Mỹ mạnh vô đối dù rút lui cửa sau?

Các đối tác phải suy tính lại chiến dịch chống khủng bố nếu điều này đồng nghĩa với việc họ bị bỏ lại đơn độc khi Mỹ rút lui bằng cửa sau.

Rút lui bằng cửa sau

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, hai máy bay chiến đấu F-15E của Mỹ đã ném bom phá hủy một căn cứ quân sự, sở chỉ huy của Mỹ trong chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS), để ngăn không cho đồng minh trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ giành quyền kiểm soát. Giới phân tích phương Tây thừa nhận, sự kiện này thể hiện tín hiệu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington.

Trong khi ở Syria, Mỹ đột ngột “bỏ rơi” người Kurd thì ở Ukraine, chính quyền của Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc sử dụng một gói viện trợ quân sự 400 triệu USD làm điều kiện để đe dọa. Trang Yale Global của Mỹ bình luận rằng, hành động của Mỹ ở Ukaine và Syria đã làm nản lòng bạn bè của Mỹ và tiếp thêm sức mạnh cho đối thủ của Mỹ.

Bài viết trên trang này nhấn mạnh, chắc chắn các nước bạn bè sẽ bớt lệ thuộc vào Mỹ hơn nữa vì muốn phòng ngừa rủi ro từ những cá cược chiến lược. Điều bất lợi hơn là nhiều đối tác bị hạn chế về sức mạnh và lựa chọn, và có thể tìm kiếm những lựa chọn thay thế sẵn có như Nga và Trung Quốc.

Mỹ đã rút lui bằng cửa sau ở Syria

Mỹ đã rút lui bằng cửa sau ở Syria

Yale Global viết: “Cần nhận thức rõ rằng niềm tin của đồng minh vào Mỹ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II. Mỹ sẽ khó mà khắc phục được tổn hại về uy tín và hình ảnh của mình”.

Vụ việc liên quan tới Ukraine khiến ông Trump đối mặt với tiến trình luận tội được coi là “hành vi tống tiền” của Mỹ. Tiến trình này được dự báo sẽ kéo dài sang năm 2020 khiến Washington hầu như không có thời gian để tập vào việc quản lý liên minh. Giới phân tích Mỹ lo ngại, khi không có vai trò lãnh đạo, quan hệ bạn bè của Mỹ sẽ tan rã. Ví dụ điển hình được nêu ra là việc Mỹ “thiếu năng lực” giải quyết những vấn đề như tranh chấp giữa hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Liên quan tới quyết định về Syria, Yale Global cho rằng nếu đây là một chỉ dẫn, thì các đồng minh của Mỹ sẽ phải sẵn sàng đối mặt với một nhà lãnh đạo có xu hướng đưa đất nước hướng nội khi chịu sức ép. Tổng thống Donald Trump giải thích lý do quyết định từ bỏ người Kurd – lực lượng đã giúp Mỹ chiếm miền Bắc Syria từ tay IS - bằng việc nhắc lại cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 là chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận.

Theo số liệu của Yale Global, khoảng 11.000 người Kurd đã thiệt mạng trong cuộc chiến tiêu diệt IS. Các đối tác sẽ phải suy tính lại chiến dịch chống khủng bố nếu như điều này đồng nghĩa với việc họ bị bỏ lại đơn độc khi Mỹ rút lui bằng cửa sau. Một số bên tham gia khác có thể cũng rút ra kết luận tương tự, như cựu Cố vấn an ninh quốc gia Iraq Mowaffak al-Rubaie đã nói “Đối với người Mỹ, bạn bè là thứ có thể bỏ đi”.

Binh sĩ Mỹ huấn luyện binh sĩ Ukraine

Yale Global viết: “Việc nhà lãnh đạo thế giới tự do phản bội trắng trợn đồng minh trong một khu vực bất ổn như vậy đương nhiên gây ra những tác động tiêu cực toàn cầu”. Cụ thể, đó là những dòng người di cư sang châu Âu, căng thẳng giữa châu Âu và NATO gia tăng và mâu thuẫn giữa chính các đồng minh như việc Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, còn các nước châu Âu dừng buôn bán vũ khí cho đồng minh Ankara.

