Mỹ: Lãnh sự Trung Quốc giúp học giả trốn tránh FBI

Giới chức Mỹ cáo buộc nhân viên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hỗ trợ hoạt động thu thập thông tin tình báo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học.

Khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói với đại sứ Trung Quốc về việc Tổng lãnh sự quán nước này ở Houston phải đóng trong 72 giờ, ông kèm thêm thông điệp: Rút hết tất cả nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc khỏi Mỹ.

Quyết định buộc các nhà nghiên cứu quân sự phải rời Mỹ hôm 21/7 là đỉnh điểm của sự lo ngại từ Washington đối với hoạt động tình báo hỗ trợ bởi nhân viên ngoại giao Trung Quốc, nhằm thu thập nghiên cứu khoa học tiên tiến từ các trường đại học Mỹ.

Những nhà nghiên cứu Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay y sinh bị giới chức Mỹ cáo buộc là nguồn tin tình báo với sự trợ giúp của các nhà ngoại giao để che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.

 Quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston được cho là bắt nguồn từ mối lo về các hoạt động tình báo được hỗ trợ bởi nhân viên ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston được cho là bắt nguồn từ mối lo về các hoạt động tình báo được hỗ trợ bởi nhân viên ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Manh mối đầu tiên

Các hành xử của nhân viên ngoại giao Trung Quốc sau khi Nhà Trắng quyết định hạn chế thị thực cho các nhà nghiên cứu hồi tháng 5 là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ nghi ngờ về mối liên hệ giữa hai nhóm đối tượng này.

Khi FBI bắt đầu thẩm vấn một số nhà nghiên cứu, nhân viên ngoại giao Trung Quốc hướng dẫn các nhà nghiên cứu nước này về nước. Một số được gọi đến các cơ quan lãnh sự Trung Quốc ở Washington để xóa và cài đặt lại tất cả thiết bị điện tử trước khi bị thẩm vấn bởi giới chức Mỹ ở sân bay.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng bị FBI cáo buộc đưa ra cảnh báo cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành trí tuệ nhân tạo của nước này rằng chính phủ Mỹ có thể sẽ hỏi về mối liên hệ với quân đội Trung Quốc mà ông này không khai báo trong đơn xin thị thực.

Chính quyền Tổng thống Trump đã thảo luận về khả năng đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc để chống lại một loạt các hành vi được cho là do Bắc Kinh chỉ đạo nhằm hiện thực hóa tham vọng về quân sự và công nghệ theo hướng gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ.

Tổng thống Trump thể hiện sự cứng rắn trong chính sách ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc. Ảnh: AP.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dù vậy nói nhân viên ngoại giao nước này “chưa bao giờ tham gia vào các hoạt động không phù hợp với vị trí của họ”.

Trung Quốc cũng phủ nhận cáo buộc của Mỹ về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ và cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay chủ yếu liên quan đến yếu tố chính trị.

Đáp trả động thái của Washington, Bắc Kinh cũng đã đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn.

Động thái quyết liệt từ phía Mỹ

Bộ Tư pháp Mỹ mới đây đã cáo buộc bốn nhà nghiên cứu Trung Quốc với tội danh gian lận thị thực. Hai trong số bốn người này nói mình vô tội, hai người còn lại chưa tiến hành bào chữa.

Phía chính phủ Mỹ hiện chưa đưa ra bằng chứng cho phía luật sư biện hộ của các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Một số nhà nghiên cứu hầu như không che giấu mối liên hệ của họ với Quân đội Trung Quốc. Họ sử dụng địa chỉ email cấp bởi các cơ quan quân sự Trung Quốc, hoặc có người thậm chí ghi rõ trong bản lý lịch rằng bản thân đang công tác tại trường đại học quân sự Trung Quốc.

Những dấu hiệu nêu trên cho thấy nhiều khả năng các nhà nghiên cứu này xem công việc của họ tại Mỹ là một phần trong hệ thống trao đổi học thuật lâu đời giữa hai nước.

Sau những động thái trả đũa lẫn nhau, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng đi xuống. Ảnh: CNA.

Giới chức Mỹ tin rằng các nhà nghiên cứu quân sự chỉ đóng phần nhỏ trong số gần 370.000 sinh viên Trung Quốc đang học tại Mỹ.

Trước lệnh của TT Trump từ tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ có rất ít quyền trong việc bác đơn visa của các học giả nước ngoài - trừ trường hợp họ tìm cách tiếp cận các nghiên cứu mật hoặc bị kiểm soát.

Chính quyền Tổng thống Trump trước đó đã mở rộng khái niệm về những tác nhân được cho là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ.

Sự đồng thuận lưỡng đảng trong việc hậu thuẫn chính sách ngoại giao quyết liệt hơn với Trung Quốc đã bắt đầu từ cuối giai đoạn ông Obama nắm quyền. Hệ quả của cách tiếp cận này đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước đồng minh.

