Mỹ muốn phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc

Tổng thống Joe Biden ngày 25-2 đã ký sắc lệnh hành pháp thúc đẩy nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng những sản phẩm và nguồn lực chiến lược. Lãnh đạo Mỹ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết giảm phụ thuộc vào nguồn cung 'nước ngoài' và hạn chế nguy cơ bị gián đoạn trong các lĩnh vực cần ưu tiên như khai thác đất hiếm, vốn do Trung Quốc chi phối.

Một khu khai thác khoáng sản tại Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một khu khai thác khoáng sản tại Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đất hiếm là nhóm 17 loại khoáng sản tự nhiên đóng vai trò thiết yếu để sản xuất nhiều thiết bị điện tử và công nghệ quân sự. Ví dụ, để sản xuất mỗi chiếc Toyota Prius cần khoảng 15kg đất hiếm trong khi một chiến đấu cơ F-35 của Mỹ cần tới 416kg, còn một tàu ngầm Hải quân phải tốn hơn 3,6 tấn vật liệu này. Vốn đất hiếm không hiếm như tên gọi của nó nhưng thường trộn lẫn với những thành phần khác trong tự nhiên và để xử lý thành nguyên liệu sử dụng được thì phải tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Nhận xét về tuyên bố mới của Washington, các nhà quan sát cho rằng ông Biden tuy không đề cập trực tiếp nhưng “nước ngoài” ở đây rõ ràng ám chỉ Trung Quốc. Trong suốt 30 năm qua, Bắc Kinh gần như độc quyền thị trường đất hiếm khi chiếm đến 80% tổng sản lượng toàn cầu, nếu tính cả hoạt động sản xuất bất hợp pháp. Để giành lợi thế chiến lược, cường quốc châu Á sẵn sàng sử dụng đất hiếm như một loại vũ khí địa chính trị. Điển hình như năm 2010, Bắc Kinh đã áp lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản để trả đũa Tokyo khi căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng nổ. Cách đây hai năm, Trung Quốc còn chuẩn bị kế hoạch hạn chế xuất khẩu mặt hàng này nhằm gây áp lực lên Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Dù các biện pháp trên chưa từng được áp dụng, nhưng ý định từ Trung Quốc cũng buộc Mỹ và châu Âu gấp rút tìm cách giảm sự phụ thuộc đất hiếm vào một nguồn cung duy nhất. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ký sắc lệnh tăng cường sản lượng đất hiếm trong nước. Đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa, kế hoạch sắp tới của chính quyền Biden sẽ tiếp tục coi trọng hợp tác với các đồng minh, đối tác chiến lược nhằm mở rộng năng lực khai thác, xử lý nguồn khoáng sản cần thiết này. Trong đó, Úc và Nhật Bản theo đánh giá của giới chuyên gia, sẽ nắm vai trò chủ chốt.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định đầu tư cho công ty trong nước MP Materials cùng doanh nghiệp Lynas (Úc) trong dự án khai thác đất hiếm tại hai bang Texas và California. Đầu tháng này, Lầu Năm Góc thông báo đã ký hợp đồng thứ hai với Lynas. Khi hoàn thành, Lynas sẽ vận hành hai nhà máy chế biến đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội mang lại lợi ích quan trọng đối với ngành công nghiệp đất hiếm của Úc (quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 6 thế giới); đồng thời giúp Washington tiếp cận sâu hơn thị trường đất hiếm mà Bắc Kinh kiểm soát lâu nay.

Trong nỗ lực phá vỡ thế kìm kẹp của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản những năm gần đây cũng đã chia sẻ công nghệ mới khai thác, tinh chế đất hiếm để giảm chi phí và đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường. Với sự tham gia của Úc, nhiều người nhận định động thái này sẽ chuyển dịch cơ cấu cạnh tranh toàn cầu lớn hơn và đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo ASPI Strategist)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-muon-pha-the-doc-quyen-dat-hiem-cua-trung-quoc-a130667.html