Mỹ mua thêm MQ-4C sau khi bị Iran bắn rơi

Hải quân Mỹ đã ký vào bản hợp đồng mới với nhà thầu Northrop Grumman mua thêm 2 chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton.

Hai chiếc MQ-4C mới sẽ là sự bổ sung cần thiết vào các thiết bị hiện hữu nhằm nâng cao năng lực trinh sát, do thám, thu thập tin tức tình báo tại các khu vực ưu tiên trên thế giới của Hải quân Mỹ.

Khi những chiếc MQ-4C mới chính thức được triển khai vào năm 2021, phi đội UAV này sẽ phối hợp cùng với các máy bay tuần tra hải quân khác để tạo thành một mạng lưới thu thập thông tin hiệu quả, đa chiều, liên tục 24/7 tại những vùng biển Hải quân Mỹ đang hoạt động.

Máy bay MQ-4C Triton.

Máy bay MQ-4C Triton.

Dù lý do mua thêm MQ-4C được Mỹ đưa ra nhằm tăng cường lực lượng tuần tra nhưng theo tờ USNI News, thực tế việc MQ-4C là do lỗ hổng nghiêm trọng về năng lực tuần tra trinh sát sau khi Iran bắn hạ một chiếc MQ-4C hồi giữa năm 2019.

Bởi tại thời điểm đó, quân đội Mỹ chỉ sở hữu 4 nguyên mẫu RQ-4N và hai chiếc MQ-4C Triton. Đặc biệt, Lực lượng máy bay trinh sát của Washington cũng bị lộ điểm yếu nguy hiểm sau sự cố, đó là khả năng xâm nhập không phận của những đối thủ sở hữu lưới phòng không hiện đại, nhiều tầng lớp.

Quân đội Mỹ đang sở hữu hàng trăm máy bay chuyên thực hiện nhiệm vụ trinh sát, từ các mẫu có người lái như phi cơ do thám U-2, máy bay tình báo điện tử RC-135, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3, máy bay tuần thám P-8 Poseidon, cho tới các loại UAV như RQ-4, MQ-9 hay MQ-4 của hải quân.

Nhưng tất cả chúng đều được xếp vào diện không có khả năng thâm nhập, nghĩa là chúng rất dễ tổn thương trước các hệ thống phòng không hiện đại. Chúng đều không có khả năng tàng hình, tốc độ bay tương đối thấp và không có khả năng cơ động như tiêm kích.

Trinh sát cơ Mỹ phải hoạt động xa lãnh thổ đối phương để bảo đảm an toàn, hoặc mạo hiểm tiếp cận không phận và đối mặt với nguy cơ bị bắn hạ. Vụ MQ-4C bị Iran bắn hạ là ví dụ dễ hình dung nhất cho trường hợp mạo hiểm tiếp cận không phận đối phương của UAV Mỹ sẽ gặp nguy hiểm thế nào.

Sự tác động sau vụ Iran bắn rơi chiếc MQ-4C cũng đã khiến Ấn Độ cân nhắc lại kế hoạch mua 30 UAV trị giá 6 tỷ USD từ Mỹ vì lo ngại về khả năng sinh tồn của những máy bay này khi chúng hoạt động ở điểm nóng chiến sự.

Ban đầu New Delhi dự định trang bị cho không quân, hải quân và lực lượng bộ binh 30 UAV hiện đại của Mỹ. Trong đó không quân và bộ binh được cấp 20 UAV tấn công Predator-B. Hải quân sẽ được trang bị 10 UAV trinh sát đường dài, tương tự mẫu MQ-4C Triton.

Nhưng sau vụ Iran bắn hạ một chiếc MQ-4C Triton tại Eo biển Hormuz, Ấn Độ đã chỉ ra rằng, chiếc UAV này chỉ có thể hoạt động tại các khu vực mà đối thủ có năng lực phòng không hạn chế. Với các điểm nóng mà Ấn Độ có liên quan, khả năng sống sót của những máy bay này khá giới hạn.

Cùng với việc cân nhắc ngừng mua hàng Mỹ, quân đội Ấn Độ cũng đang có kế hoạch chuyển sang mua sắm sản phẩm khác hiệu quả và an toàn hơn.

Nếu Ấn Độ thực sự ngừng mua UAV Mỹ, điều này có thể tác động tiêu cực tới khả năng xuất khẩu vũ khí của Mỹ tới các đồng minh ở Trung Đông và nhiều nước khác trong tương lai bởi những UAV đắt tiền, được trang bị nhiều công nghệ tối tân như Mỹ quảng bá vẫn có thể bị hạ bởi tên lửa có mức giá tương đối rẻ.

Australia hồi năm 2018 ký hợp đồng 5,1 tỷ USD để mua 6 chiếc MQ-4C cùng hệ thống đi kèm, trong khi Đức cũng tỏ ý muốn sở hữu dòng UAV này vào năm 2025.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-mua-them-mq-4c-sau-khi-bi-iran-ban-roi-3396572/