Mỹ Latinh sau 2 tháng 'nóng' vì đại dịch COVID-19

Cuối tháng 4, một đoạn video quay từ bệnh viện chính ở thành phố Manaus, Brazil đã khiến người xem bàng hoàng trước cảnh thi thể nạn nhân COVID-19 xếp chật các hàng lang. Cùng lúc đó, thành phố bắt đầu đào những hố chôn tập thể dành cho hàng trăm bệnh nhân thậm chí còn không có cơ hội điều trị tại bệnh viện.

Các y tá chuyển một bệnh nhân Covid-19 đến một đơn vị chăm sóc quan trọng tại một bệnh viện ở Santiago, Chile, vào ngày 24/6/2020.

Các y tá chuyển một bệnh nhân Covid-19 đến một đơn vị chăm sóc quan trọng tại một bệnh viện ở Santiago, Chile, vào ngày 24/6/2020.

Kể từ đó, những cảnh tượng tương tự đã diễn ra trên khắp Mỹ Latinh, khu vực đang chứng kiến làn sóng bùng nổ lây lan SARS-CoV-2 sau khi chủng virus khủng khiếp này đã quét qua nhiều điểm nóng khác của thế giới.

Mỹ Latinh chiếm một nửa ca tử vong/ngày của thế giới

Tại Guayaquil, thành phố lớn nhất Ecuador, những chiếc quan tài làm bằng bìa các tông được dùng để đưa tiễn những thi thể không có người thừa nhận. Tại thủ đô Santiago của Chile, các bệnh viện công đều quá tải vì lệnh phong tỏa được nới lỏng sớm, dẫn đến làn sóng lây nhiễm tăng vọt.

Trong tuần cuối cùng của tháng 6, số ca tử vong do COVID-19 là trung bình hơn 2.000 ca mỗi ngày ở Mỹ Latinh và Caribe – chiếm một nửa số ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới, theo dữ liệu của CNN. Hầu hết các dự báo cho thấy bức tranh sẽ trở nên u ám hơn - với gần 440.000 ca tử vong được dự báo trên toàn khu vực tới tháng 10, theo Đại học Washington (Mỹ).

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Pan American (PAHO), Tiến sĩ Carissa Etienne, cho biết trong tuần trước: "Khu vực Mỹ Latinh rõ ràng là tâm chấn hiện tại của đại dịch COVID-19".

Bất bình đẳng và ý chí chính trị

Có nhiều lý do cho tác động quá lớn của COVID-19 đối với Mỹ Latinh: mức độ bất bình đẳng cao, nền kinh tế "xám" rộng lớn của những người lao động phi chính thức; tình trạng mất vệ sinh trong các khu ổ chuột đô thị đông đúc, cũng như phản ứng chậm chạp và không nhất quán của các chính phủ.

Alejandro Gaviria, cựu Bộ trưởng y tế Colombia, nói với CNN: "Mỹ Latinh rất không đồng đều. Ở một số thành phố, cơ sở hạ tầng y tế tương tự như những gì bạn thấy ở các nước phát triển, nhưng ở nông thôn, cơ sở hạ tầng nói chung rất kém. Giống như cả châu Âu và Châu Phi cùng tồn tại trên cùng một lục địa vậy”.

Thường thì sự chênh lệch đó tồn tại ngay trong một thành phố - một lý do khiến virus lây lan mạnh mẽ ở Santiago, Chile.

Quan tài được đưa đến một nhà lạnh ở Santiago, thủ đô Chile, vào ngày 19/6/2020.

Các quốc gia Mỹ Latinh đã có những trải nghiệm khác biệt đáng kể với COVID-19. Uruguay, nơi có một hệ thống y tế công cộng có kinh phí dồi dào, đã bắt tay vào một chương trình theo dõi và xét nghiệm tích cực khi đại dịch xảy ra. Mặc dù có sự thay đổi chính phủ ngay giữa cuộc khủng hoảng, nhưng nước này vẫn có một chính sách nhất quán về việc phong tỏa. Gần 20% dân số Uruguay đã tải một ứng dụng của chính phủ với hướng dẫn về phòng chống SARS-CoV-2.

