Mỹ muốn thử tên lửa đánh chặn, Nga sẵn sàng

Nga sẽ đưa ra mọi biện pháp đáp trả nếu Mỹ thực hiện kế hoạch thử tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA.

TASS đăng tải thông tin cho biết Moscow bày tỏ quan điểm trước việc truyền thông Mỹ đồng loạt dẫn nguồn tin giấu tên từ Lầu Năm Góc cho biết quân đội nước này đã lên kế hoạch thử nghiệm tên lửa SM-3 Block IIA nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM.

"Những kế hoạch này buộc chúng tôi phải quan tâm, các báo cáo về các vụ thử nghiệm SM-3 Block IIA đã được lên kế hoạch bắn hạ ICBM lần nữa khẳng định tuyên bố của Washington rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên toàn cầu không nhằm vào Nga là điều đáng hoài nghi” - Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

Tại Hội nghị An ninh Moscow năm 2012, phái đoàn Mỹ khẳng định họ không có ý định nhằm vào Nga khi phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa, đánh chặn tên lửa của mình. Tuy nhiên, "mối đe dọa này đã thành hiện thực" - Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Đồng thời, Moscow đưa ra thông điệp ngắn gọn: "Nga sẽ buộc phải tính đến điều này và đưa ra các biện pháp đáp trả, kể cả các biện pháp kỹ thuật khi tiến hành phát triển các loại vũ khí đáp ứng cần thiết".

Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Mỹ

Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Mỹ

Moscow một lần nữa tuyên bố hai bên cần cùng nhau tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề đã tích tụ lâu nay, thay vì lựa chọn một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trước đó, thông tin từ Washington Post dẫn nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết Mỹ đang tiến hành phát triển tên lửa SM-3 và dự kiến chính thức thử nghiệm đánh chặn thực tế vào năm 2020. Trọng tâm của việc phát triển tên lửa này nhằm đảm bảo cho sự an toàn của nước Mỹ trước mối đe dọa ICBM từ Nga và Trung Quốc.

Thông tin khác về loại tên lửa SM-3 Block IIA này, đây là sản phẩm hợp tác giữa nền công nghiệp quốc phòng Mỹ và Nhật Bản. Bản thân Tokyo cũng muốn xây dựng hệ thống phòng thủ trong bối cảnh Triều Tiên không có ý định hủy sức mạnh hạt nhân của mình.

SM-3 có nhiều biến thể, có thể trang bị cho các hệ thống phóng từ mặt đất, hoặc có thể trang bị cho các tàu khu trục hoạt động trên biển. Dự kiến, các tàu lớp Aegis của Mỹ và Nhật Bản sẽ được trang bị loại tên lửa đánh chặn hiện đại này.

Mỹ dự kiến sẽ còn trang bị SM3 Block IIA trên các tàu khu trục tấn công lớp Aegis

Việc Nga tuyên bố đáp trả Mỹ cho thấy Moscow luôn tự tin nếu Washington tiếp tục phát đi những tín hiệu leo thang căng thẳng. Hiện tại, mối quan hệ giữa hai bên được đánh giá là tệ hại khi hai nước đã tiến đến hủy Hiệp ước cắt giảm tên lửa tầm trung INF hồi đầu năm 2019.

Cơ hội để Mỹ và Nga có thể ngồi vào bàn đàm phán cho các biện pháp kìm hãm chạy đua vũ trang là rất mong manh. Bởi hiện tại, quan điểm của Washington không còn gói gọn vào những sự quan tâm chỉ với riêng Moscow.

Chính quyền Washington cho rằng Bắc Kinh đã nổi lên là một đối trọng nguy hiểm cho an ninh quốc phòng của Mỹ. Vì thế, Washington sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu có sự tham gia của cả 3 bên Mỹ-Nga- Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định mọi kế hoạch phát triển vũ khí của họ chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với bất kỳ ai. Có thể thấy, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang mới quy mô toàn cầu đang rất đáng báo động.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-muon-thu-ten-lua-danh-chan-nga-san-sang-3376864/