Mỹ la-tinh nỗ lực ổn định và phát triển kinh tế

Khu vực Mỹ la-tinh khép lại năm 2019 với nhiều biến động, thách thức lớn về chính trị, kinh tế và xã hội. Dù đang bước sang thời kỳ phát triển mới, hay rơi vào chu kỳ suy thoái, các nước đều nỗ lực cải cách nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điểm thời sự

Chuyên gia phổ biến kỹ thuật canh tác mới cho nông dân tỉnh Cô-đô-ba, Ác-hen-ti-na. Ảnh | AG News

Chuyên gia phổ biến kỹ thuật canh tác mới cho nông dân tỉnh Cô-đô-ba, Ác-hen-ti-na. Ảnh | AG News

Năm 2019, Cu-ba triển khai kiện toàn bộ máy, bầu chủ tịch nước, thủ tướng và nhiều chức danh theo lộ trình của Hiến pháp mới, tạo nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại, phù hợp công cuộc cập nhật mô hình kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Các bộ trưởng phụ trách kinh tế Cu-ba nhận định, trong bối cảnh Mỹ liên tiếp thắt chặt cấm vận La Ha-ba-na, song năm 2019 “đảo tự do” không rơi vào suy thoái kinh tế. Cu-ba tiến hành các cải cách quan trọng trong khối doanh nghiệp nhà nước, tăng lương cho lao động hưởng ngân sách, tạo thêm điều kiện tiêu dùng cho người dân. Chính phủ Cu-ba đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1% trong năm 2020 và triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế, chính thức áp dụng chính sách “một cửa” trong cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài.

Năm vừa qua, chính phủ Vê-nê-xu-ê-la tiếp tục củng cố đoàn kết trong nước, kiên định con đường cách mạng với các chính sách xã hội, phục vụ lợi ích của người dân, ngăn chặn và đối phó hiệu quả các âm mưu gây bất ổn. Tuy nhiên, Ca-ra-cát vẫn cần vượt qua nhiều thách thức, cả về chính trị lẫn kinh tế khi đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn trước tác động của cuộc bao vây cấm vận từ bên ngoài.

Tổng thống Bra-xin G.Bôn-xô-na-rô kêu gọi thành viên Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) phê chuẩn và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đàm phán và ký kết với các đối tác, trọng tâm là FTA với Liên hiệp châu Âu (EU). Song, bất đồng quan điểm trong MERCOSUR thời gian gần đây càng lộ rõ, nhất là giữa hai “đầu tàu” của Mỹ la-tinh là Bra-xin và Ác-hen-ti-na. Bên cạnh đó, Bra-xin và Ác-hen-ti-na cũng đối mặt thách thức từ bên ngoài, khi Mỹ cảnh báo về nguy cơ tái áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu từ hai nước trên.

Cuối năm 2019, chính phủ Ác-hen-ti-na ban hành gói luật liên quan tình trạng khẩn cấp kinh tế. Ưu tiên của Bu-ê-nốt Ai-rét là triển khai các biện pháp hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do suy thoái kinh tế gần hai năm qua, khi tỷ lệ lạm phát và nghèo đói ở mức cao. Dư luận tiến bộ ở Mỹ la-tinh hy vọng, việc lực lượng cánh tả quay trở lại nắm quyền ở Ác-hen-ti-na đem tới nhiều sự công bằng hơn, các chính sách mới sẽ chú trọng tới đại bộ phận người dân, tạo sức bật trong công cuộc khôi phục con đường phát triển của quốc gia Nam Mỹ này.

Năm vừa qua, biểu tình liên tiếp nổ ra ở nhiều nước, như tại Chi-lê, Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a, nhằm phản đối bất bình đẳng xã hội, thúc đẩy chính phủ cải cách. Đầu tháng 12-2019, chính phủ Chi-lê công bố gói phục hồi kinh tế trị giá 5,5 tỷ USD và kế hoạch phát hành trái phiếu bằng đồng ngoại tệ, nhằm phục hồi nền kinh tế vốn chịu thiệt hại nặng nề do các cuộc biểu tình kéo dài. Nhằm ổn định xã hội, Tổng thống Chi-lê X.Pi-nhê-ra ký ban hành kế hoạch cải tổ Hiến pháp, mở đường cho tiến trình soạn thảo văn kiện này, dự kiến bắt đầu bằng cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 4-2020. Chính phủ Ê-cu-a-đo và Cô-lôm-bi-a cũng đang nỗ lực tìm biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan cải cách kinh tế, hệ thống y tế, lương hưu, chấm dứt tình trạng bạo lực, tham nhũng và những vấn đề khác.

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CEPAL), năm 2019 nền kinh tế khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng thấp, ở mức 0,1%, do bối cảnh kinh tế - xã hội “cực kỳ phức tạp”. Theo CEPAL, tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê trong giai đoạn 2014 - 2020 sẽ ở mức thấp nhất trong 40 năm qua. Bên cạnh đà suy giảm chung của thế giới, nguyên nhân chủ yếu của khó khăn kinh tế tại Mỹ la-tinh là những biến động lớn trong chính trị nội bộ các nước, gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.

Tình hình khu vực Mỹ la-tinh được dự báo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, bởi những nguyên nhân cơ bản của bất ổn chưa được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính thế giới kêu gọi các nước Mỹ la-tinh thúc đẩy các chính sách kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững, phục vụ tối đa lợi ích của mọi tầng lớp trong xã hội, đồng thời tích cực hội nhập, tự do hóa thương mại...

ANH TÚ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/42865602-my-la-tinh-no-luc-on-dinh-va-phat-trien-kinh-te.html