Mỹ lại cần Nga cùng khai thác Mặt Trăng

Phía Mỹ bất ngờ khẳng định rất mong chờ phía Nga hợp tác khai thác Mặt Trăng sau khi định loại ROSCOSMOS khỏi Hiệp định Artemis.

Thông tấn TASS của Nga thông tin, Quyền Quản trị Văn phòng Quan hệ Quốc tế và Liên ngành của NASA Michael Gold mới đây đã thông tin cho báo chí về việc Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) quyết định sẽ không đưa Nga vào dự thảo thỏa thuận thăm dò Mặt Trăng - còn gọi là Hiệp định Artemis.

Mỹ đang muốn khai thác trên Mặt Trăng mà không muốn Nga cùng tham gia. Ảnh minh họa: Sputnik

Mỹ đang muốn khai thác trên Mặt Trăng mà không muốn Nga cùng tham gia. Ảnh minh họa: Sputnik

Theo đó, ông Michael Gold khẳng định truyền thông Mỹ đã đưa tin sai lệch về ý định của NASA trong việc thực hiện thỏa thuận với các nước trên thế giới để thăm dò và khai thác trên Mặt Trăng nhưng không có sự tham gia của Nga.

"Tôi nghĩ thật không may là có nhiều rò rỉ cho truyền thông mô tả không đúng về Hiệp định Artemis là gì. Vì vậy tôi không ngạc nhiên nếu phía Nga phản ứng về Hiệp định Artemis. Thật lòng, nếu đứng ở vị trí của họ, tôi có thể sẽ phản ứng tương tự" - ông Michael Gold nhận định.

Vị quan chức NASA cũng cho rằng, phía Mỹ sẵn sàng và mong muốn Nga tham gia hợp tác với Mỹ cùng các quốc gia khác cho một cuộc thăm dò, chinh phục và khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng bởi Nga là quốc gia quan trọng trong lĩnh vực vũ trụ.

"Nga là nước ký kết Hiệp ước ngoài vũ trụ [1967]... Tôi rất hy vọng rằng bây giờ chúng tôi đề xuất hiệp định này và họ có thể dựa trên Hiệp ước ngoài vũ trụ để xét xem có tham gia hay không" - ông Michael Gold nhấn mạnh.

Theo lời ông, việc Nga tham gia vào dự án của Mỹ và tạo ra một quỹ đạo Mặt Trăng cùng với Mỹ có thể trở thành bước đầu tiên trong việc ký kết thỏa thuận Moscow-Washington trong khuôn khổ Hiệp định Artemis.

Tuyên bố được cho là nhằm trấn an Moscow sau khi có các thông tin trên truyền thông cho rằng Mỹ đang thúc đẩy khai thác trên Mặt Trăng, có kết hợp với nguồn lực của các quốc gia gồm Canada, Nhật Bản, Châu Âu và UAE nhưng tuyệt nhiên đã bỏ qua Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khi đề cập đến thông tin này đã cho rằng, dự thảo của Nhà Trắng cần phải được xem xét thấu đáo, bao gồm đánh giá khía cạnh hợp pháp theo luật quốc tế. Tại Nga đã tiến hành các cuộc thảo luận về khả năng có nên hợp tác với Mỹ cho một kế hoạch khai thác như vậy hay không.

Cuối cùng thì phía NASA cũng đưa ra tuyên bố xoa dịu. Dẫu vậy, người Nga sẽ còn phải suy nghĩ xem, liệu có nên phản đối về động thái "kết bè cánh" của Washington để "chiếm đoạt" Mặt Trăng hay không.

Theo Hiệp định Artemis, NASA muốn đưa người quay lại Mặt Trăng vào năm 2024 và bắt đầu thám hiểm từ năm 2028, trong khi cơ quan không gian Nga thúc đẩy kế hoạch xây căn cứ dài hạn ở đây trong 2 thập niên tới.

Dự thảo Hiệp định Artemis, được đặt tên theo chương trình thám hiểm Mặt Trăng sắp tới của NASA, đề xuất thiết lập “vùng an toàn” xung quanh các căn cứ tương lai trên Mặt Trăng nhằm ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại hoặc can thiệp từ các quốc gia đối thủ hoặc những công ty hoạt động ở phụ cận. Thông qua văn bản này, Mỹ cũng muốn xây dựng khung hành động, cho phép các công ty có quyền sở hữu khối lượng tài nguyên mà họ khai thác ở Mặt Trăng.

Hiệp định Artemis được xem là nỗ lực mới nhất của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump trong việc quy tụ đồng minh để đưa người quay lại Mặt Trăng, và tiến tới xây dựng các trạm không gian trên thiên thể này trong thập niên kế tiếp.

Cũng theo Reuters, giới chức Mỹ vài tuần nữa sẽ lên kế hoạch chính thức bước vào giai đoạn thương thuyết các điều khoản của hiệp định với những đối tác tiềm năng như Canada, Nhật Bản và các nước châu Âu, cũng như UAE. Đây là những đối tác được Washington đưa vào nhóm có “mối quan tâm chung” trong việc khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng.

Trong khi đó, Nga, đối tác chính của NASA trong dự án vận hành Trạm không gian quốc tế (ISS), không được xem là đối tác tiềm năng ban đầu khi xây dựng những hiệp định không gian dạng này.

Lầu Năm Góc đã lo ngại về những chuyển động “bất thường” của các vệ tinh Nga xung quanh những vệ tinh tình báo của Mỹ trên quỹ đạo Trái Đất, cũng như việc nước này thử vũ khí diệt vệ tinh.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/my-lai-can-nga-cung-khai-thac-mat-trang-3403204/