Mỹ muốn sở hữu độc quyền vaccine chống Covid-19?

Đức đang tìm cách ngăn chặn nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục một công ty của Đức đang nghiên cứu vaccine chống SARS-CoV-2 chuyển nghiên cứu của họ sang Mỹ, buộc các chính trị gia Đức phải lên tiếng phản đối ý định sở hữu độc quyền.

Công ty CureVac của Đức đang nghiên cứu Vaccine chống SARS-CoV-2. (Nguồn: The Hill)

Công ty CureVac của Đức đang nghiên cứu Vaccine chống SARS-CoV-2. (Nguồn: The Hill)

Hợp tác quốc tế mới là quan trọng

Ngày 15/3 chính phủ Đức cam kết sẽ chống lại các nỗ lực được cho là của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm độc quyền sở hữu nghiên cứu của một công ty Đức về loại vaccine tiềm năng chống SARS-CoV-2.

Chính quyền Mỹ đang tìm cách tiếp cận một loại vaccine tiềm năng do công ty CureVac của Đức đang nghiên cứu. Trước đó, báo Đức Welt am Sonntag đưa tin Tổng thống Donald Trump đã đề xuất các khoản tài trợ để mời gọi CureVac đến Mỹ, và chính phủ Đức cũng đưa ra những đề xuất hậu hĩ hơn để thuyết phục công ty này ở lại.

Một bài báo đã được đăng trên trang nhất của báo Đức Welt am Sonntag với tựa đề “Trump đối đầu Berlin”: “nước Đức không phải để bán”. Bài báo cho biết ông Trump đang nỗ lực sở hữu độc quyền một loại vaccine tiềm năng có thể chống lại mối đe dọa sức khỏe toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người, hiện do công ty công nghệ sinh học Đức CureVac nghiên cứu sản xuất. Báo trên trích dẫn các nguồn thân cận với chính phủ Đức cho biết ông Trump đã đề nghị chi “một tỷ USD” để đảm bảo loại vaccine “chỉ dành cho Mỹ”.

Tại một hội nghị ngày 15/3, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer khi được hỏi về những nỗ lực này của Mỹ trong việc thu hút công ty Đức, ông nói: “Tôi chỉ có thể nói đã có vài lần tôi nghe thấy thấy các quan chức chính phủ nói về điều này, và chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này...”.

Bài báo đã kích động thái độ giận dữ tại Berlin. Erwin Rueddel, một nhà lập pháp bảo thủ tại Ủy ban Y tế thuộc Quốc hội Đức, nói: “Trong lúc này, sự hợp tác quốc tế mới là quan trọng, chứ không phải là lợi ích của riêng một quốc gia nào”. Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) cáo buộc ông Trump lợi dụng việc này để lấy lòng cử tri Mỹ. Bà nói: "Rõ ràng là ông Trump sẽ sử dụng bất cứ biện pháp có thể để thúc đẩy chiến dịch tranh cử của mình".

Về phía Mỹ, một quan chức ngày 15/3 đã khẳng định bài báo này “quá cường điều” bởi “chính phủ Mỹ đã trao đổi với hơn 25 công ty tuyên bố họ có thể hỗ trợ việc sản xuất ra một loại vaccine. Hầu hết các công ty này đều đã nhận các khoản tài trợ từ đầu của các nhà đầu tư Mỹ”. Quan chức này cũng bác bỏ luận điệu rằng Mỹ đang tìm cách giữ bất kỳ một loại vaccine tiềm năng nào cho bản thân mình.

Phản ứng với bài báo, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã viết trên Twitter: “Thông tin của báo Welt là sai sự thật”. Một quan chức Mỹ cũng nói với Reuters: “Câu chuyện này thật quá sức cường điệu…. Chúng tôi sẽ tiếp tục thương thảo với bất kỳ công ty nào có khả năng và bất cứ giải pháp nào nếu được tìm ra đều sẽ được chia sẻ với toàn thế giới”.

Reuters cũng dẫn một tuyên bố của CureVac ngày 15/3 cho biết “Công ty bác bỏ mọi tin đồn về một thương vụ mua bán như vậy”. Nhà đầu tư chính của CureVac Dietmar Hopp nói ông không bán và muốn CureVac phát triển một vaccine phòng SARS-CoV-2 để “cứu giúp người dân không chỉ trong khu vực mà trên khắp thế giới”.

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức được Reuters dẫn lời cho biết Berlin “cực kỳ quan tâm” đến việc sản xuất các loại vaccine tại Đức và châu Âu. Bà trích dẫn luật ngoại thương Đức, trong đó Berlin có thể nghiên cứu việc kiểm soát sự đấu thầu của các nước bên ngoài EU, tức là các nước thứ ba “nếu những lợi ích an ninh của quốc gia hay châu Âu bị nguy hiểm”.

Công ty CureVac đang cho hai loại vaccine tốt nhất vào thử nghiệm lâm sàng. (Ảnh: Getty Image)

Vaccine sắp được đưa vào thí nghiệm

Florian von der Muelbe, giám đốc sản xuất, và là đồng sáng lập của CureVac, nói với Reuters hồi tuần trước rằng công ty đã bắt đầu với một loạt loại vaccine tiềm năng chống SARS-CoV-2, và hiện đang chọn hai loại tốt nhất để đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Công ty tư nhân có trụ sở tại Tuebingen, Đức này hy vọng từ nay đến tháng 6 hoặc tháng 7 tìm ra được một loại vaccine có thể sẵn sàng sử dụng trong phòng thí nghiệm, để sau đó được sự chấp thuận của các nhà điều hành và đưa vào thử nghiệm trên người.

Trên trang web của mình, CureVac cho biết Giám đốc điều hành Daniel Menichella hồi đầu tháng 3 đã gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng các thành viên trong Lực lượng Đặc nhiệm về Covid-19 của Nhà Trắng và các đại diện cấp cao của các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học để thảo luận về một loại vaccine. AFP dẫn lời bà Menichella phát biểu trên website công ty ngay sau chuyến thăm: “Chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ có khả năng phát triển một loại vắc-xin tiềm năng trong vài tháng nữa”.

Thế nhưng AFP cũng cho biết hồi tuần trước, công ty này đã đưa ra một tuyên bố đầy bí ẩn về việc bà Menichella bị thay thế bởi ông Ingmar Hoerr, chỉ vài tuần sau cuộc gặp nói trên.

Ngày 15/3, các nhà đầu tư CureVac khẳng định sẽ không bán vaccine cho riêng một nước bất kỳ nào. Tuyên bố này đã được Bộ trưởng Kinh tế Altmaier hoan ngênh và gọi là một “quyết định tuyệt vời”. Ngoài CureVac, còn có một số công ty khác cũng đang nghiên cứu về các loại vắc-xin chống SARS-CoV-2 như là các hãng dược phẩm Johnson&Johnson và INOVIO Pharmaceuticals, Inc….

Thu Hiền

(theo Reuters, AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-muon-so-huu-doc-quyen-vaccine-chong-covid-19-111655.html