Mỹ lộ mưu đồ tự hủy bỏ Hiệp ước INF

Sau khi phá vỡ Hiệp ước kiểm soát tên lửa với Nga, Mỹ khởi động chạy đua vũ trang, mua hơn 1 tỉ USD tên lửa mới.

Công bố của Tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đưa ra hôm 2/5 cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Washington đã mua lượng lớn tên lửa từ các nhà thầu quốc phòng.

Quân đội Mỹ thử tên lửa liên lục địa Minuteman III

Quân đội Mỹ thử tên lửa liên lục địa Minuteman III

Theo con số mà ICAN thống kê, Mỹ đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD để ký hợp đồng mua hàng loạt tên lửa mới.

Press TV dẫn báo cáo của ICAN cho hay Mỹ ký hợp đồng mua hàng loạt tên lửa trị giá 1,1 tỉ USD với 6 công ty nước này, từ ngày 22/10/2018 đến ngày 21/1/2019.

Trong đó, Công ty Raytheon lấy được 44 hợp đồng với số tiền 537 triệu USD, tiếp đến là Lockheed Martin với 36 hợp đồng trị giá 268 triệu USD và Boeing kiếm được 4 hợp đồng trị giá 245 triệu USD.

Giám đốc ICAN Beatrice Fihn cho rằng Quốc hội Mỹ nên điều tra vai trò vận động hành lang của các công ty Boeing, Lockheed Martin và Raytheon. Ngoài ra, ICAN không thể xác minh liệu tất cả hợp đồng có phải để phục vụ hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân mới của Mỹ hay không.

Vào tháng 3 năm nay, Washington cho biết họ đang chuẩn bị thử nghiệm 2 tên lửa phóng từ mặt đất mới trong tháng 8. Hai tên lửa này được phát triển trong 30 năm qua, bao gồm một tên lửa hành trình tầm thấp có tầm bắn khoảng 1.000 km và một tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 3.000-4.000 km. Các quan chức Mỹ khẳng định tên lửa mới của họ không tích hợp đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo của ICAN cũng đưa ra sau khi Không quân Mỹ vừa phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III.

Tên lửa được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg ở Tây Bắc TP Los Angeles vào sáng 1/5 (giờ địa phương), vượt qua quãng đường 6.759 km trên Thái Bình Dương. Minuteman III có phạm vi hoạt động khoảng 13.000 km và được đưa vào sử dụng từ năm 1970. Mỗi tên lửa có thể mang tới 3 đầu đạn hạt nhân và ước tính trị giá 7 triệu USD.

Giám đốc ICAN Beatrice Fihn

Các động thái trên được ICAN đánh giá là "kích hoạt một cuộc chiến tranh Lạnh mới" bởi khi phá vỡ Hiệp ước INF với Nga, Tổng thống Trump đã cáo buộc Moscow bí mật phát triển các tên lửa vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF dù không công bố các bằng chứng.

Dù Moscow đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, đồng thời công bố nhiều chi tiết liên quan đến tên lửa để chứng minh nó không hề vi phạm Hiệp ước INF nhưng Washington vẫn kiên quyết từ bỏ Hiệp ước.

Âm mưu phá vỡ Hiệp ước INF của Mỹ từng được Phó Cục trưởng Cục tác chiến chủ lực thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga, Trung tướng Viktor Poznikhir cho rằng, Mỹ đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu nhằm thực hiện cuộc tấn công tiềm tàng chống lại bất kỳ quốc gia nào.

Ông Poznikhir lưu ý Mỹ đã phát triển khái niệm "đánh chặn trước khi phóng", đồng thời lên kế hoạch tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, Trung Quốc và các nước khác khi chúng vẫn còn trong bệ phóng.

Từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, quan điểm thường trực ở Washington là Mỹ đang đi sau Nga và Trung Quốc trong các cuộc đua vũ khí, quân sự, không gian.

Sức mạnh tên lửa của Nga, Trung Quốc trở thành nỗi ám ảnh của Lầu Năm Góc buộc Mỹ thúc đẩy những cuộc chạy đua vũ trang và biến chúng thành hợp pháp. Việc rút khỏi Hiệp ước INF là một bước đi nhằm đạt được kỳ vọng này của Mỹ.

Clip Mỹ phóng tên lửa Minuteman 3 hôm 1/5:

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-lo-muu-do-tu-huy-bo-hiep-uoc-inf-3379348/