Mỹ lên kế hoạch chia sẻ 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19

Tính đến 6h ngày 27-4, toàn thế giới có 148.441.903 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.132.442 trường hợp tử vong và 126.071.639 bệnh nhân đã hồi phục.

Các nhân viên y tế đón một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Guru Teg Bahadur ở New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 25-4.

Châu Mỹ

Ngày 26-4, đăng tải trên Twitter, Cố vấn cấp cao về đại dịch Covid-19 của Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết Mỹ sẽ bắt đầu chia sẻ tới 60 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) với các quốc gia khác. Trước đó cùng ngày, hãng tin AP cho biết những liều vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được Mỹ chia sẻ với các nước trong những tháng tới.

Hiện Mỹ có tới hàng chục triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 do hãng AstraZeneca sản xuất, song vẫn chưa được sử dụng do chưa được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này cấp phép. Nhiều quốc gia trên thế giới đang hối thúc Washington gửi những liều vắc xin này ra nước ngoài để hỗ trợ chương trình tiêm chủng ở những nơi đang thiếu hụt vắc xin.

Theo Bộ Y tế Brazil, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này trong 4 tháng đầu năm 2021 đã vượt qua tổng số ca tử vong do Covid-19 của cả năm 2020. Cụ thể, từ ngày 1-1 đến ngày 25-4-2021, Brazil ghi nhận 195.848 bệnh nhân tử vong, cao hơn con số 194.949 bệnh nhân tử vong do Covid-19 được ghi nhận từ tháng 3 đến ngày 31-12-2020. Ngoài ra, tháng 4-2021 hiện là tháng “chết chóc” nhất do dịch Covid-19 ở Brazil kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với 69.282 ca tử vong được xác nhận.

Châu Á

Ngày 26-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tình hình tại Ấn Độ với sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 là “vô cùng thương tâm”, đồng thời khẳng định WHO sẽ triển khai thêm nhân viên và hàng tiếp tế cho quốc gia Nam Á này để hỗ trợ nỗ lực ứng phó với dịch bệnh.

Nhà khoa học trưởng Soumya Swaminathan của WHO lo ngại, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở Ấn Độ có thể thấp hơn nhiều so với con số lây nhiễm thực tế. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà S.Swaminathan cho biết mặc dù số lượng xét nghiệm đã tăng lên đáng kể, với khoảng 2 triệu xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày, song mức độ lây lan thực sự của vi rút có thể tồi tệ hơn rất nhiều.

Ngày 26-4, Ấn Độ đã có thêm 352.991 ca mắc Covid-19, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức hơn 300.000 trường hợp. Nước này cũng tiếp tục ghi nhận kỷ lục về số trường hợp tử vong do dịch bệnh trong 1 ngày, khi có 2.812 bệnh nhân tử vong vào ngày 26-4.

Tối 26-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về tình hình dịch Covid-19 ở mỗi nước, trong đó ông chủ Nhà Trắng cam kết hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để ứng phó với làn sóng dịch bệnh đang bùng phát.

Cùng ngày, bang Karala của Ấn Độ, nơi ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ở nước này, đã công bố các biện pháp hạn chế bổ sung nhằm ứng phó với sự lây lan của đại dịch. Chính quyền Karala cho biết, bang này đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động số ca mắc Covid-19 ở tất cả các quận trong làn sóng lây nhiễm thứ hai. Theo các biện pháp hạn chế bổ sung, các rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, phòng tập thể dục, hồ bơi, quán bar và các địa điểm khác vẫn phải đóng cửa. Các đám cưới và địa điểm tôn giáo chỉ được có tối đa 50 người tham dự.

Ngày 26-4, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết một biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 được cho là khiến các ca lây nhiễm gia tăng đột biến ở Ấn Độ đã được phát hiện tại Indonesia. Tại buổi họp báo trực tuyến, quan chức này cho biết 10 bệnh nhân ở Indonesia đã nhiễm biến chủng vi rút xâm nhập từ Ấn Độ. Hiện có 2 biến chủng được cho là khiến số ca mắc Covid-19 tăng nhanh tại Ấn Độ, đó là B117 và B1617, song ông B.Sadikin không tiết lộ chi tiết về biến chủng lây lan tại Indonesia.

Ngày 26-4, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết nước này sẽ tạm dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ từ ngày 28-4 tới để phòng ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19. Các tàu biển và thủy thủ đoàn có hành trình qua Ấn Độ trong vòng 14 ngày không được cập cảng Malaysia. Tuy nhiên, công dân Malaysia cùng người thân sinh sống tại Ấn Độ muốn về nước có thể được miễn trừ với điều kiện họ phải thực hiện cách ly 14 ngày.

Châu Âu

Ngày 26-4, học sinh mẫu giáo và tiểu học ở Pháp đã quay trở lại trường học, nằm trong khuôn khổ giai đoạn 1 của kế hoạch mở cửa trở lại sau lệnh phòng tỏa nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc học sinh quay lại trường học sẽ giúp đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng xã hội, cho phép phụ huynh quay trở lại làm việc.

Theo kế hoạch, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông Pháp sẽ trở lại trường học vào ngày 3-5 tới, vào thời điểm chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong nước được áp đặt từ đầu tháng 4. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế, nhất là trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 theo ngày tại nước này vẫn còn ở mức cao.

Ngày 26-4, sau một cuộc họp với Nội các ở thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ bắt đầu từ 19h ngày 29-4 và kéo dài đến 5h sáng 17-5. Tất cả các hoạt động di chuyển giữa các tỉnh sẽ phải được sự cho phép trước, nhà hàng chỉ được phục vụ giao hàng và trường học sẽ phải tạm hoãn các kỳ thi.

Tổng thống R.Erdogan cho biết việc phong tỏa sẽ được thực thi nghiêm ngặt và thông tin chi tiết sẽ được Bộ Nội vụ cung cấp. Đây là tập hợp các biện pháp toàn diện nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/997461/my-len-ke-hoach-chia-se-60-trieu-lieu-vac-xin-ngua-covid-19