Mỹ muốn tăng khả năng tác chiến khi sáp nhập hai Bộ tư lệnh Lục quân

Quân đội Mỹ vừa chính thức công bố kế hoạch sáp nhập Bộ tư lệnh Lục quân châu Phi với Bộ tư lệnh Lục quân châu Âu, trở thành Bộ tư lệnh Âu-Phi của Lục quân Mỹ (USAREUR-AF).

Với phạm vi phụ trách trải dài trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là bước đi mới nhất của Washington nhằm tăng hiệu quả tác chiến của lực lượng lục quân đồn trú trên hai châu lục này. Ngoài ra, đây còn là động thái cho thấy những dự tính của Mỹ về chiến lược đối với các đồng minh, cũng như những ưu tiên về địa chính trị trong nhiều năm tới.

Trang Defense News dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho hay, sau khi sáp nhập, bộ tư lệnh mới sẽ giúp củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lục quân Mỹ ở cấp khu vực cũng như toàn cầu, tăng cường tính hiệu quả và linh hoạt của công tác chỉ huy cũng như khả năng tổ chức các chiến dịch quy mô lớn.

 Binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh: army.mil

Binh sĩ thuộc Lục quân Mỹ tập trận tại châu Âu. Ảnh: army.mil

Quy mô Lục quân Mỹ đồn trú tại châu Phi hiện đang khiêm tốn hơn nhiều so với ở châu Âu. Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Phi đặt sở chỉ huy ở Italy và không có căn cứ quân sự lớn nào ở lục địa này. Trong khi đó, nhiều hoạt động nhằm bảo đảm lợi ích của Mỹ và các đồng minh châu Âu lại có liên hệ chặt chẽ với châu Phi, ví dụ như chống khủng bố. Do đó, việc thành lập USAREUR-AF được cho là cần thiết để tăng tính thống nhất và giảm thời gian đưa ra quyết sách. Đây là ưu điểm khi lược bỏ được những vướng mắc có thể xảy ra khi hai bộ tư lệnh có thẩm quyền ngang nhau cùng chỉ huy một chiến dịch.

Một lợi ích khác của việc tinh gọn là khả năng tập trung nhân lực tại cơ quan đầu não cho các chức năng mang tính chiến lược ở khu vực châu Âu. Bộ tư lệnh Lục quân Mỹ khu vực châu Phi trước đây sẽ trở thành đơn vị chuyên trách khu vực Nam Âu-châu Phi (SETAF-AF) nằm trong USAREUR-AF, tập trung chủ yếu vào hợp tác ở cấp chiến thuật và chiến dịch với các nước trong khu vực được chỉ định.

Nói cách khác, bên trong bộ tư lệnh mới sẽ có phân ban riêng để chỉ huy các hoạt động như huấn luyện, diễn tập với đồng minh. Những quyết sách liên quan tới điều quân, bố trí khí tài hay tập trận đa quốc gia sẽ do sở chỉ huy cấp cao nhất của USAREUR-AF đảm trách.

Sau khi sáp nhập, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Phi sẽ trở thành Phó tư lệnh của USAREUR-AF. Đứng đầu bộ chỉ huy mới sẽ là tướng Christopher Cavoli, người trước đó nắm giữ chức vụ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu. Ngay trước khi có quyết định thành lập USAREUR-AF, ông Christopher Cavoli được thăng quân hàm Đại tướng. Ngoài khu vực Âu-Phi, chỉ có khu vực châu Á-Thái Bình Dương là có Tư lệnh Lục quân với cấp bậc tương tự. Theo Bộ trưởng Ryan McCarthy, việc thăng quân hàm là một thay đổi quan trọng trong công tác cải tổ bộ máy chỉ huy. Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, viên tướng này sẽ có toàn quyền lãnh đạo các lực lượng trên bộ tại hai châu lục, không chỉ của Mỹ mà còn của cả khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về phần châu Phi, quyết định này phù hợp với những cân nhắc gần đây của Mỹ về việc rút bớt hiện diện quân sự tại châu lục. Hồi đầu năm, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, châu Âu nên gia tăng ảnh hưởng của mình tại châu Phi, cân bằng lại sự lùi bước của Washington. Sự hỗ trợ của Mỹ cho đồng minh, nhất là trong chiến dịch chống khủng bố tại vùng Sahel và Sừng châu Phi, sẽ chủ yếu tập trung vào vận tải đường không, tuần tra và trinh sát.

Ngoài ra, quyết định trên thể hiện ưu tiên về địa chính trị của Mỹ trong tương lai, đó là củng cố quan hệ với châu Âu và đối phó với Nga. Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi các thỏa thuận an ninh quan trọng như Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, hay mới đây là hiệp ước Bầu trời Mở, Lục quân Mỹ đồn trú tại châu Âu có vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây là lực lượng được biên chế các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong tương lai, Lục quân Mỹ cũng sẽ là quân chủng vận hành vũ khí răn đe có thể mang đầu đạn hạt nhân như tên lửa hành trình và đạn đạo tầm trung.

Việc thành lập USAREUR-AF cho thấy đây là một hướng đi của Washington nhằm khẳng định vị trí lãnh đạo NATO, thông qua vai trò dẫn đầu trong các hoạt động quân sự chung của liên minh này.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/my-muon-tang-kha-nang-tac-chien-khi-sap-nhap-hai-bo-tu-lenh-luc-quan-645188