Mỹ là người mặc cả vĩ đại?

Cánh cửa dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nguy hiểm đang chờ đợi Nga-Mỹ trong khi Trung Quốc khẳng định không muốn bị ràng buộc.

Kẻ phá hoại giấu mặt?

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược 2010, hay còn gọi là START Mới giữa Nga và Mỹ sắp hết hạn. Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ mong muốn gia hạn hiệp ước quan trọng này nhưng cũng có những quan chức cấp thấp hơn lại có ý định ngược lại.

Theo chuyên gia Daryl G. Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), người đó chính là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton.

START Mới được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.

Tổng thống Nga và Mỹ ký kết START Mới năm 2010

Tổng thống Nga và Mỹ ký kết START Mới năm 2010

Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng 2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, START Mới sẽ hết hạn vào năm 2021, và đến nay triển vọng gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi START Mới là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 11/6 cho biết Moscow đã hối thúc Washington kéo dài hiệu lực của START Mới nhằm tạo khoảng trống cho các cuộc thương lượng tương lai về kiểm soát vũ khí. Ông Ryabkov nhấn mạnh: "Chúng ta cần củng cố toàn diện cơ chế Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)", đồng thời bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Hồi năm ngoái, Tổng thống Trump đã bày tỏ nguyện vọng muốn làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin “để thảo luận về cuộc chay đụa vũ trang, vốn đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Theo trang bình luận Á-Âu, ông John Bolton đã ngăn chặn một đề xuất được Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ ủng hộ về việc sẽ tham gia các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược với Moscow. Ông Bolton cũng thuyết phục Tổng thống Trump kết thúc Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung 1987 (INF) mà không có một kế hoạch dự phòng khả thi nào, nhằm phản ứng lại việc Nga bị cho là đã vi phạm hiệp ước này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (phải)

Giới phân tích cho rằng chính đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đã chần chừ suốt hơn một năm qua để bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc gia hạn START Mới trước khi hiệp ước này hết hạn vào tháng 2/2021. Ông Bolton được cho là đang cố hướng Tổng thống Trump xóa bỏ hiệp ước này. Trong một bài phỏng vấn được đăng tải vào ngày 18/6, đề cập tới việc gia hạn START Mới, ông Bolton nói: “Vẫn chưa có quyết định chính thức nhưng tôi nghĩ không chắc sẽ xảy ra".

Ông Bolton cho rằng thiếu sót lớn nhất của START Mới là không có những điều khoản hay những giới hạn đối với các vũ khí chiến thuật, hoặc phi chiến lược. Ông nói: “Chính vì thế, việc gia hạn hiệp ước này đồng nghĩa với việc mở rộng những lỗi cơ bản đó".

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ còn cho rằng những vũ khí chiến lược mới của Trung Quốc và Nga, như tên lửa siêu thanh và các phương tiện vận chuyển khác, “về cơ bản là không được kiểm soát hiệu quả bởi START Mới”.

Tung hứng mặc cả với Trung Quốc?

Nếu không có START Mới thì lần đầu tiên sau gần nửa thế kỉ, thế giới sẽ không có sự ràng buộc về mặt pháp lý và những giới hạn có thể xác minh được đối với kho hạt nhân của Mỹ hoặc Nga. START Mới tập trung vào những loại vũ khí hạt nhân tầm xa được cho là gây ra mối lo ngại lớn nhất cho Mỹ và Nga.

Những cuộc đàm phán về việc loại bỏ những loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn của cả hai quốc gia được đánh giá là quá chậm chễ, và cũng không hề dễ dàng. Nếu như các nhà đàm phán của Mỹ tìm cách hạn chế gần 2.000 vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga, thì Nga chắc chắn sẽ ép Mỹ phải loại bỏ 180 quả bom hạt nhân chiến thuật hiện đang được triển khai ở 5 quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, Nga cũng sẽ tìm cách giới hạn kho vũ khí của Pháp và Anh.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) gặp Tổng thống Mỹ D. Trump bên lề G20 ở Osaka, Nhật Bản hôm 28/6

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, nếu Nga triển khai vũ khí tên lửa siêu thanh Avangard, được phóng lên từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thì nó sẽ bị kiểm soát theo START Mới. Ngoài ra, chính phủ Mỹ khẳng định rằng bất cứ một hệ thống phóng vũ khí hạt nhân mới nào của Nga, cho dù là ngư lôi hay tên lửa tầm xa, cũng bị kiểm soát bởi START Mới.

Theo chuyên gia Kimball, ông Bolton đang gây ảnh hưởng tiêu cực đối với việc kiểm soát vũ khí của Mỹ và những mục tiêu an ninh quốc tế. Nếu Tổng thống Trump tiếp tục nghe theo những lời khuyên của ông Bolton và để cho START Mới hết hạn thì ông chắc chắn sẽ trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên sau ông John Kennedy thất bại trong việc ký kết ít nhất một thỏa thuận với Nga để giảm thiểu mối nguy hiểm hạt nhân, đồng thời ông Trump cũng sẽ mở ra "cánh cửa" dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới và nguy hiểm.

Trong khi đó, Sputnik cho biết, trong cuộc gặp kéo dài một tiếng rưỡi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 28/6, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã nhất trí "tiếp tục thảo luận về một mô hình kiểm soát vũ khí thế kỷ 21, mà Tổng thống Trump khẳng định cần phải có Trung Quốc".

Những toan tính và mặc cả đặt thế giới trước nguy cơ một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump cho biết ông đã đề cập với Trung Quốc về một thỏa thuận hạt nhân ba bên và Bắc Kinh "rất mong muốn là một phần của thỏa thuận đó". Tuy nhiên, sau đó vài ngày, Trung Quốc khẳng định không có ý định tham gia đàm phán một thỏa thuận như vậy.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó phải thừa nhận rằng một thỏa thuận như vậy có thể "quá tham vọng" trong bối cảnh START Mới sắp hết hiệu lực. Chuyên gia Kimball cho rằng: "Việc theo đuổi đàm phán với các nước được trang bị hạt nhân khác và cố gắng hạn chế mọi loại vũ khí hạt nhân là một mục tiêu tuyệt vời, song một cuộc đàm phán như vậy sẽ vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Sẽ vô cùng tệ hại nếu loại bỏ START Mới với hy vọng đàm phán một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân tham vọng, toàn diện hơn với Nga và Trung Quốc, cũng như làm cho thỏa thuận được thông qua và có hiệu lực".

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-la-nguoi-mac-ca-vi-dai-3382968/