Mỹ liên tục công du lục địa đen: Tập trung vào khủng hoảng

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã đến châu Phi ngày 4/8 và cho biết bà sẽ tập trung vào cách Mỹ có thể giúp Uganda, Ghana và Cape Verde đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến lục địa này.

Cho rằng mục tiêu của chuyến đi không phải để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield cho biết chuyến đi này đã được lên kế hoạch dài hạn và không phải là một phần trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với một trong hai đối thủ của Mỹ. Tuy nhiên, chuyến đi này nằm trong các cam kết cấp cao của Washington "nhằm khẳng định và củng cố quan hệ đối tác và mối quan hệ của chúng tôi với các nhà lãnh đạo và các dân tộc châu Phi".

Giải quyết thách thức lương thực và năng lượng

Chuyến đi của bà Linda Thomas-Greenfield từ ngày 4-7/8 sẽ được tiếp nối ngay sau đó bằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Nam Phi, Congo và Rwanda từ ngày 7-11/8. Chuyến thăm của hai quan chức này cũng diễn ra sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vào tuần trước tới Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo, nơi ông cho rằng Mỹ và các nước châu Âu đã làm tăng giá lương thực.

Từ đầu năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có chuyến thăm 4 ngày tới Eritrea, Kenya và Comoros, giữ truyền thống 32 năm là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc thực hiện chuyến đi đầu tiên trong năm tới châu Phi.

Bà Linda Thomas-Greenfield đã có nhiều kinh nghiệm về quan hệ với châu Phi. Ảnh: AP.

Bà Linda Thomas-Greenfield đã có nhiều kinh nghiệm về quan hệ với châu Phi. Ảnh: AP.

"Chúng tôi không đuổi theo. Họ mới đang đuổi theo". "Chúng tôi đã gắn bó với lục địa này trong nhiều thập kỷ, và ngay cả sự nghiệp của chính tôi cũng là bằng chứng cho điều đó", bà Thomas-Greenfield nói.

Bà Thomas-Greenfield lần đầu tiên đến châu Phi khi còn là sinh viên vào những năm 1970, và trong sự nghiệp của mình với tư cách là nhà ngoại giao Mỹ, bà đã trở thành trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề châu Phi từ năm 2013 đến năm 2017.

Bà cho biết giá năng lượng cao, biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và xung đột ngày càng gia tăng đã đẩy hàng triệu người châu Phi "đến bờ vực", đồng thời leo thang căng thẳng Nga – Ukraine đã làm cuộc khủng hoảng ở đây gia tăng, "đặc biệt là một số quốc gia ở châu Phi từng nhập tới 75% lúa mì từ Nga và Ukraine ".

Đại sứ Mỹ cũng cho biết ba quốc gia mà bà đến thăm – Uganda, Ghana và Cape Verde - đều phải đối mặt với tình hình an ninh lương thực nghiêm trọng do chi phí lương thực và năng lượng tăng đáng kể. Bà cho rằng Ghana là một nước đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này và bà sẽ đến thăm một khu chợ, gặp gỡ nông dân và đến một nhà máy ngũ cốc ở nước này "để xem cách chúng tôi có thể giúp họ cải thiện sản xuất của mình."

Diễn ra ngay sau hành động của Nga

Tại một cuộc họp báo trước chuyến thăm ba nước, bà Thomas-Greenfield cũng cho biết chuyến đi của bà diễn ra ngay sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov.

Trong chuyến đi này, nhà ngoại giao Nga cũng đề cập đến vấn đề lương thực. Ngoại trưởng Lavrov nói: "Tình hình ở Ukraine cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các thị trường lương thực, nhưng không phải do hoạt động đặc biệt của Nga, mà là do phản ứng hoàn toàn không thỏa đáng của phương Tây, nơi đã ban bố các lệnh trừng phạt."

Bà Thomas-Greenfield phản bác: "Họ đã thực hiện những hành động gây tổn thương cho người châu Phi và họ đang cố gắng bằng cách nào đó bảo vệ hành động của mình và đổ lỗi cho người khác về tác động họ đang gây ra trên lục địa châu Phi".

"Họ có thể cố gắng làm điều đó. Nhưng câu hỏi của tôi đối với họ là, các ông đang giúp người châu Phi giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực như thế nào. Chúng tôi ở đó để giúp người châu Phi giải quyết những vấn đề đó. Còn Nga có thể tự giải quyết các vấn đề của chính họ".

Đối với Trung Quốc, trong khi thương mại của họ với châu Phi năm ngoái cao hơn đáng kể so với thương mại của Mỹ, bà Thomas-Greenfield cho biết "nếu bạn nhìn vào các số liệu của chúng tôi và mức độ tương tác của chúng tôi với người châu Phi, thì chúng tôi thực sự vượt xa những con số đó".

Bà nói: "Khi nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm ở châu Phi, bạn cần nhìn vào số nợ nần của các quốc gia châu Phi, trong đó có nhiều quốc gia mắc nợ vì những mối quan hệ với Trung Quốc".

Trung Quốc đã trở thành một trong những nước đầu tư lớn nhất đối với các nước đang phát triển thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm mở rộng thương mại bằng cách xây dựng cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Nhà ngoại giao Trung Quốc trong chuyến thăm Kenya vào tháng Giêng từng nói rằng vấn đề ở châu Phi không phải là nợ nần mà chính là sự khó khăn, nghèo đói.

Bà Thomas-Greenfield cũng cho biết Mỹ "không nói với các nước châu Phi rằng họ không thể hợp tác với Trung Quốc mà điều chúng tôi đang làm là thực hiện tầm nhìn về phát triển kinh tế, thúc đẩy dân chủ và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và tính minh bạch, đồng thời tăng cường năng lực cho người dân châu Phi để tạo công ăn việc làm cho chính công dân của họ".

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/my-lien-tuc-cong-du-luc-dia-den-tap-trung-vao-khung-hoang-20220804151510436.htm