Mỹ lần đầu cảnh báo bẫy đầu tư Trung Quốc

Giữa cuộc đối đầu thương mại căng thẳng, Mỹ bất ngờ nhắc thế giới về nỗi lo ngại đầu tư Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có cuộc gặp với Tổng thống Panama Juan Carlos Varela và đã hữu ý nhắc tới những mối lo ngại về đầu tư của Trung Quốc.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tới sức hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư béo bở nhưng đầy cạm bẫy của Bắc Kinh.

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) hôm 18/10. Ảnh: EPE

"Khi Trung Quốc tới mời gọi, không phải lúc nào cũng là tốt cho người dân của đất nước các bạn đâu” - Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các nhà báo sau cuộc gặp.

Ông nói thêm: "Mỹ hoan nghênh việc đầu tư thực tế, hợp pháp và điều này phải diễn ra minh bạch cũng như phù hợp với quy định của pháp luật".

Mỹ phản đối việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thực hiện các dự án theo cách “không minh bạch, không theo định hướng thị trường và không được xây dựng để mang lại lợi ích cho người dân Panama, mà chỉ mang lại lợi ích cho chính phủ Trung Quốc”.

Vị Ngoại trưởng Mỹ không vô tình nói ra điều mà nhiều quốc gia đón nhận thầu của Trung Quốc đã gặp phải. Mỹ cũng đang rậm rịch nhảy vào đầu tư ở Panama.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Cơ quan Đầu tư tư nhân Nước ngoài Mỹ (OPIC) Ray Washburne trước đó cũng xác nhận, Cơ quan này sẽ rót vốn vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Panama.

Ông Washburne cho biết OPIC đang “cạnh tranh” với Trung Quốc để giành quyền đầu tư vào một cảng Thái Bình Dương ở Panama.

OPIC đã rót gần 330 triệu USD vào các dự án ở Panama từ năm 2009, từ các dự án nhà máy năng lượng mặt trời cho tới xây dựng nhà ở. Trong năm tài khóa 2018, OPIC cam kết sẽ đầu tư tiếp 175 triệu USD vào các dự án ở Panama và El Salvador.

Bắc Kinh chủ yếu thực hiện dự án thông qua các doanh nghiệp nhà nước và các chi nhánh. Nhưng với OPIC, họ cung cấp tài chính và bảo hiểm rủi ro chính trị cho các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ để đấu thầu các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển ở nước ngoài.

“Mỹ khuyến khích các chính quyền địa phương, chẳng hạn ở Panama, sử dụng lao động địa phương cũng như cơ sở hạ tầng sẵn có tại địa phương để thực hiện các dự án. Chúng tôi xem xét các dự án qua lăng kính rằng “liệu chúng tôi có nhận lại được tiền đã cho vay không”? Chúng tôi không cho vay với mục đích siết nợ và tịch thu tài sản” - ông Washburne nhấn mạnh.

Mỹ điểm đúng huyệt của Trung Quốc?

Thực tế từ các dự án đầu tư Trung Quốc đã triển khai ở hàng loạt quốc gia, trong đó có cả Panama, đều nhận chỉ trích rằng đã không sử dụng nguồn lực và lao động địa phương để thực hiện dự án.

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy các quốc gia vào cảnh không thu được lợi ích từ dự án đã vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng, buộc họ phải bán lại quyền kiểm soát lãnh thổ đó cho Trung Quốc để trả nợ.

Hồi đầu năm nay, Trung tâm Phát triển Toàn cầu xác định có tới 8 quốc gia tiếp nhận dự án thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) đang đối mặt với nguy cơ nợ cao.

Ông Pompeo đưa ra cảnh báo với Panama và các nước trong khu vực không lâu sau khi Trung Quốc kỷ niệm 5 năm khởi động BRI. Gắn liền với vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường tập trung vào việc rót vốn của Trung Quốc vào các dự án phát triển trên khắp châu Á và các châu lục khác. Sáng kiến này ban đầu gồm một “vành đai” trên bộ hướng về phía tây, chạy từ Trung Á tới châu Âu, và một “con đường” trên biển chạy qua Đông Nam Á tới bờ biển phía đông châu Phi.

Sau khi triển khai, quy mô của BRI đã vượt xa khỏi hai kênh dự tính ban đầu. Trang web của BRI đã liệt kê 118 quốc gia ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc.

Nhưng sau khi dần nhận thức được cái bẫy nợ mà Trung Quốc đang giăng sẵn, nhiều quốc gia đã phản kháng từ chối dự án từ nhà thầu Trung Quốc.

Sri Lanka là quốc gia mới nhất đã dũng cảm từ chối dự án nhà ở của chủ thầu Bắc Kinh trị giá 300 triệu USD.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã từ chối dự án nhà ở của Trung Quốc, thay vào đó sẽ hợp tác với Ấn Độ. Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân Sri Lanka đã yêu cầu xây nhà bằng gạch, với lý do họ thích nhà được xây theo kiểu truyền thống thay vì kiểu bê tông cốt thép như kế hoạch của Tập đoàn quốc doanh China Railway Beijing Engineering (Trung Quốc).

Nhưng một phần sâu xa hơn là việc các kiểu đầu tư của Trung Quốc đều là mang công nhân của họ tới thực hiện dự án chứ không sử dụng lao động địa phương.

Dự án nhà ở Forest City được cho là một dự án di dân Trung Quốc.

Cùng với đó, các dự án xây dựng nhà ở được ví như một hình thức di dân, đưa người Trung Quốc tới sinh sống. Trung Quốc đã thực hiện ý đồ này bằng hình thức đưa ra giá bán nhà rất cao, không người dân địa phương nào có thể mua nổi.

Điều này được chỉ rõ bởi vị Thủ tướng Malaysia 92 tuổi Mahathir Mohamad khi dự án bất động sản mang tên Forest City (Thành phố Rừng) của công ty phát triển địa ốc tư nhân lớn nhất của Trung Quốc tham gia đã tạo điều kiện cho những người Trung Quốc đến đây sinh sống.

Dù Thành phố Rừng chỉ mới trong giai đoạn phát triển đầu tiên và có rất ít người ở, những người có quốc tịch Trung Quốc chiếm tới 70% số người mua còn người Malaysia chỉ chiếm 20%.

Trong một động thái kiểm soát chặt chẽ nhằm né tình trạng dự án nhà ở bị biến thành dự án di dân, Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố vào cuối tháng 8 rằng những người nước ngoài sẽ không được tiếp tục mua bất động sản tại đây.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-lan-dau-canh-bao-bay-dau-tu-trung-quoc-3367660/