Chính phủ Mỹ đã cắt giảm các chương trình tài trợ của chính quyền Trung Quốc cho những nghiên cứu được tiến hành ở Mỹ với lý do các nhà khoa đã không minh bạch trong khai báo chi tiết những dự án mình chịu trách nhiệm.

Vào tháng 1, Charles Lieber, nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực công nghệ nano của Đại học Harvard, bị cáo buộc nói dối khi điều tra viên chính phủ hỏi về 1,5 triệu USD ông nhận được nhờ sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Ông Lieber không nhận tội và vụ án dự kiến được đưa ra xét xử. Marc Mukasey, một trong những luật sư của ông Liber, khẳng định: “Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai sử dụng giáo sư Lieber như một con cờ trên bàn nghị sự”.

Cáo buộc liên quan đến quân đội Trung Quốc

Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra cáo buộc đối với một nhà khoa học Trung Quốc tại Đại học Boston về việc che giấu thân phận trung úy trong quân đội Trung Quốc của mình, sau đó bà này đã bị buộc rời khỏi Mỹ.

Hai đại học danh tiếng của Mỹ là Harvard và Boston cho biết họ đã hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình điều tra.

Ngày 29/5, Tổng thống Trump ban bố lệnh cấm cấp thị thực mới cho các nhà nghiên cứu từ bậc sau đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu y sinh Wang Xin. Ảnh: SCMP.

Lệnh của ông Trump dường như khiến phía Trung Quốc giật mình. “Họ bắt đầu hoảng loạn”, một quan chức Mỹ cho biết. Các hành động của nhân viên ngoại giao Trung Quốc được cho là bất thường, đồng thời các nhà khoa học nước này nhanh chóng rời khỏi Mỹ khiến chính quyền Tổng thống Trump đặt nhiều nghi vấn.

Hai ngày sau lệnh cấm, các nhà ngoại giao Trung Quốc nói với quan chức Mỹ rằng họ sẽ tổ chức một chuyến bay khởi hành từ Houston để đưa du học sinh Trung Quốc về nước do tình hình đại dịch phức tạp. Giới chức Mỹ cho biết sau đó họ nhận ra nhiều nhà nghiên cứu quân sự lên chuyến bay đó và quay về Trung Quốc.

Một tuần sau đó, nhà nghiên cứu y sinh Wang Xin tại Đại học California, San Francisco (UCSF), bị lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế Los Angeles giữ lại khi đang chuẩn bị cùng vợ và con lên chuyến bay đến Thiên Tân, Trung Quốc.

Phát ngôn viên của UCSF cho biết trường đại học nắm được từ đầu rằng ông Wang công tác tại Đại học Quân y số 4 của Trung Quốc.

Theo hồ sơ của tòa án, khi bị thẩm vấn, ông Wang thừa nhận có cấp bậc tương đương thiếu tá trong quân đội Trung Quốc và đã nói dối về điều này trong đơn xin thị thực để tăng cơ hội vào làm việc tại cơ sở giáo dục của Mỹ.

Ông Wang bị cáo buộc gian lận thị thực nhưng đã không nhận tội. Luật sư của ông từ chối bình luận về sự vụ.

Các công tố viên Mỹ đưa ra cáo buộc rằng vài tuần sau khi ông Wang bị bắt, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Duke được xác định với tên L.T đã được triệu tập đến lãnh sự quán để gặp một người đàn ông và được hướng dẫn xóa toàn bộ dữ liệu trong các thiết bị điện tử của mình.

Nhà thần kinh học Song Chen tại Đại học Stanford được phát hiện từng mặc quân phục Trung Quốc. Ảnh: Viện Công tố Liên bang Mỹ.

Ngày 12/7, tại sân bay Los Angeles, L.T cho biết nhân viên tại hãng hàng không quốc gia Xiamen của Trung Quốc đã hướng dẫn cô xóa bộ nhớ các thiết bị điện tử và cảnh báo về cuộc phỏng vấn của các nhân viên hải quan Mỹ khi cô chuẩn bị về nước. Đại học Duke đã từ chối đưa ra bình luận.

Một ngày sau, các đặc vụ Mỹ phát hiện bức ảnh nhà thần kinh học Song Chen tại Đại học Stanford mặc quân phục Trung Quốc. Trong hồ sơ xin thị thực, bà Chen ghi đơn vị công tác của mình là một bệnh viện.

Theo hồ sơ tòa án, các đặc vụ tìm thấy bức thư trong một thư mục mà bà Chen đã xóa khỏi ổ cứng và coi đây là bằng chứng bà tham gia quân đội Trung Quốc, đồng thời nhận được sự hậu thuẫn của các quan chức lãnh sự Trung Quốc để che giấu điều này.

Tương tự trường hợp của ông Wang và L.T, nhà khoa học Song Chen bị cáo buộc gian lận thị thực và đã không nhận tội. Cả luật sư của bà Chen lẫn phát ngôn viên Đại học Stanford đều từ chối bình luận.

Nguyễn Bá
theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-lanh-su-trung-quoc-giup-hoc-gia-tron-tranh-fbi-post1124875.html