'Mỹ lộ yếu kém khi mua vũ khí đồng minh'

Tuyên bố trên được chuyên gia quân sự hàng đầu của Nga là Konstantin Makienko đưa ra khi Mỹ tiếp tục công bố chương trình mua vũ khí Israel.

Chương trình mua sắm được Thiếu tướng Gen. Wally Rugen, người phụ trách chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân của Lục quân Mỹ nói rằng, Lục quân đã nhiều lần thử nghiệm thành công hệ thống Spike trong các năm 2019 và 2020.

Sau khi đánh giá thế mạnh của dòng tên lửa do Israel sản xuất này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt kế hoạch mua số lượng lớn Spike để trang bị cho cả trực thăng và lực lượng xe chiến đấu của Mỹ. Những vũ khí này sẽ thay thế cho tên lửa huyền thoại Hellfire hiện có trong quân đội Mỹ.

Tên lửa Hellfire trên Apache Mỹsẽ được thay thế bằng vũ khí Israel.

Tên lửa Hellfire trên Apache Mỹsẽ được thay thế bằng vũ khí Israel.

Theo Defense News, để trang bị cho cả trực thăng lần lực lượng mặt đất, Mỹ mua Spike NLOS và phiên bản Spike SR. Đây là dòng tên lửa chống tăng tầm xa có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 25km, xa gấp 10 lần tên lửa chống tăng mạnh nhất của Mỹ là Javelin.

Trước khi Mỹ quyết định mua loạt tên lửa Spike, Mỹ cũng đã tiếp nhận hệ thống đánh chặn Iron Dome từ Israel. Thông báo từ Raytheon của Mỹ còn cho biết, Mỹ sẽ kết hợp với đối tác Rafael thành lập một cơ sở liên doanh đầu tiên đặt ngoài Israel.

Liên doanh này sẽ sản xuất toàn bộ hệ thống đánh chặn và dàn phóng tại Mỹ, địa điểm cụ thể không được thông báo. Cơ sở đặt tại Mỹ này cũng sẽ sản xuất tên lửa SkyHunter, một biến thể phiên bản Mỹ của tên lửa Tamir được dùng trong hệ thống phòng thủ Iron Dome. Nhiều chủng loại thiết bị trong hệ thống này cũng đã được sản xuất tại Mỹ từ trước.

Liên danh này là bước hợp tác mới nhất giữa Raytheon với Rafael. Hai bên từng cùng nhau phối hợp sản xuất tên lửa Tamir, hệ thống phòng thủ tên lửa David’s Sling. Trong khi đó tập đoàn Boeing của Mỹ lại hợp tác với Cơ quan hàng không Israel để tập trung phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3.

Defense News cho rằng, thực chất việc mua và sản xuất vũ khí đánh chặn của Israel là nằm trong chiến lược phát triển "lá chắn tên lửa" và phòng không mới của Mỹ để đối phó với các mối nguy cơ mới xuất hiện, đặc biệt là từ Nga và Trung Quốc.

Trong đó, sự thay đổi đáng kể nhất của chiến lược mới là sự đơn giản hóa quy trình chỉ huy, cũng như phát triển các khí tài phòng không thế hệ mới có khả năng đối phó tốt hơn với các mối nguy cơ trong tương lai.

Đánh giá về việc Mỹ mua loạt vũ khí Israel, đặc biệt là hệ thống Iron Dome, chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và công nghệ Nga, Konstantin Makienko cho rằng, việc Mỹ thay đổi chiến lược phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không đã bộc lộ những yếu kém cố hữu trong lĩnh vực này của Lầu Năm Góc.

"Mỹ buộc phải thay đổi chính sách phát triển lá chắn tên lửa vì Lầu Năm Góc thiếu các tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và trung hiệu quả. Quân đội Mỹ hiện thiếu những tổ hợp vũ khí phòng không hiệu quả như Pantsir-S1 và Buk-M3 tương tự của Nga", chuyên gia Nga nói.

Một vấn đề khác là sự rắc rối trong quy trình chỉ huy của hệ thống chỉ huy phòng thủ tên lửa của Mỹ. Việc Quân đội Mỹ coi trọng vấn đề đơn giản hóa quy trình chỉ huy trong lĩnh vực này là minh chứng rõ ràng.

Trong nhiều thập kỷ qua, với ưu thế gần như tuyệt đối về quân sự, đặc biệt là không quân, Quân đội Mỹ rõ ràng thiếu nhiều loại vũ khí phòng không-phòng thủ tên lửa cần có.

Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng, việc Mỹ thay đổi chính sách phát triển "lá chắn tên lửa" được đưa ra lúc này chính là việc mua sắm tên lửa từ nước ngoài bởi thực tế, hiện Mỹ không có bất cứ một chương trình phát triển vũ khí phòng thủ mới nào.

Lý do cho việc mua sắm này là Mỹ cần một giải pháp tạm thời để bảo vệ các binh sĩ và căn cứ chống lại một loạt các mối đe dọa trên không, bao gồm cả tên lửa tầm ngắn, cho đến khi một giải pháp lâu dài được đưa ra, đặc biệt là lá chắn phòng thủ tại châu Âu.

Iron Dome sẽ được Mỹ sử dụng như một giải pháp phòng không tầm ngắn. Nó sẽ hỗ trợ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD chặn và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung bình. Trong khi Iron Dome được đánh giá đối phó rất hiệu quả với các mục tiêu tầm gần thì nhiệm vụ của David s Sling – đánh chặn các mục tiêu ở độ cao và cự ly lớn và cả tên lửa đạn đạo.

Để đánh chặn những mục tiêu ở tầm cao hơn, Mỹ cũng đang có kế hoạch mua Arrow-3 khi Israel đã đồng ý cho Mỹ tham gia quá trình sản xuất hệ thống phòng thủ tầm cao này.

Thông tin này được chính Nhà thầu quốc phòng Israel là IAI tiết lộ. Israel và Mỹ hiện đã đạt được thỏa thuận khi Tel Aviv đồng ý cho Mỹ tham gia quá trình sản xuất hệ thống phòng thủ tầm cao Arrow-3 tại Mỹ.

Được biết, Iron Dome và David’s Sling đều là sản phẩm của Israel được đặt dưới sự bảo trợ về kinh phí của Mỹ. Và không phải ngẫu nhiên Mỹ lại hào phóng với Israel như vậy - một quốc gia đồng minh đang sở những công nghệ quốc phòng khiến cường quốc Mỹ cũng phải thèm muốn.

Và đây rất có thể là cách Mỹ tiếp cận với công nghệ đỉnh cao của Israel thông qua hình thức viện trợ, hợp tác và người Mỹ bắt đầu hưởng trái ngọt khi cả Iron Dome, David’s Sling và Arrow 3 đều đã chứng minh được khả năng trong thử nghiệm và thực chiến.

Theo Hòa Bình/Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/-my-lo-yeu-kem-khi-mua-vu-khi-dong-minh/20210207073128252