Mỹ lao đao vì 'đòn' S-400 liên tiếp của Nga

Mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đang đối mặt với nguy cơ đổ vỡ nếu New Delhi mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vừa cảnh báo như vậy. Vị quan chức này còn răn đe rằng, Ấn Độ nên suy nghĩ thật kỹ khi đưa ra những lựa chọn chiến lược như vậy.

Tên lửa S-400

Tên lửa S-400

“Ở một thời điểm nhất định, một lựa chọn chiến lược cần phải được đưa ra liên quan đến các quan hệ đối tác và một lựa chọn chiến lược về những hệ thống vũ khí cũng như nền tảng mà một quốc gia đó sẽ áp dụng”, bà Alice Wells – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Nam và Trung Á, tuần này đã cho biết như vậy tại buổi điều trần về các lợi ích của Mỹ ở Nam Á và ngân sách cho năm tài chính 2020.

Việc Ấn Độ mua các tên lửa S-400 “trên thực tế có thể hạn chế năng lực của Ấn Độ trong việc tăng khả năng tương tác của chính họ”, bà Alice Wells cho hay đồng thời giải thích rằng Washington “rất quan ngại” về hệ quả gây ra đối với quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ từ thỏa thuận vũ khí trị giá 5 tỉ USD mà Ấn Độ ký với Nga hồi tháng 10 năm ngoái. Sẽ không có chuyện miễn trừ các biện pháp trừng phạt cho một nước trong vấn đề S-400.

Washington muốn nắm giữ thị trường vũ khí của Ấn Độ, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ phát biểu tại Tiểu Ủy ban Đối ngoại về Châu Á của Hạ viện Mỹ. Bà này nhấn mạnh Mỹ hiện tại sẵn sàng bán các thiết bị, vũ khí mà các chính quyền Mỹ trước đây từ chối bán cho Ấn Độ.

“Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, chúng tôi đã nói rất rõ rằng chúng tôi sẵn sàng giúp đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ và chúng tôi đang tìm kiếm một kiểu mối quan hệ đối tác quốc phòng rất khác” với Ấn Độ, bà Alice Wells cho hay.

Với những phát biểu mới nhất nói trên của bà Alice Wells, Mỹ có vẻ như đang gia tăng sức ép để buộc Ấn Độ từ bỏ ý định mua các tên lửa S-400 của Nga.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga theo đó bất kỳ nước nào có giao dịch với những khu vực quốc phòng và tình báo của Nga sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt phụ. Tuy nhiên, một dự luật quốc phòng mới cho phép Tổng thống có quyền miễn các biện pháp trừng phạt cho một nước nào đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và một số quan chức khác của Mỹ phản đối việc trừng phạt Ấn Độ vì hợp đồng S-400 do lo ngại cho lợi ích của nước Mỹ.

Nga và Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ đối tác thân thiết đến mức New Delhi từng là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% trong tổng số vũ khí hạng nặng của cường quốc Châu Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự nổi lên của Trung Quốc và cuộc cải cách kinh tế ở Ấn Độ, Washington và New Delhi đã bắt đầu tăng cường hợp tác song phương. Trên thực tế, mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ đang phát triển mạnh mẽ là vì hai nước này đều tìm cách đối trọng với sự nổi lên ngày một đáng lo ngại của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vụ Ấn Độ mua S-400 của Nga có nguy cơ đe dọa làm phương hại đến mối quan hệ đang ấm lên giữa Mỹ và Ấn Độ. Điều đáng nói là New Delhi cho thấy họ không có ý định từ bỏ mối quan hệ lâu dài, bền chặt với điện Kremlin.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Kiệt Linh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201906/my-lao-dao-vi-don-s-400-lien-tiep-cua-nga-635114/