Người Mỹ lo sợ hậu quả từ sự mất lòng tin sẽ lan rộng khắp nơi, từ Afghanistan khi chính quyền Kabul hiểu rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo phải hứng chịu hệ quả tiêu cực từ một cuộc tháo chạy của Mỹ.

Nước Mỹ vô đối?

Việc lưỡng đảng quốc hội Mỹ lên án hành động của Nhà Trắng tại Syria cũng như những nỗ lực của giới lãnh đạo Quốc hội trong việc trấn an đồng minh, từ Jordan tới Afghanistan được ho là giữ lại chút ít hy vọng mong manh cho các đồng minh của Mỹ. Yale Global cho rằng Tổng thống Trump vẫn nằm trong vòng kiềm tỏa khi điều hành đất nước.

Ví dụ, những chỉ trích gay gắt từ chính đảng cầm quyền của Tổng thống đã buộc ông Trump phải rút lại ý định sử dụng khách sạn của cá nhân ông làm nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm 2020. Các đồng minh của Mỹ cũng không thể ra sức ủng hộ một chính quyền Mỹ luôn phủ nhận các thiết chế liên châu Âu và đe dọa các mối quan hệ an ninh để “bòn rút” những lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Tổng thống Mỹ D. Trump gặp rắc rối với cáo buộc dùng khoản viện trợ 400 triệu USD ra điều kiện để Ukraine điều tra đối thủ J. Biden

Các đồng minh của Mỹ cũng có thể tìm đường đi khác tương tự việc các thỏa thuận thương mại lớn được ký kết mà không có sự tham gia của Mỹ. Australia và Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Một kịch bản khác mà người Mỹ lo ngại khi những nghi ngờ về cam kết của Mỹ với các đồng minh hiệp ước gia tăng. Theo đó, một vài nước sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực quân sự, hoặc tạo lập quan hệ bạn bè tạm thời với những nước đồng minh xa lạ.

Việc Mỹ theo đuổi học thuyết “sức mạnh lấn át nguyên tắc” thì các đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Hàn Quốc có thể kết luận rằng không thể phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ được nữa và cần phải có các bước đi hướng đến phát triển bom hạt nhân.

Trong khi đó, số khác sẽ linh hoạt trong việc lựa chọn: chỉ hợp tác khi lợi ích quốc gia gắn kết với một trật tự thế giới ngày càng theo hướng đa cực. Ấn Độ được cho là đang đi theo định hướng này, gửi tới Mỹ thông điệp rằng họ sẽ hợp tác với Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Nga và những nước khác nếu điều đó phù hợp với Ấn Độ.

Mỹ vẫn tự tin vào sức mạnh vô đối và vai trò độc nhất vô nhị của bản thân

Người Mỹ lo ngại rằng, việc đa dạng hóa lựa chọn sẽ diễn ra dưới hình thức can dự ngày một thực dụng hơn của Nga và Trung Quốc. Ngay cả một đồng minh rất thân cận của Mỹ như Nhật Bản cũng đã có những bước đi đáng chú ý trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp đã làm tan băng quan hệ với Nga còn Đức đang củng cố kết nối kinh tế với Moscow.

Người Mỹ cay đắng nhận ra những hạn chế về ảnh hưởng toàn cầu của mình. Hầu như không có nước nào chấp thuận yêu sách của Mỹ đòi hỏi họ phải chấm dứt quan hệ với gã khổng lồ Huawei của Trung Quốc do những lo ngại về an ninh. Từ thương mại đến biến đổi khí hậu và vấn đề Iran, “Nước Mỹ trước tiên” đang ngày càng trở thành một “Nước Mỹ đơn độc”.

Tuy nhiên, Yale Global tin rằng khó có một cấu trúc nào đủ khả năng thay thế “vai trò lãnh đạo” của Mỹ. Trang này tin viết: “Sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ vẫn là vô đối và Mỹ đảm nhận vai trò độc nhất vô nhị. Việc thiết lập các liên minh quốc tế để bảo vệ các nguyên tắc được xây dựng từ lâu sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là khi chính quyền này thường hành động theo hướng làm xói mòn chúng”.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-manh-vo-doi-du-rut-lui-cua-sau-3390787/