Mỹ mua mắt thần của S-300

Việc Mỹ mua hệ thống radar phòng không 3D 36D6M1-1 của Ukraine có thể khiến những thông tin về hệ thống S-300 của Nga bị lộ mật.

Theo Defence-blog, Trung tâm Chỉ huy hợp đồng quân đội Mỹ ở Orlando, Florida vừa nhận được hệ thống radar di động 3D 36D6M1-1 qua công ty SFTC Progress của nhà nước Ukraine.

Hệ thống radar 36D6M1-1.

Hệ thống radar 36D6M1-1.

Dù không tiết lộ việc Mỹ mua tổ hợp radar tối tân này nhằm mục đích gì nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, sau thương vụ này, nhiều thông tin của Ukraine, khách hàng và cả Nga khi vận hành S-300 đều bị lộ trước Mỹ bởi đây là hệ thống radar được trang bị rộng rãi cho hệ thống phòng không S-300.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, 3D 36D6M1-1 được thiết kế để sử dụng như một phần của hệ thống phòng không tích hợp (có thể cung cấp tham số cho tên lửa S-300).

Đài làm nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) nhỏ bay ở độ cao thấp và rất thấp trong môi trường nhiễu chủ động và nhiễu bị động mạnh. Ưu điểm của đài 3D 36D6M1-1 là có khả năng kháng nhiễu chủ động và nhiễu bị động rất cao.

Mục tiêu được xử lý qua thiết bị xử lý dữ liệu thô cho phép loại bỏ các mục tiêu giả trong môi trường lộn xộn. Tiếp đến bộ vi xử lý kỹ thuật số sẽ cho phép phát hiện mục tiêu một cách chính xác với đầy đủ 3 tham số. Radar có thể xử lý 120 mục tiêu cùng lúc, trong đó có 30-60 mục tiêu được xử lý trong chế độ tự động.

Với mục tiêu có diện tích phản hồi radar (RCS) 0,1m2, 36D6M1-1 có thể phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 50m, phạm vi phát hiện không dưới 27km; mục tiêu bay ở độ cao 100m, phạm vi phát hiện 42km; mục tiêu bay ở độ cao 1.000-6.000m, phạm vi phát hiện không dưới 80km.

Và với mục tiêu RCS 1m2, 36D6M1-1 phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 50m, phạm vi phát hiện 31km; mục tiêu bay ở độ cao 100m, phạm vi phát hiện 46km; mục tiêu bay ở độ cao trên 1.000m, phạm vi phát hiện từ 110-115km; mục tiêu bay ở độ cao 6.000- 18.000m, phạm vi phát hiện từ 147-175km.

Tuy nhiên, nếu Mỹ mua 36D6M1-1 chỉ để tìm cách khắc chế S-300 thì đây là động thái khó hiểu của Mỹ bởi hệ thống này đang dần bị Nga thay thế bằng S-400 và sắp tới là S-500 tối tân hơn rất nhiều.

Và đây được coi là thương vụ mua sắm vũ khí Ukraine khó hiểu nữa của Mỹ sau khi nước này móc hầu bao mua 2 chiếc xe tăng T-84 Oplot hồi năm 2017.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-mua-mat-than-cua-s-300-3364827/