Paraguay, quốc gia nghèo hơn nhiều so với Uruguay, dường như cũng được hưởng lợi từ việc sớm phong tỏa. Họ cũng thi hành các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những người nhập cảnh từ Brazil, tâm chấn của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh.

Nhưng ở những nơi khác, câu chuyện lại ít lạc quan hơn, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế phi chính thức lớn. Ở Mexico, Colombia và Peru, gần 2/3 người lao động không có mạng lưới y tế an toàn bảo đảm cho họ. Và thu nhập của các đối tượng này có lẽ đã giảm 80% trong đại dịch, theo Tổ chức Lao động Quốc tế - khiến việc tiếp cận ngay cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cũng là ngoài khả năng với họ.

Điều kiện sống đông đúc ở các khu vực đô thị nghèo hơn, nơi không thể đảm bảo vệ sinh cơ bản và giãn cách xã hội, đang đe dọa khu vực này với làn sóng lây nhiễm tăng mạnh. Tiến sĩ Marcos Espinal, trưởng phòng phân tích bệnh truyền nhiễm và sức khỏe tại PAHO, lưu ý rằng ở một số quốc gia Mỹ Latinh chỉ 1/3 dân số có tủ lạnh, nghĩa là mọi người phải đi chợ mua sắm hàng ngày và càng khó giãn cách xã hội.

Đầu tư thấp cho y tế

Trong vòng hai thập kỷ tính đến năm 2015, nhiều nước Mỹ Latinh đã đầu tư vào y tế công cộng khi nền kinh tế của họ đạt những bước phát triển. Chẳng hạn, các nước đã thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và giảm người mắc bệnh lao. Colombia tăng gấp 10 lần số giường chăm sóc đặc biệt (ICU).

Quan tài được đưa đến một nhà tang lễ ở Santiago, Chile, ngày 19/6.

Tuy nhiên, chất lượng là một vấn đề khác. Ngoại trừ 5 hoặc 6 chính phủ, thì tất cả các quốc gia còn lại ở Mỹ Latinh và Caribe đều không đạt được mục tiêu của WHO là chi 6% GDP cho y tế, ông Espinal cho biết. Chẳng hạn. Peru chỉ chi 3,3%.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người nghèo, và đặc biệt là người nghèo ở nông thôn, vùng biên giới, ít có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một số thị trấn vùng Amazon của Brazil nằm cách cơ sở y tế có giường ICU gần nhất hơn 500 km! Trong năm 2016, chỉ có không đầy 3 giường ICU /100.000 dân ở một số bang miền Bắc ở Brazil, trong khi có hơn 20 giường/100.000 dân ở miền Đông Nam giàu có. PAHO đã cảnh báo rằng khu vực này sẽ không kiểm soát được virus SARS-CoV-2 trừ khi cải thiện được việc chăm sóc cho các cộng đồng bị thiệt thòi, chẳng hạn như người dân bản địa Amazon.

Nhưng các nghiên cứu mới cho thấy rằng các dân tộc thiểu số ở khu vực thành thị của Brazil cũng có nguy cơ cao lây nhiễm. Một cuộc khảo sát của Đại học Sao Paulo được công bố trong tuần này cho thấy SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho người da đen cao gấp 2,5 lần so với cư dân da trắng.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Hơn thế, COVID-19 chỉ là một trong nhiều cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Mỹ Latinh. Các nghiên cứu cho thấy những người nghèo trong khu vực có tỉ lệ mắc tiểu đường, béo phì, cao huyết áp và bệnh tim cao hơn, tất cả đều khiến họ dễ bị COVID-19 hơn cũng như bị nặng hơn. Điều này đặc biệt thấy rõ ở Mexico và Brazil.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân COVID-19 ở Tegucigalpa, Honduras ngày 21/6/2020.

Fabiana Ribeiro, một nhà nghiên cứu người Brazil hiện đang làm việc tại Đại học Luxembourg, nói với CNN rằng một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ sống sót thấp nhất là ở những bệnh nhân nông thôn từ 68 tuổi trở lên và những bệnh nhân da đen, mù chữ hoặc mắc các bệnh lý nền như bệnh tim và tiểu đường.

