Mỹ: Kinh doanh quần áo cũ trở thành thị trường tỷ đô

Một báo cáo gần đây cho biết, thị trường quần áo cũ của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ mức 28 tỷ USD vào năm 2019 lên 80 tỷ USD vào năm 2029 - hơn gấp ba lần về giá trị trong 10 năm tới. Vào năm 2019, thị trường quần áo cũ mở rộng nhanh hơn 21 lần so với thị trường quần áo bán lẻ thông thường.

Thị trường quần áo cũ, bao gồm hai loại chính: quần áo giảm giá và mua đi bán lại. Từ lâu quần áo đã qua sử dụng bị hiểu lầm là những món đồ cũ nát, hoen ố và kém chất lượng, chủ yếu dành được những người thích sưu tầm đồ cũ hoặc khả năng tài chính thấp.

Sử dụng quần áo cũ là xu hướng tiết kiệm trong thời buổi khó khăn, đồng thời bảo vệ môi trường

Sử dụng quần áo cũ là xu hướng tiết kiệm trong thời buổi khó khăn, đồng thời bảo vệ môi trường

Tái định hình ngành công nghiệp thời trang

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời kì kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch thì định kiến này đã dần thay đổi. Giờ đây nhiều người tiêu dùng coi quần áo cũ có chất lượng tương đương, hoặc thậm chí xa xỉ gấp nhiều lần so quần áo mới chưa mặc. Từ đó, một xu hướng "thời trang mua quần áo cũ và bán lại” cũng đã xuất hiện, đặc biệt là ở những người tiêu dùng trẻ hiện đại.

Bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, các nền tảng giao dịch quần áo cũ trên nền tảng kỹ thuật số như Tradesy và Poshmark cũng lần lượt ra đời để tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi mặt hàng này ngày càng sôi nổi và phát triển nhanh chóng. Thị trường bán quần áo cũ trên nền tảng kỹ thuật số đang nhanh chóng trở thành một thành phần quan trọng trong ngành thời trang tương lai.

Ngoài phân khúc bình dân và giá rẻ, thị trường hàng xa xỉ đã qua sử dụng cũng trở nên sôi động không kém. Các nhà bán lẻ như The RealReal hoặc Vestiaire Collective cũng ra mắt các nền tảng giao dịch online các lô hàng xa xỉ có chứng nhận rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại đó, mọi người tiến hành mua và bán các nhãn hàng thiết kế từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel và Hermès. Được biết giá trị thị trường của lĩnh vực này đạt 2 tỷ USD vào năm 2019

Xu hướng tiêu dùng quần áo cũ cũng đã thay đổi thói quen của khách hàng hiện nay, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng kinh tế Covid-19. Người tiêu dùng không chỉ giảm tiêu thụ các mặt hàng không cần thiết, mà còn giảm sức mua các mặt hàng may mặc chất lượng cao. Thay vào đó, họ cũng đang chuyển dần sang các trang phục rẻ tiền.

Mô hình kinh doanh quần áo giá rẻ và dùng một lần xuất hiện vào đầu những năm 2000, tiêu biểu bởi các thương hiệu như H&M và Zara. Thời trang nhanh (Fast Fashion – thuật ngữ chỉ những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá cả phải chăng) phát triển theo cấp số nhân trong 20 năm qua và cũng làm thay đổi đáng kể ngành thời trang bằng cách sản xuất nhiều quần áo hơn, phân phối nhanh hơn và kích thích người tiêu dùng mua nhiều hơn với giá thấp hơn.

Trong khi ngành thời trang nhanh dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 20% trong 10 năm tới, thời trang second-hand (đã qua sử dụng) sẵn sàng tăng trưởng 185%.

Quần áo cũ "cứu rỗi môi trường"

Ngành công nghiệp thời trang từ lâu đã gắn liền với các vấn đề xã hội và môi trường, từ môi trường làm việc, chế độ đối với công nhân may mặc đến sự ô nhiễm và chất thải từ hoạt động sản xuất quần áo.

Được biết, chưa đến 1% nguyên liệu còn thừa trong quá trình sản xuất được tái chế để làm quần áo mới hoặc các sản phẩm khác, gây nên thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho ngành thời trang. Ngành công nghiệp dệt may được cho là nguyên nhân tạo ra nhiều khí thải carbon không thua kém ngành hàng không và hàng hải cộng lại. Ngoài ra, khoảng 20% nguồn nước trên toàn cầu đang trong tình trạng ô nhiễm nặng là kết quả của nước thải từ quá trình sản xuất và nhuộm vải.

Người tiêu dùng đã nhận thức rõ hơn về tác động sinh thái của việc sản xuất hàng may mặc và thường xuyên đòi hỏi các doanh nghiệp may mặc mở rộng cam kết về môi trường. Việc sử dụng quần áo cũ chính là cách người tiêu dùng hạn giảm thiểu tác động môi trường của ngành thời trang.

Rõ ràng việc sử dụng quần áo cũ giúp kéo dài tuổi thọ của nó, vốn đã bị rút ngắn đáng kể trong thời đại thời trang nhanh. Theo ước tính số lần trung bình một chiếc quần áo được mặc trước khi chuyển vào thùng rác đã giảm 36% trong 15 năm qua.

Nếu các loại quần áo chất lượng cao được buôn bán ở chợ đồ cũ, thì chúng vẫn cũng giữ nguyên giá trị của nó theo thời gian, không giống như các sản phẩm thời trang nhanh rẻ hơn. Vì vậy, mua một bộ quần áo cũ chất lượng cao thay vì một bộ quần áo mới về mặt lý thuyết là một cách bảo vệ môi trường. Nhưng một số nhà phê bình cho rằng thị trường đồ cũ khuyến khích người tiêu dùng đang dần quay lưng với thời trang cao cấp, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận với thị trường quần áo giá rẻ.

Theo những phụ nữ trẻ Mỹ thường xuyên sử dụng các nền tảng giao dịch quần áo cũ như Poshmark hoăc Trasedy, họ coi quần áo cũ là một cách để tiếp cận cả hàng hóa rẻ và những thứ mà họ thường không thể mua được. Họ không coi đó là một mô hình tiêu dùng thay thế hoặc một cách để giảm sự phụ thuộc vào sản xuất quần áo mới.

Có thể thấy, việc tăng cường tái sử dụng quần áo là một bước tiến lớn trong ngành thời trang tương lai, mặc dù vẫn còn phải xem xét tiềm năng của nó trong việc giải quyết các vấn đề sản xuất bền vững và tác động môi trường.

(theo National Interest)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-kinh-doanh-quan-ao-cu-tro-thanh-thi-truong-ty-do-131447.html