Mỹ là 'ông tổ' của máy bay ném bom Nga và Trung Quốc

Ít ai dám tưởng tượng rằng, những chiếc máy bay ném bom chiến lược của Nga và Trung Quốc ngày nay, lại có 'ông tổ' là máy bay Mỹ.

Ít máy bay nào có dấu ấn lịch sử lớn như B-29, loại máy bay ném bom 4 động cơ có hình dáng như chiếc bút chì của Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Ít máy bay nào có dấu ấn lịch sử lớn như B-29, loại máy bay ném bom 4 động cơ có hình dáng như chiếc bút chì của Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga đã đi tiên phong trong việc sử dụng máy bay ném bom hạng nặng khi thực chiến thành công với chiếc máy bay hai động cơ khổng lồ Ilya Muromets do Sikorsky thiết kế để chống lại quân Đức. Và chiếc máy bay này là khởi đầu cho thời đại máy bay ném bom chiến lược sau này.

Máy bay ném bom chiến lược là loại máy bay lớn có thể mang bom hạng nặng bay trên một khoảng cách rất xa, để đánh trúng các mục tiêu chiến lược phía sau phòng tuyến của kẻ thù như nhà máy, cầu, cống, sân bay, đường sắt… hoặc là cả các trung tâm dân cư đô thị.

Tuy nhiên đến Thế chiến II, Không quân Liên Xô (VVS) chủ yếu là lực lượng không quân chiến thuật tập trung vào việc đánh các mục tiêu gần chiến tuyến. VVS chỉ trang bị 93 máy bay ném bom chiến lược Pe-8 bốn động cơ mới, trong khi Anh và Mỹ đã triển khai hàng nghìn máy bay ném bom hạng nặng.

Chương trình vũ khí đắt tiền nhất của Mỹ trong Thế chiến II là phát triển loại máy bay ném bom chiến lược tối tân B-29 Superfortress. B-29 vượt xa các phiên bản tiền nhiệm về tốc độ, tầm bay và tải trọng bom. Máy bay có các tháp súng máy phòng thủ điều khiển từ xa và phi hành đoàn 11 người.

Các máy bay B-29 mới được triển khai tới mặt trận Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 1944, với tầm hoạt động lớn cho phép máy bay thực hiện các cuộc tấn công vào các đảo chính của Nhật Bản, bao gồm các vụ ném bom ác liệt vào Tokyo và ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki.

Vào thời điểm đó, Liên Xô đang tiếp nhận các máy bay được viện trợ từ Mỹ thông qua chương trình Lend-Lease, vì vậy Moscow đã hai lần đề nghị Mỹ gửi máy bay B-29 cho quân đội nước này nhưng chính quyền Washington đã từ chối.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/1944, đã có 3 máy bay B-29 của Mỹ xuất phát từ Trung Quốc để ném bom Mãn Châu và Nhật Bản, buộc phải hạ cánh xuống Vladivostok do hư hỏng trong chiến đấu và trục trặc kỳ thuật. Chiếc B-29 thứ tư bị rơi xuống biển và đã được Liên Xô trục vớt.

Mặc dù Mỹ và Liên Xô là đồng minh trong Thế chiến II, nhưng Liên Xô thời điểm đó vẫn chưa xảy ra chiến tranh với Nhật Bản. Sau đó chính quyền Liên Xô đã thu giữ những chiếc máy bay Mỹ và từ chối yêu cầu gửi chúng trở lại. Các phi công Mỹ cũng phải hướng dẫn sử dụng máy bay cho chuyên gia Liên Xô trong nhiều tháng trước khi được thả.

Mong muốn có một máy bay ném bom chiến lược mới sớm nhất buộc Stalin đã chỉ thị cho Phòng thiết kế Tupolev từ bỏ chương trình thiết kế của riêng mình và thay vào đó tạo ra một bản sao của B-29. Một chiếc B-29 bị bắt đã bị tháo dỡ hoàn toàn, trong khi hai chiếc còn lại được sử dụng cho mục đích tham khảo và huấn luyện bay.

Khó khăn lớn đối với nỗ lực ăn cắp ý tưởng là B-29 đã được thiết kế theo các đơn vị đo lường Anh như thước, feet, inch, trong khi Liên Xô sử dụng hệ mét và nhiều bộ phận trên máy bay phải chế tạo lại từ đầu. Có đến sáu mươi văn phòng thiết kế và chín trăm nhà máy khác nhau của Liên Xô tham gia trong quá trình sao chép này.

