Mỹ loay hoay ngoại giao dầu mỏ

Giống như nhiều đời Tổng thống Mỹ khác, ông Joe Biden có rất ít công cụ để giảm chi phí xăng dầu trong nước, đặc biệt là khi Nga - một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới - đã bất chấp tất cả để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, ông Joe Biden đã cam kết sẽ buộc chính quyền Ả Rập Saudi phải chịu trách nhiệm cho vụ ám sát nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Jamal Khashoggi. Tuy nhiên, các quan chức Washington tuần qua cho biết Tổng thống Biden dự định sẽ đến thăm vương quốc Trung Đông trong tháng này. Và đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy, dầu mỏ đã một lần nữa lấy lại vị trí trung tâm trong địa chính trị.

Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu về giá năng lượng cao và việc giải phóng dầu từ khu dự trữ chiến lược của Mỹ, tại Washington, ngày 31/3/2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu về giá năng lượng cao và việc giải phóng dầu từ khu dự trữ chiến lược của Mỹ, tại Washington, ngày 31/3/2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Tờ New York Times so sánh, khi Tổng thống Biden gặp Thái tử Mohammed bin Salman ở Ả Rập Saudi, ông sẽ tiếp bước các đời Tổng thống Mỹ khác như Jimmy Carter - người đã bay đến Tehran vào năm 1977 để nâng ly cùng nhà vua Iran vào đêm giao thừa.

Giống như Thái tử Mohammed bin Salman, vua Shah cũng là một người vướng nhiều tranh cãi về nhân quyền tại phương Tây. Nhưng ông Carter có nghĩa vụ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì một lý do được người dân Mỹ hết sức quan tâm lúc bấy giờ: Nguồn cung dầu trở nên ổn định và xăng sẽ rẻ hơn.

Cũng như Jimmy Carter hay các Tổng thống Mỹ khác, ông Biden có rất ít công cụ để giảm chi phí xăng dầu trong nước, đặc biệt là khi Nga - một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới - đã bất chấp tất cả để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vào thời của ông Carter, nguồn cung dầu mà các nước phương Tây cần cũng đã bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng ở Trung Đông.

Chỉ vài năm trước, nhiều nhà lập pháp ở Washington và các giám đốc điều hành dầu khí ở Texas đang tỏ ra tự hào vì sự bùng nổ năng lượng đã đưa nước Mỹ thành nước xuất khẩu ròng dầu và các sản phẩm dầu mỏ lớn của thế giới, đồng thời hứa hẹn giúp nước này độc lập hơn về năng lượng. Nhưng với việc giá dầu đang tăng cao, thành tích đó dường như đang trở nên mờ nhạt.

Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nhưng nước này chỉ chiếm khoảng 12% nguồn cung xăng dầu toàn cầu. Giá dầu - chi phí chính của xăng - vẫn có thể tăng hoặc giảm tại Mỹ tùy thuộc vào các sự kiện ở nửa bên kia vòng trái đất.

Bill Richardson, Bộ trưởng Năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, nói với New York Times: “Tổng thống sẽ phải rất nỗ lực, vì lựa chọn nào trong tay cũng đều tồi tệ. Và bất kỳ quyết định nào lúc này có lẽ cũng sẽ là tệ hơn việc nhờ vả Ả Rập Saudi tăng sản lượng”.

Hai quốc gia sản xuất dầu khác có thể tăng sản lượng - Iran và Venezuela - đều là những “kẻ thù không đội trời chung” của Mỹ, với việc các lệnh trừng phạt của phương Tây những năm qua đã cắt phần lớn 2 nguồn cung này khỏi thị trường toàn cầu. Thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào với các nhà lãnh đạo của Iran và Venezuela mà không đảm bảo các nhượng bộ lớn về các vấn đề như làm giàu hạt nhân hay cải cách dân chủ được tin sẽ là mối nguy về mặt chính trị đối với ông Biden.

Ben Cahill, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, giải thích: “Không Tổng thống Mỹ nào sẵn sàng loại Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran khỏi “danh sách khủng bố”. Các nhà lãnh đạo sẽ cảnh giác với bất kỳ động thái nào có vẻ như họ đang hy sinh chính trị và trao chiến thắng cho các đối thủ của Mỹ”.

