Mỹ mở rộng cuộc chiến thương mại tới Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, sau Trung Quốc?

Với cáo buộc Ấn Độ dựng lên những rào cản không cần thiết đối với thương mại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chấm dứt một thỏa thuận thương mại quan trọng với cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ bắt đầu các hành động trừng phạt thương mại đối với hai nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chấm dứt một thỏa thuận thương mại quan trọng với cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: internet

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chấm dứt một thỏa thuận thương mại quan trọng với cả Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: internet

Theo Business Insider, khoảng 5,6 tỷ USD hàng hóa Ấn Độ hiện đang được miễn thuế vào Mỹ theo một thỏa thuận được gọi là Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP).

Thỏa thuận này có hiệu lực miễn trừ thuế quan đối với một số hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ từ Ấn Độ và một số quốc gia khác. Ấn Độ cho đến nay là nước thụ hưởng lớn nhất của thỏa thuận GSP với Hoa Kỳ, đã được áp dụng dưới hình thức nào đó từ giữa những năm 1970.

Các quốc gia khác được hưởng lợi bao gồm Brazil, Indonesia và Thái Lan, với khoảng 19 tỷ USD hàng hóa đến Mỹ theo các khoản miễn trừ mỗi năm, theo các dữ liệu gần đây.

Tuy nhiên, kể từ khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump thường xuyên chỉ trích Ấn Độ về mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và giờ đã đưa ra thông báo về việc loại bỏ Ấn Độ khỏi GSP.

Ấn Độ có một "hàng rào thương mại rộng lớn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến thương mại Hoa Kỳ", một thông báo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết.

Trong một lá thư riêng gửi lãnh đạo quốc hội Mỹ, ông Trump đưa ra lý do khiến ông loại Ấn Độ ra khỏi GSP:

"Tôi thực hiện bước đi này bởi vì tôi đã xác định rằng Ấn Độ đã không đảm bảo với Hoa Kỳ về cung cấp quyền tiếp cận thị trường Ấn Độ một cách công bằng và hợp lý".

Tuy nhiên, việc Ấn Độ bị loại khỏi GSP sẽ không diễn ra ngay lập tức. Các quan chức thương mại nói rằng điều này sẽ diễn ra sau 60 ngày kể từ thời điểm Chính phủ Ấn Độ và Quốc hội Hoa Kỳ chính thức được thông báo về việc này.

Chính phủ Ấn Độ cho biết họ không có kế hoạch trả đũa các hành động của Mỹ, và nói rằng thực sự thì nước này có rất ít lợi ích về mặt tiền tệ từ GSP.

Tờ Hindustan Times dẫn lời Thư ký Thương mại của Ấn Độ, ông Anup Wadhawan cho biết "Ấn Độ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 5,6 tỷ USD theo GSP và lợi ích thuế chỉ có 190 triệu USD mỗi năm".

Trong một cách động thái riêng rẽ khác, Chính phủ Hoa Kỳ cũng thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng họ cũng sẽ bị loại khỏi GSP, với lý do chính được phía Mỹ đưa ra là nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã có tăng trưởng nhanh chóng so với thời điểm lần đầu tiên được chấp nhận vào chương trình.

"Trong vòng bốn thập kỷ rưỡi qua, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ được chỉ định là quốc gia thụ hưởng GSP, nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển và đa dạng", Tổng thống Mỹ nói và cho rằng nước này hiện "có mức phát triển kinh tế đủ" để (hàng hóa của nước này) không cần hưởng các khoản miễn trừ khi tiếp cận thị trường Mỹ.

Bức thư cũng lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã được loại bỏ khỏi các chương trình tương tự của các quốc gia phát triển khác.

Các hành động trừng phạt của ông Trump đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ dường như có cách tiếp cận ôn hòa hơn so với các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tuần này, Washington đã quyết định loại bỏ "hầu hết, chứ không phải là tất cả", các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc, để đổi lấy việc cắt bỏ thuế quan của Bắc Kinh, cũng như các hạn chế khác bao gồm nông sản, hóa chất và ô tô đến từ Mỹ.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/my-mo-rong-cuoc-chien-thuong-mai-toi-an-do-va-tho-nhi-ky-sau-trung-quoc-303747.html