Hình ảnh do không quân Mỹ đăng ngày 18/9 cho thấy oanh tạc cơ B-21 Raider tăng tốc rồi cất cánh từ đường băng ở căn cứ không quân Edwards tại bang California, nơi đang tiến hành chương trình thử nghiệm tích cực.
Oanh tạc cơ B-21 Raider chạy lấy đà trên đường băng và cất cánh bay vút lên không trung.
Đây là lần đầu không quân Mỹ công bố video oanh tạc cơ B-21 bay thử, những hình ảnh trước đây đều do người dân quay và đăng trên mạng xã hội.
Không quân Mỹ cho biết bay thử là bước quan trọng trong chương trình thử nghiệm, đồng thời khẳng định dòng B-21 có khả năng sống sót cao, đủ sức vượt qua lưới phòng không và tập kích mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, giúp Mỹ chống lại "các hành động gây hấn và tấn công chiến lược".
Trợ lý Bộ trưởng Không quân Mỹ Andrew Hunter cho biết hồi đầu tháng 4 rằng, chương trình bay thử nghiệm của B-21 đang "tiến triển tốt" và đúng tiến độ để đáp ứng mốc thời gian bàn giao dự kiến.
Hình ảnh cho thấy mũi của máy bay được vuốt thon giống mỏ chim cắt, có phần khác biệt với mẫu B-2 trước đó.
Thiết kế B-21 khá mượt mà và uyển chuyển. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với máy bay tiền nhiệm B-2 nhưng đây rõ ràng là một bước nhảy vọt lớn trong công nghệ tàng hình.
Ở hình này có thể thấy thiết bị hạ cánh một trục của B-21 có hai bánh thay vì bốn bánh như của B-2.
Điều này cho thấy trọng lượng và kích thước của B-21 nhỏ gọn hơn.
B-21 Raider là máy bay ném bom mới đầu tiên của Mỹ trong hơn 30 năm và hầu hết mọi khía cạnh của chương trình đều được giữ bí mật.
Cả nhà thầu Northrop Grumman và Không quân Mỹ đều cố gắng bảo vệ các chi tiết của chương trình nhằm ngăn chặn các đối thủ nắm thông tin về vũ khí này.
B-21 bắt đầu được phát triển vào năm 2015 và Lầu Năm Góc đã trình làng Raider vào tháng 12/2022.
Gần một năm sau, vào tháng 11/2023, chiếc máy bay này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Thông tin chi tiết của oanh tạc cơ tàng hình B-21 vẫn còn bí ẩn, song giới phân tich cho rằng máy bay có sải cánh khoảng 41-47m, so với 52m của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đời đầu.
Mỹ tuyên bố dự kiến sẽ chi hơn 32 tỷ USD cho B-21 vào năm 2027, bao gồm 20 tỷ USD cho sản xuất.
Mỗi chiếc B-21 có giá xuất xưởng dự kiến gần 700 triệu USD.
Kinh phí cho toàn bộ dự án B-21 bao gồm cả sản xuất và bảo dưỡng trong vòng 30 năm tới ước tính hơn 203 tỷ USD.
Không quân Mỹ dự kiến đặt mua khoảng 100 máy bay B-21, nhằm thay thế oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer và B-2 Spirit trong hàng chục năm tới.
"B-21 sẽ là xương sống của lực lượng oanh tạc cơ chiến lược Mỹ trong tương lai", phát ngôn viên không quân Mỹ Ann Stefanek nói.
"B-21 có tầm bay xa, khả năng tàng hình và kho vũ khí đủ sức xâm nhập các môi trường tác chiến phức tạp nhất, cho phép đe dọa mọi mục tiêu trên toàn cầu", ông Ann Stefanek cho biết thêm.
Dù tính năng chưa được tiết lộ nhiều, B-21 nhiều khả năng được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí và có thể sẽ có năng lực tự động hóa.
Ngoài mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ thông minh về cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
"Tầm bay và năng lực tàng hình của B-21 vượt xa yêu cầu do không quân Mỹ đưa ra, trong khi thiết kế hệ thống mở sẽ giúp nhà sản xuất dễ dàng nâng cấp phi cơ trong tương lai" CEO Northrop Grumman Kathy Warden nói.
"Phương thức sản xuất dòng B-21 cũng khiến quá trình bảo dưỡng thân vỏ và thiết bị bên trong dễ dàng hơn nhiều so với máy bay B-2", bà Kathy Warden nhấn mạnh.
Một khi B-21 vào biên chế, chúng sẽ thay thế dần những nhiệm vụ mà B-2 đang đảm nhiệm trong vai trò tấn công đột nhập vào mạng lưới phòng thủ dày đặc của đối phương để không kích phá hủy những mục tiêu quan trọng
Việt Hùng