Đến Tổng thống Mỹ cũng bất lực

Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, ngay cả Ả Rập Saudi - quốc gia được coi là có năng lực sản xuất dự phòng nhất để sẵn sàng đưa vào sử dụng - cũng không thể tự mình hạ giá dầu một cách nhanh chóng. Điều này là do sản lượng của Nga đang giảm và có thể giảm hơn nữa khi các nước châu Âu giảm mua hàng từ nước này từ nay đến dừng hẳn vào cuối năm, thể theo đề xuất cấm vận đã được 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Chase Untermeyer, đại sứ Mỹ tại Qatar thuộc chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, nói: “Tổng thống có thể là nhân vật quyền lực nhất trong Chính phủ Mỹ, nhưng người đó cũng không thể kiểm soát giá dầu. Ngay cả khi giá giảm vì những lý do ngoài tầm kiểm soát của ông ấy, Tổng thống Biden có lẽ cũng sẽ không nhận được nhiều tín nhiệm từ cử tri cho điều đó”.

Một số nhà lập pháp và giám đốc điều hành dầu mỏ của Đảng Cộng hòa đã lập luận rằng Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden có thể làm nhiều hơn nữa để tăng sản lượng dầu khí trong nước, bằng cách mở thêm các vùng đất và vùng biển liên bang để khoan dầu ở những nơi như Alaska hay Vịnh Mexico. Ông được kêu gọi nới lỏng các quy định về xây dựng đường ống để các nhà sản xuất Canada có thể gửi nhiều dầu hơn về phía Nam.

Nhưng ngay cả những sáng kiến đó - điều mà các nhà bảo vệ môi trường và nhiều đảng viên đảng Dân chủ phản đối vì chúng sẽ cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu - cũng được cho sẽ có ít tác động tức thì, vì phải mất vài tháng để các giếng dầu mới bắt đầu đi vào sản xuất, và các đường ống dẫn có thể mất nhiều năm để xây dựng.

Trên thực tế, Tổng thống Biden và các cố vấn Nhà Trắng cũng đã nỗ lực thúc đẩy các giám đốc điều hành dầu khí của Mỹ phải bơm thêm dầu, nhưng không thành công. Hầu hết các công ty dầu mỏ đều đang miễn cưỡng mở rộng sản xuất vì họ sợ rằng việc khoan nhiều hơn hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa, khiến giá cả giảm xuống. Các DN hẳn vẫn chưa quên thời điểm giá dầu giảm xuống dưới 0 khi đại dịch bắt đầu.

Các công ty lớn như Exxon Mobil, Chevron, BP và Shell phần lớn đang mắc kẹt vào ngân sách đầu tư mà họ đặt ra vào năm ngoái, trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Một nỗ lực khác của chính quyền Biden dường như cũng đã thất bại là quyết định giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, điều mà các nhà phân tích cho rằng chưa thể nhận thấy bất cứ tác động về giá nào từ đó.

Chính quyền Biden gần đây đã gia hạn giấy phép một phần miễn trừ cho Chevron khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ từng nhắm làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela.

Trong một đợt giảm nhẹ lệnh trừng phạt khác, Repsol của Tây Ban Nha và Eni của Italia cũng đã có thể bắt đầu vận chuyển một lượng nhỏ dầu từ Venezuela đến châu Âu trong vài tuần nữa. Venezuela, từng là nước xuất khẩu lớn vào Mỹ, có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đã bị tê liệt đến mức có thể mất vài tháng, hoặc thậm chí nhiều năm, để quốc gia này có thể tăng xuất khẩu một cách đáng kể.

Với Iran, chính quyền Biden đang tìm cách hồi sinh hiệp định hạt nhân năm 2015 mà Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi. Một thỏa thuận có thể cho phép Iran xuất khẩu hơn 500.000 thùng dầu mỗi ngày, nhằm giảm bớt căng thẳng nguồn cung toàn cầu và bù đắp cho một số thùng mà Nga không bán.

Iran được ước tính đang có khoảng 100 triệu thùng dự trữ, có khả năng sẽ được giải phóng nhanh chóng. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hạt nhân dường như đang sa lầy vào những bất đồng, dự kiến sẽ chưa thể sớm có kết quả.

"Lịch sử đã cho thấy, mỗi khi có khủng hoảng năng lượng, các chính trị gia chỉ biết loay hoay tìm cách cứu trợ khẩn cấp cho người tiêu dùng. Các nhà lãnh đạo Mỹ cần phải chuẩn bị tốt hơn cho lần tới, khi mà một cuộc khủng hoảng dầu mỏ không thể tránh khỏi diễn ra." - Cựu cố vấn chính sách của Tổng thống Barack Obama, Jason Bordoff

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/my-loay-hoay-ngoai-giao-dau-mo.html