Mỹ muốn có 'lực lượng Arab' để làm gì?

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 17-4 cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn triển khai một 'lực lượng Arab' ở Syria và đã yêu cầu Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar đảm trách sẽ thay thế quân đội Mỹ tại Syria.

Nước cờ của Tổng thống D.Trump đang làm cho tình hình Trung Đông thêm rối ren khi ai cũng hiểu ông Trump muốn dùng chính người “bản địa” để ngăn bước tiến của Nga và Iran tại Syria và Trung Đông.

Theo tính toán của Tổng thống D.Trump, đội quân Arab nếu thành lập được sẽ có sứ mệnh đặc biệt là giữ ổn định vùng Đông Bắc Syria, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, sau khi không còn IS ở Syria, đội quân này có hình thành được hay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm và nó chiến đấu vì cái gì?

Trả lời câu hỏi trên, các quan chức Mỹ cho biết, ý định tạo ra “lực lượng Arab” chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Mỹ, Pháp, Anh thực hiện rạng sáng 14/4 (giờ địa phương) nhằm vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Theo WSJ, Cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống D.Trump là John Bolton đã liên lạc với Giám đốc Tình báo Ai Cập Abbas Kamal để thuyết phục chính quyền Ai Cập tham gia sáng kiến này.

Một quan chức Mỹ đã nói rằng, ngoài việc 4 nước (gồm Ai Cập, Saudi Arabia, UAE và Qatar) đã được chính quyền Mỹ yêu cầu cùng góp sức để duy trì “ổn định” ở Syria, 3 nước gồm Saudi Arabia, Qatar và UAE còn được yêu cầu đóng góp tài chính hoặc “những thứ khác” liên quan (có thể là vũ khí) cho lực lượng mới sắp được thành lập này. Trong đó, Trump đã yêu cầu Riyadh “đóng góp 4 tỷ USD để tái thiết Syria”.

Nhìn vào thực chất sẽ thấy rõ, trước khi đưa ra ý tưởng trên, Tổng thống Mỹ đã “năm lần bảy lượt” hối thúc việc rút quân khỏi Syria. Tuy nhiên, những tính toán lợi ích cũng như sức ép từ nhiều phía khiến nước Mỹ và ông Trump chưa biết phải làm thế nào cho đỡ mất thể diện mà vẫn giữ được lợi ích, trong khi phải bỏ ra chi phí ít nhất. Rõ ràng, việc triển khai lực lượng quân sự chung tại Syria sẽ cho phép Mỹ rút khỏi Syria một cách êm thấm, và đây là ý định mà ông Trump đã “nuôi dưỡng” từ đầu tháng 4-2018, cùng với những tuyên bố trái ngược nhau.

Quân đội Saudi Arabia là một trong những quân đội được trang bị tốt nhất khu vực. Ảnh: Saudi Press Agency.

Ông Trump đã nói trước khi hủy bỏ kế hoạch rút quân rằng “lực lượng quân đội Mỹ đã gặt hái nhiều thành công trước IS và đã đến lúc về nhà”.

Ngoại trừ Saudi Arabia đã tuyên bố “sẵn sàng” gửi quân đến Syria, hiện các nước còn lại chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào do tính chất của lời đề nghị này quá nhạy cảm với khu vực. Nhận định về “ý tưởng” trên của ông Trump, phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký Antonio Guterres ở Riyadh, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nói: “Chúng tôi thảo luận với Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Syria (năm 2011) về việc điều các lực lượng Arab tới Syria”. Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh rằng, đề nghị điều động binh sĩ tới Syria là “không mới”.

Ông Jubeir nêu rõ: “Chúng tôi đã đưa ra một lời đề nghị với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama rằng nếu Mỹ đã điều các lực lượng thì Saudi Arabia sẽ cân nhắc cùng với những nước khác cử các lực lượng như một phần của lực lượng chung này”.

Câu trả lời khôn ngoan của Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho thấy, Saudi Arabia đang hướng tới mục tiêu khác với Mỹ. Bởi, các nước như Saudi Arabia từ lâu đã muốn nằm trong một liên minh với Mỹ. Và khi Mỹ đề nghị sự tham gia của các nước Arab, chắc chắn Mỹ phải có sự “đổi chác”.

Theo nguồn thạo tin, một trong những ý tưởng đang được thảo luận với Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ là cho Saudi Arabi quy chế đồng minh ngoài NATO nếu họ đồng ý gửi lực lượng cũng như hỗ trợ tài chính tới Syria. Việc cho trao quy chế đồng minh ngoài NATO sẽ chính thức thừa nhận chỗ đứng của họ là đối tác quân sự chiến lược của Mỹ ở cấp độ đồng minh chủ chốt như Israel, Hàn Quốc và Jordan.

Theo nhà phân tích về vấn đề Trung Đông của Mỹ, bà Nicholas Heras, quy chế đồng minh ngoài NATO là điều mà nhiều nước muốn và nếu Saudi Arabia trở thành đồng minh ngoài NATO của Mỹ, Washington sẽ trở thành người bảo trợ cho an ninh của Saudi trong tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng một liên minh Arab tại Syria mà vẫn duy trì được lợi ích chiến lược của Mỹ trên thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều.

“Tôi không biết liệu Mỹ có đặt niềm tin hoàn toàn vào bất cứ đồng minh khu vực nào khi tính đến việc ổn định Syria hay không”, bà Heras nói. Bởi hiện nay, các đối tác Arab có khả năng nhất cũng đang tham gia vào các cuộc xung đột khác trong khu vực. Bà Heras cho rằng, quy chế đồng minh ngoài NATO có thể là viên kẹo bọc đường đối với Saudi Arabia.

Ngoài những nguyên nhân về chính trị, năng lực chiến đấu của “đội quân Arab” cũng là vấn đề. Các chuyên gia quân sự nhận định, cho dù đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mua khí tài quân sự của Mỹ, hầu hết các lực lượng quân đội của các nước Arab bị hạn chế về năng lực. Thậm chí, ngay cả những lực lượng quân sự tiên tiến nhất trong khu vực cũng vẫn phải dựa vào Mỹ trong việc thu thập thông tin tình báo và vẫn phải thu thập thông tin từ vệ tinh của Mỹ.

Sự yếu kém bộc lộ rõ như vậy cho thấy thật khó để đảm bảo tính hiệu quả khi lực lượng này được triển khai tới chiến trường Syria. Rõ ràng Mỹ không thể “đem con bỏ chợ”. Sự thật là Mỹ vẫn khó có thể rút hoàn toàn khỏi Syria.

Tương lai của Syria, cuộc tranh giành ảnh hưởng với Nga và Iran sẽ đi về đâu trong bối cảnh các nước lớn muốn tự mình sắp đặt bàn cờ mà không quan tâm tới chính quyền hay lợi ích người dân Syria. Thành lập đội quân Arab sẽ khiến tình hình Syria thêm căng thẳng và thật khó xác định tương lai. Những tính toán sai lầm rất có thể sẽ khiến Mỹ và đồng minh “mất cả chì lẫn chài”.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-muon-co-luc-luong-arab-de-lam-gi-487913/