Mỹ lo ngại ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc tại châu Phi và Trung Đông

Tầm ảnh hưởng về quân sự lẫn kinh tế đang mở rộng của Nga và Trung Quốc tại châu Phi, Trung Đông đang gây lo ngại cho Mỹ. Ngoài ra, họ còn e ngại sự phát triển của phong trào cực đoan tại các khu vực này.

Viện trợ của Nga và Trung Quốc tại châu Phi khiến Mỹ bối rối - Ảnh: TeleSur

Trong báo cáo mới công bố ngày 11.9, Đơn vị đặc nhiệm phụ trách Chủ nghĩa cực đoan tại Các quốc gia dễ đổ vỡ (Task Force on Extremism in Fragile States - được thành lập theo lệnh của Quốc hội Mỹ) nêu nhiều mối lo ngại cho an ninh của nước Mỹ.

Báo cáo cho biết Mỹ từ năm 2001 đã rất tập trung ngăn chặn các cuộc tấn công trên lãnh thổ nước mình và nhắm vào lực lượng chiến binh ở nước ngoài, nhưng họ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tư tưởng cực đoan bám rễ tại các quốc gia dễ bị tổn thương.

“Đã đến lúc Mỹ cần có chiến lược mới. Ưu tiên trong chính sách Mỹ sắp tới nên là giúp các quốc gia dễ đổ vỡ mạnh mẽ lên, tạo cho họ khả năng phục hồi chống lại sự phát triển đáng báo động của chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong xã hội”, báo cáo viết.

Các nhóm cực đoan không ngừng lớn mạnh, đặc biệt là trong thập niên qua. Chúng không chỉ lo tấn công phương Tây mà còn lập ra nhiều trật tự chính trị có khả năng thay thế những chính phủ tham nhũng, không hiệu quả. Ví dụ tiêu biểu chính là nỗ lực lập một vương quốc Hồi giáo (caliphate) trên lãnh thổ Iraq và Syria của tổ chức khủng bố IS.

Trong khi đó, Nga với Trung Quốc tăng cường tiếp cận với chính phủ các quốc gia dễ đổ vỡ trên các lĩnh vực quân sự lẫn kinh tế. Viện trợ hai cường quốc cung cấp thường không đi kèm các yêu sách về chính trị, chính sách xã hội.

Theo báo cáo, điều này cho phép Nga với Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng nhưng khiến chính phủ các nước không thay đổi như mong muốn của Mỹ. Người dân từ đó có xu hướng ủng hộ các nhóm cực đoan.

Báo cáo nhận xét về Nga: “Moscow cho đến nay là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi. Khi Mỹ từ chối cung cấp trực thăng tấn công Cobra cho Nigeria vì lo ngại về nhân quyền thì Nga nhảy vào, thậm chí còn đồng ý huấn luyện quân đội Nigeria”.

Còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, cũng là chủ nợ lớn nhất của châu Phi. Không ít quốc gia tại châu lục không có khả năng trả nợ, đành cho phép Bắc Kinh kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu, báo cáo viết.

Tình trạng cạnh tranh trong khu vực, chẳng hạn như cạnh tranh Iran - Ả Rập Saudi, càng thúc đẩy bạo lực, tư tưởng cực đoan trên khắp Trung Đông cùng với Bắc Phi.

Nói tóm lại, báo cáo này muốn nhấn mạnh Mỹ cần tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh, cạnh tranh với Nga, Trung tại Trung Đông, Bắc Phi. Mỹ cần hợp tác với chính phủ các nước trong khu vực trên nhằm chủ động đề ra chiến lược có lợi cho Mỹ trong việc giảm bớt ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan. Điều này trái ngược với những gì Tổng thống Donald Trump đang thực hiện. Đã xuất hiện lo ngại về khả năng những liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đoàn kết chống mối đe dọa toàn cầu, khi nhà lãnh đạo Mỹ làm xấu đi nhiều mối quan hệ, kể cả quan hệ với đồng minh thân cận nhất.

Không những vậy, Tổng thống Trump còn tìm cách cải thiện quan hệ với Nga, mặc dù chính quyền của ông dưới áp lực của Quốc hội Mỹ đã ban hành trừng phạt với Moscow.

Báo cáo thừa nhận tăng khả năng chống chủ nghĩa cực đoan và cải thiện quản trị công của các quốc gia dễ đổ vỡ là một công việc lâu dài. Tuy nhiên, Washington không thể lãng phí thời gian nữa.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/my-lo-ngai-anh-huong-cua-nga-trung-quoc-tai-chau-phi-va-trung-dong-96509.html