nhiều người thông minh không tưởng lại mắc bẫy”.

Một số người không trình báo vụ việc bắt cóc ảo vì họ xấu hổ khi người khác biết mình mắc bẫy lừa đảo, họ muốn quên chuyện đã xảy ra hoặc họ biết cơ quan thực thi pháp luật cũng khó mà tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, ông Horton cho rằng việc cơ quan chức năng theo dõi những sự cố này là điều quan trọng và mọi người cần cảnh báo nhau về âm mưu lừa đảo để các gia đình không bị mắc bẫy.

Ông Horton khuyên: “Nếu gặp tình huống này, chúng tôi khuyên mọi người bình tĩnh và câu giờ người đang gọi điện. Tìm cách liên lạc với người thân qua điện thoại hoặc mạng xã hội để biết chắc họ an toàn. Bạn cũng nên đòi người gọi điện cung cấp bằng chứng sống hoặc một bức ảnh hay yêu cầu cho nói chuyện với người thân”.

Một số nhà mạng Mỹ có dịch vụ cảnh báo cuộc gọi lạ cho khách hàng.

Dù vậy, Wadhwa cho rằng âm mưu lừa đảo qua cuộc gọi ảo sẽ chỉ ngày càng phức tạp hơn vì công nghệ giả mạo giọng nói đang rất tân tiến. Kẻ bắt cóc ảo một ngày nào đó có thể giả giọng nạn nhân. Do đó, thách thức phía trước rất lớn. Những gì mà mắt thấy, tai nghe, tâm trí nghĩ chưa chắc đã phải là điều đang diễn ra. Nếu chẳng may nhận cuộc gọi kiểu vậy, người nghe càng tỉnh táo thì càng tránh trở thành nạn nhân lừa đảo.

Trở lại với gia đình Baker, từ vụ bắt cóc ảo đó, họ đã quy ước với nhau một từ an toàn để sử dụng nếu rơi vào tình huống đó lần nữa. Họ cũng gỡ thông tin cá nhân khỏi internet, khiến người lạ khó mà biết được thông tin chi tiết về gia đình.

Bà Maggie nói: “Con trai tôi an toàn và tôi biết ơn vì điều đó, nhưng tôi lo các cha mẹ khác ngoài kia đang hoặc sẽ trải qua tình huống này trong tương lai”.

Nhật Minh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/my-nan-lua-dao-qua-dien-thoai-gia-tang-550470/