Những tháng mùa đông ở Nam bán cầu còn mang đến những căn bệnh khác, bao gồm cúm và viêm phổi. Francesco Rocca, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết trong tuần này rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe ở Mỹ Latinh có thể trở nên tồi tệ hơn "khi mùa Đông đến, kéo theo mùa cúm ở Nam Mỹ và đặc biệt là mùa bão ở Caribe".

Một số chính phủ - như Chile - đã cảnh báo có thể phải trưng dụng giường của các bệnh viện tư khi bệnh viện công quá tải. Còn tại Colombia, chính phủ hiện kiểm soát quyền sử dụng giường ICU ở cả khu vực tư nhân và nhà nước, "và quyết định bệnh nhân mới sẽ được điều trị ở đâu”.

Tổ chức Y tế Pan American nói rằng trong những tháng tới, các chương trình xét nghiệm và truy dấu bệnh nhân mạnh mẽ hơn sẽ rất quan trọng. Có một vài dấu hiệu hứa hẹn - chẳng hạn như các đội cơ động ở Costa Rica đang kiểm tra giám sát các trường hợp lây nhiễm và công tác kiểm dịch. Và trên phần lớn khu vực đã có một mạng lưới các phòng thí nghiệm lớn vốn chuyên xét nghiệm bệnh cúm đang được huy động.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ chôn cất nạn nhân COVID-19 ở Tegucigalpa, Honduras ngày 21/6/2020.

Tuy nhiên năng lực xét nghiệm lại rất khác nhau trong khu vực. Tính đến ngày 29/6, Chile đã thực hiện gần 5.800 xét nghiệm trên 100.000 dân, theo PAHO. Panama làm được dưới 3.000 xét nghiệm/100.000 dân, trong khi Brazil chỉ thực hiện được 230 - và Guatemala 45/100.000 dân.

"Ở Nicaragua, chúng tôi thậm chí không biết có bao nhiêu xét nghiệm đang được thực hiện", ông Espinal nói.

"Thập kỷ mất mát"

Tác động của đại dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh nhiều khả năng sẽ để lại những vết sẹo sâu. Ngân hàng Thế giới tin rằng hơn 50 triệu người sẽ chứng kiến thu nhập của họ giảm xuống dưới mức nghèo 5,50 USD/ ngày. Một số nhà kinh tế lo ngại thiệt hại kinh tế có thể tương đương với "thập kỷ mất mát” 1980.

Giữa cuộc suy thoái nặng nề - có thể làm sụt giảm 1/10 nền kinh tế của khu vực trong năm nay, những khoản đầu tư cần thiết cho y tế công cộng có thể sẽ không thành hiện thực.

Nếu không có sự đầu tư cho y tế, tình trạng bất ổn xã hội, từng nổ ra ở Chile và Ecuador năm ngoái, có thể trở lại khi chấm dứt phong tỏa. Nhà tư vấn rủi ro chính trị Verisk Maplecroft cảnh báo: "Nguy cơ tình trạng bất ổn sẽ tăng đột biến trong nửa cuối năm 2020 vì các vấn đề dồn nén từ những cuộc biểu tình vào cuối năm 2019 vẫn chưa được giải quyết.".

Ông Alejandro Gaviria, cựu Bộ trưởng Y tế Colombia và hiện là hiệu trưởng trường Đại học Andes, rất lo ngại về những gì sẽ xảy ra trong phần còn lại của năm 2020. "Ba vấn đề chồng chéo: một đại dịch đang gia tăng, sự tàn phá xã hội và sự mệt mỏi ngày càng lớn với việc phong tỏa. Một lệnh phong tỏa mới sẽ chỉ có thể thực hiện được bằng các biện pháp thực thi nghiêm ngặt và trấn áp”, ông Gaviria bình luận.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-latinh-sau-2-thang-nong-vi-dai-dich-covid19-20200705002015102.htm