Mỹ lật thỏa thuận hạt nhân: Châm ngòi thảm họa 2018?

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Washington đang chuẩn bị sửa đổi các nội dung thỏa thuận Iran sắp ký kết.

AP thông tin, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa phát đi thông điệp, Mỹ chắc chắn sẽ "sửa hoặc hủy bỏ" thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phát biểu trong cuộc họp ở Nghị viện, Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra một số nội dung, đề nghị để được cho vào thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết với nhóm P5+1 hồi năm 2015.

Mỹ sớm hủy thỏa thuận hạt nhân: Bước đi gây hấn rõ ràng.

Ông Tillerson giải thích, các nội dung sửa đổi được kiến nghị đưa vào thỏa thuận là nhằm giúp Mỹ "tăng cường thực thi" thỏa thuận này hơn trước.

Đầu tuần tới, các nội dung bổ sung sẽ được công khai.

Trước mắt, các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét đề xuất về việc Mỹ không cần phải chứng nhận sự tuân thủ của Iran trong việc thực hiện nghiêm túc hay không các thỏa thuận hạt nhân đã ký.

Đề xuất khác là tăng thời hạn cho các lần xác nhận của Mỹ. Hiện tại cứ mỗi 90 ngày, Tổng thống Mỹ sẽ phải ký xác nhận việc Iran thực thi đúng thỏa thuận đã ký.

Các nội dung thay đổi cần phải có sự tham gia của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Nghị viện Mỹ.

Trả lời AP sau đó, ông Tillerson cho rằng: "Tổng thống nói rằng ông sẽ sửa chữa nó hoặc hủy bỏ nó. Chúng tôi đang trong quá trình nỗ lực thực hiện lời hứa của ông Trump để sửa chữa các nội dung đó".

Thỏa thuận hạt nhân cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran để đổi lấy việc nước cộng hòa Hồi giáo này hạn chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Ông Trump phải phê chuẩn việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mỗi 3 tháng một lần và hạn chót tiếp theo là vào ngày 12/1.

Trước đó, ngày 13/10/2017, Tổng thống Trump cũng đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận và đẩy quyền quyết định sang cho Quốc hội Mỹ. Mặc dù, báo cáo của các thanh sát viên quốc tế cho thấy Iran vẫn tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận, bao gồm việc tháo bỏ ly tâm và hạn chế các chương trình làm giàu urani.

Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump liên lục nói trong các cuộc vận động tranh cử, lên án thỏa thuận hạt nhân và hứa hủy bỏ nó khi nhậm chức.

Việc chính quyền Mỹ từ chối ngừng áp đặt trừng phạt lên Iran sẽ khiến Washington vi phạm thỏa thuận và có khả năng làm thỏa thuận sụp đổ.

Trong trường hợp Tổng thống Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, theo luật, Nghị viện Mỹ có thể kích hoạt tiến trình xem xét hủy bỏ thỏa thuận trong vòng 60 ngày.

Ông Trump cũng không quên cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ và các nước châu Âu không tái áp đặt cấm vận để trấn áp Tehran thì "thỏa thuận sẽ bị chấm dứt".

Hiện Quốc hội Mỹ chưa có động thái cụ thể liên quan tới thỏa thuận Iran. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ có thể tăng cường những điều luật hiện tại chống Tehran, bao gồm siết chặt việc áp dụng Đạo luật Toàn cầu Magnitsky. Một lựa chọn khác là Thượng viện Mỹ thông qua một đạo luật minh bạch yêu cầu công khai tài chính của các quan chức hàng đầu Iran.

Theo ông David Rothkopf, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường nghiên cứu quốc tế cấp cao Johns Hopkins (Mỹ), ông Trump càng thể hiện mình cứng rắn và khác người tiền nhiệm Obama thì lại càng làm lộ ra chính sách yếu ớt của Mỹ hiện tại.

Ông Rothkopf cho rằng ông Trump thậm chí có thể mất đi ảnh hưởng nếu phá hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo ông, “không nước nào trong cộng đồng thế giới chấp nhận điều đó và Mỹ sẽ bị cô lập”.

Điều đó gây áp lực ngược trở lại Iran rằng Washington đã hủy bỏ thỏa thuận và họ sẽ có cơ hội để thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình trong tương lai.

Ông Dennis Ross, cố vấn của Trung Đông cho ba đời Tổng thống Mỹ của cả 2 đảng, cảnh báo rằng các quan chức hàng đầu của Iran - bao gồm lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei - sẽ nhanh chóng lợi dụng cơ hội Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Điều này sẽ thêm một lần nữa đặt Iran vào trong lỗ rốn với các chương trình hạt nhân của mình.

Tiến sĩ Trita Parsi, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (trụ sở ở Washington), nhận xét rằng, việc Mỹ phủ nhận thỏa thuận hạt nhân sẽ giúp ích cho những người theo đường lối cứng rắn tại Iran. Họ sẽ đổ lỗi cho tổng thống Hassan Rouhani vì kí một thỏa thuận thất bại với Mỹ.

Mỹ đang làm thế giới tốt hơn trước các đe dọa hạt nhân?

Trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân của Iran bị phá vỡ, Mỹ đang đưa ra đáp số cuối cùng cho bài toán ở Triều Tiên.

Đó là khi ngay cả với nỗ lực của thế giới, đã được Mỹ chấp nhận thì mọi thứ đều có thể bị đảo ngược về con số 0.

Mỹ đang khiến tình hình Iran và Triều Tiên thêm trầm trọng.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được cho là một kết quả thành công nhất của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Nhưng đến phiên người kế nhiệm, Tổng thống Trump đã tìm mọi cách để gạt bỏ tất cả.

Sẽ ra sao nếu bài toán ở bán đảo Triều Tiên được đối xử tồi tệ hơn cách Washington phản ứng với Iran?

Trong khi tín hiệu của Triều Tiên đối với cuộc khủng hoảng liên Triều đang le lói những điểm sáng thì nó lại khiến sứt mẻ thêm sự tin tưởng giữa các đồng minh và Mỹ.

Dù liên tiếp phát ngôn mở cánh cửa đối thoại và lựa chọn biện pháp ngoại giao với Triều Tiên nhưng mặt khác Mỹ luôn tìm cách để khiêu khích Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-lat-thoa-thuan-hat-nhan-cham-ngoi-tham-hoa-2018-3350411/