Chiếc máy bay nhân bản được đặt tên là Tu-4 chỉ nặng hơn một chút so với chiếc B-29 ban đầu và có một vài khác biệt. Đáng chú ý nhất, Tu-4 sử dụng động cơ hướng tâm ASh-73TK 2.400 mã lực thay vì động cơ Duplex Cyclone 2.200 mã lực nguyên bản. Ngoài ra, súng máy cỡ nòng .50 của B-29 đã được thay thế bằng pháo 23 mm nặng hơn nhiều.

Tu-4 có tốc độ bay chậm hơn một chút so với B-29 chỉ đạt tốc độ tối đa là 560 km/h và tốc độ của B-29 là 574 km/h, nhưng máy bay Liên Xô có trần bay tốt hơn đạt 12.000 m, trong khi B-29 chỉ đạt 10.200m. Tải trọng bom tiêu chuẩn cũng khác nhau, B-29 có thể chở tới 9 tấn bom, trong khi Tu-4 chỉ có thể mang được 6 tấn bom.

Sau đó Liên Xô cũng đã trả lại một trong những chiếc B-29 bị mất vào năm 1945. Hai năm sau, phương Tây đã giật mình khi thấy hình ảnh của bốn chiếc B-29 “bản sao” bay trên không. NATO đặt tên mã cho chiếc máy bay này là “Bull” và phải gấp rút lập kế hoạch chiến lược phòng không trước mối đe dọa oanh tạc cơ chiến lược mới.

Các trung đoàn Tu-4 đầu tiên được đưa vào hoạt động từ năm 1949 và hai năm sau một chiếc Tu-4A được sửa đổi đã trở thành máy bay Liên Xô đầu tiên thả bom nguyên tử, quả bom nguyên tử RDS-3 Marya với sức công phá 42 kiloton đã được thả gần thành phố Semipalatinsk, Kazakhstan vào ngày 18/10/1951.

Tổng cộng 847 chiếc Tu-4 đã được chế tạo cho đến năm 1952 và trở thành trụ cột của lực lượng máy bay ném bom chiến lược Liên Xô trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Tu-4 không đủ phạm vi hoạt động để tấn công các mục tiêu ở Mỹ mà đủ nhiên liệu để quay trở lại căn cứ.

Đến giữa những năm 1950, Tu-4 bắt đầu được thay thế bằng Tu-16 Badger chạy bằng động cơ phản lực và Tu-95 Bear với tầm hoạt động xa hơn. Những chiếc Tu-4 cuối cùng đã được Liên Xô cho nghỉ hưu vào những năm 1960.

Những chiếc Tu-4 sau khi loại biên đã được dùng để thử nghiệm các công nghệ mới. Tu-4 được sử dụng làm nơi thử nghiệm cho công nghệ tiếp nhiên liệu trên không, tác chiến điện tử và trinh sát bức xạ. Sau đó được thiết kế thành máy bay vận tải hàng hóa là Tu-70 và Tu-75 và hơn 300 chiếc Tu-4 đã được chuyển đổi thành máy bay vận tải chở quân Tu-4D.

Stalin cũng tặng 10 chiếc Tu-4 cho Trung Quốc vào năm 1953, chúng hoạt động cho đến năm 1988. Không quân Trung Quốc thậm chí còn thử chuyển đổi hai chiếc để phục vụ như máy bay cảnh báo sớm đầu tiên của mình, mặc dù đĩa radar tỏ ra quá cồng kềnh. Một số chiếc Tu-4 của Trung Quốc hiện có thể được nhìn thấy tại Bảo tàng Không quân Trung Quốc.

B-29 đã chứng tỏ là một nền tảng có thể thích ứng trong hoạt động của cả Mỹ và Liên Xô. Một lần nữa, kinh nghiệm của Liên Xô cũng đã chứng minh rằng sự khác biệt công nghệ giữa họ và phương Tây cũng rất dễ bị san phẳng. Nguồn ảnh: Warhistory.

Máy bay ném bom B-29 Mỹ dàn quân, sẵn sàng tung cánh bay tới Nhật Bản để dội bom quân phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nguồn: USarmy.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/my-la-ong-to-cua-may-bay-nem-bom-nga-va-trung-quoc-1534555.html