Mỹ mượn túi tiền đồng minh duy trì bá chủ toàn cầu

Tiếp tục loan truyền về mối đe dọa Nga nay đã khác, Mỹ kêu gọi các đồng minh NATO và châu Âu đoàn kết, trong đó có tăng chi tiêu quốc phòng.

NATO chưa đủ mạnh mẽ?

Theo tờ Foreign Affairs, việc tăng cường tiềm lực và thi triển sức mạnh quân sự đã đem lại cho Nga sự tự tin mới, với ý nghĩa nước Nga giờ đây có tầm quan trọng lớn và thế giới không thể xem thường Nga.

Trong con mắt của Điện Kremlin, Nga hiện là cường quốc toàn cầu và vì thế có thể hành xử như một cường quốc toàn cầu.

Việc Nga gia tăng tiềm lực quân sự đương nhiên khiến Lầu Năm Góc e ngại. Gọi hành xử của Nga là “hoàn toàn đáng báo động”, Tướng Josepth Dunford, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã kết luận hồi năm 2015 rằng “Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Theo tạp chí Mỹ, đến thời điểm này, phản ứng tổng thể của Mỹ và NATO đáp trả lại Nga là khá ấn tượng. Nhưng Washington và các đồng minh NATO phải nỗ lực hơn nữa để đẩy lui “mối nguy” mà Nga gây ra đối với an ninh và ổn định ở châu Âu.

NATO hành động chưa đủ để đáp trả Nga?

Trong nhiều năm, các đồng minh NATO bị chia rẽ trong quan điểm về Nga, với việc một số nước (như Pháp, Đức, Italy) quả quyết liên minh nên tìm kiếm quan hệ đối tác chiến lược với Moscow, trong khi số khác (như Ba Lan và các nước Baltic) cảnh báo Nga vẫn là mối đe dọa.

Nhưng cuộc khủng hoảng ở Ukraine với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã giúp chấm dứt những tranh cãi nội bộ này, khi NATO đáp trả bằng hành động nhằm khẳng định cam kết bảo vệ tất cả các quốc gia thành viên chống lại Nga.

NATO đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh mới gồm 5.000 quân có khả năng cơ động tác chiến trong vòng 48 đến 72 giờ; điều 4 tiểu đoàn chiến đấu đa quốc gia đến đồn trú ở Ba Lan và các nước Baltic; thiết lập các sở chỉ huy và kiểm soát ở tất cả các nước thành viên Đông Âu, trong đó có cả sở chỉ huy đa quốc gia ở Ba Lan và Rumani.

NATO cũng tăng cường tần suất các cuộc tập trận ở Trung và Đông Âu, đầu tư hạ tầng để cho phép lực lượng tiếp ứng tiếp cận điểm nóng nhanh hơn, mở rộng sự hiện diện của hải quân và không quân ở biển Baltic và biển Đen.

Foreign Affairs khẳng định, là đồng minh hùng mạnh nhất và quan trọng nhất của liên minh, Mỹ đảm đương vai trò lãnh đạo trong các hoạt động này. Mỹ lãnh đạo một tiểu đoàn mới triển khai ở Ba Lan và bổ sung thêm một lữ đoàn tác chiến, được triển khai từ Mỹ sang châu Âu theo hình thức đồn trú luân phiên.

Mỹ huy động quân đội đồng minh áp sát biên giới Nga bằng mọi cách

Kể từ đầu năm 2017, Mỹ cũng bắt đầu triển khai trước xe tăng và vũ khí hạng nặng cho một sư đoàn chiến đấu, để cho phép nhanh chóng tăng cường sức mạnh của NATO ở các vùng lãnh thổ phía Đông.

Chi tiêu hàng năm cho sáng kiến trấn an châu Âu này đã tăng từ 1 tỷ USD 2 năm trước lên mức gần 5 tỷ USD trong năm tài khóa 2018.

Mượn túi tiền đồng minh

Những bước đi này được đánh giá là sự tăng cường lớn nhất các nỗ lực phòng thủ tập thể của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh nhưng người Mỹ cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.

Việc các nước NATO từ năm 2014 thực thi nỗ lực tăng cường răn đe đã giúp ngăn chặn đà suy giảm năng lực tổng thể của liên minh, nhưng phản ứng này là quá chậm và quá ít ỏi.

Những bước đi này cần phải được hỗ trợ bằng việc cải thiện khả năng tác chiến của quân đội NATO, cũng như tăng mạnh đầu tư vào các hạ tầng bộ binh, hải quân và không quân để cho phép tăng cường tiềm lực nhanh chóng ở các quốc gia thành viên Đông Âu trong liên minh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-muon-tui-tien-dong-minh-duy-tri-ba-chu-toan-cau-3347407/