Mỹ lên tiếng sau khi áp sát máy bay chở khách Iran

Tiêm kích F-15 của Mỹ đã áp sát an toàn máy bay chở khách của Iran trong khi nhiều hành khách bị thương vì pha áp sát.

Hôm 24/7 (giờ Hà Nội) Đại úy Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã trả lời truyền thông Nga về pha áp sát máy bay chở khách của Iran.

Tiêm kích F-15 của Mỹ

Tiêm kích F-15 của Mỹ

Theo đó, một máy bay chiến đấu F-15 của Mỹ đã giữ khoảng cách an toàn với máy bay chở khách Iran do hãng hàng không Mahan Air điều hành khi chiếc máy bay này đang bay qua Syria hôm 23/7.

Người phát ngôn nói thêm rằng, chiếc F-15 đã chuyên nghiệp để áp sát máy bay chở khách theo tiêu chuẩn quốc tế.

"Một chiếc F-15 của Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ không quân thường lệ trong vùng lân cận thuộc CJTF-OIR đồn trú tại Tanf ở Syria đã tiến hành kiểm tra trực quan một chiếc máy bay chở khách Mahan Air với khoảng cách khoảng 1.000 mét" - người phát ngôn cho biết.

Chiến dịch “Nhổ tận gốc" (CJTF-OIR) - một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo Đại úy Bill Urban, khi phi công F-15 nhận thấy máy bay Iran là máy bay chở khách, họ đã điều khiển chiếc F-15 ở khoảng cách an toàn so với máy bay.

"Việc tiếp cận chuyên nghiệp được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế" - người này nhấn mạnh.

Thông báo từ người phát ngôn Lầu Năm Góc với TASS cho thấy chỉ có 1 máy bay xuất hiện trong vụ này thay vì có 2 máy bay như các hành khách trên máy bay Mahan Air kể lại.

Trước đó, hãng tin Fars của Iran thuật lại sự việc từ những người chứng kiến cho thấy, ít nhất hai tiêm kích F-15 của quân đội Mỹ áp sát máy bay chở khách Iran trên bầu trời Syria, buộc phi công hạ độ cao khẩn cấp để tránh va chạm, khiến nhiều người bị thương.

Hãng thông tấn IRIB của Iran cho biết sự việc xảy ra ngày 23/7 (giờ địa phương) khi chiếc phi cơ thương mại của hãng hàng không Iran Mahan Air đang bay từ thủ đô Tehran đến thủ đô Beirut của Lebanon qua không phận quốc gia láng giềng Syria.

Hãng tin Iran ban đầu cho rằng những chiếc F-15 thuộc biên chế không quân Israel. Nhưng các phi công thương mại của Mahan Air sau đó xác nhận phi công trên máy bay F-15 đã thông báo "họ là người Mỹ".

Vẫn chưa rõ lí do những chiếc F-15 Mỹ áp sát một máy bay thương mại của Iran.

IRIB dẫn nguồn tin hàng không khẳng định phi công máy bay chở khách đã liên lạc với phi công của các chiến đấu cơ cảnh báo họ giữ khoảng cách an toàn.

"Máy bay Iran phải hạ độ cao khẩn cấp để tránh va chạm", IRIB nêu.

Đoạn video được IRIB chia sẻ cho thấy máy bay F-15 của Mỹ được nhìn thấy từ cửa sổ của máy bay chở khách Iran.

Một đoạn video khác trên mạng xã hội ghi lại cảnh chiếc máy bay thương mại Iran rung lắc dữ dội khi hạ độ cao, khiến nhiều hành khách hoảng loạn, la hét.

Hãng tin Al-Hadath cho hay có 4 hành khách bị thương khi máy bay Iran giảm độ cao đột ngột, còn giới chức Lebanon thì thông tin, có 150 hành khách trên khoang vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Phía Iran hết sức bất bình về vụ việc. Ông Abbas Mousavi, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho biết vụ việc đang được điều tra và Iran đang xem xét các biện pháp chính trị và pháp lý cần thiết để đáp trả.

Hãng hàng không Mahan Air từng bị phía Mỹ tố vận chuyển vũ khí cho các nhóm dân quân tại Syria và nhiều nơi khác trong khu vực. Washington áp lệnh cấm vận Mahan Air vào năm 2011.

Clip tiêm kích F-15 của Mỹ áp sát máy bay chở khách Iran:

Vụ việc lần này có thể sẽ khiến căng thằng Mỹ-Iran leo thang hơn nữa sau khi cả hai bên đều đã nhiều lần chạm mặt nhau trên biển.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, ít nhất 11 tàu chiến của Iran đã được triển khai tới vùng Vịnh rồi áp sát biên đội tàu hải quân Mỹ từ nhiều phía, song không xảy đụng độ trực tiếp

Phía Mỹ nói rằng 11 tàu tấn công nhanh thuộc Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã tiếp cận "nguy hiểm và khiêu khích" với biên đội tàu của Mỹ.

“Đội tàu của IRGC liên tục quay đầu lượn vòng xung quanh các tàu Mỹ ở cự ly rất gần với tốc độ cao, bao gồm nhiều lần lượn quanh tàu Puller với điểm tiếp cận gần nhất cách tàu Puller chỉ tầm 46m, và cách tàu Maui chỉ 9m” - thông báo của Hải quân Mỹ nêu rõ.

Theo hải quân Mỹ, khoảng 1 giờ sau khi các tàu Mỹ liên tục phát đi cảnh báo qua radio, hụ còi và sử dụng các thiết bị tạo thủy âm tầm xa thì nhóm tàu Iran mới rời đi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố sẵn sàng phá hủy mọi con tàu Iran muốn áp sát nguy hiểm tới các tàu Mỹ. Tranh cãi qua lại giữa Mỹ và Iran khi đó đã nổ ra nghi vấn về khả năng xảy ra chiến tranh thế giới tại vùng Vịnh.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-len-tieng-sau-khi-ap-sat-may-bay-cho-khach-iran-3415038/