Mỹ kiên quyết đòi tiền bảo vệ Hàn Quốc

Hàn Quốc phải đánh đổi rất nhiều lợi ích trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là Seoul không thể khai thác giá trị địa chính trị-địa chiến lược của Hàn Quốc...

Mỹ kiên quyết đòi Hàn Quốc tăng chi phí cho bảo trợ an ninh

Yonhap đưa tin, ngày 16/3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cam kết nỗ lực vì một thỏa thuận “công bằng và hợp lý” về chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc, trong bối cảnh hai bên đã ấn định thời điểm tiếp tục thực hiện các cuộc đàm phán trong tuần này.

"Mỹ giữ nguyên cam kết nỗ lực vì một kết quả công bằng và hợp lý trong các cuộc đàm phán xoay quanh Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), yếu tố sẽ duy trì và tăng cường mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Hàn Quốc”.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, “liên minh Mỹ - Hàn có nền tảng hết sức vững chắc và có vai trò sống còn đối với nỗ lực bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn”.

Theo kế hoạch định sẵn, tại Los Angeles, Mỹ, trong 2 ngày 17/3 và 18/3, các phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành vòng đàm phán mới về chia sẻ các chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nam Hàn.

9.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc có nguy cơ phải nghỉ việc không lương từ 1/4 nếu Seoul quyết cương với Washington

9.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc có nguy cơ phải nghỉ việc không lương từ 1/4 nếu Seoul quyết cương với Washington

Vòng đàm phán mới diễn ra trong bối cảnh gia tăng nguy cơ đội ngũ 9.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) phải nghỉ việc không lương bắt đầu từ 1/4, nếu không đạt được thỏa thuận SMA mới.

USFK nhiều lần cảnh báo rằng đội ngũ nhân viên Hàn Quốc có thể rơi vào tình trạng "không nhiệm vụ và không lương" do chưa đạt được SMA - một động thái được cho là nhằm gây sức ép buộc Seoul phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán.

SMA là thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng giữa Hàn Quốc và Mỹ được hai bên thống nhất vào năm 1991. Từ đó Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí tài chính để duy trì sự hiện diện của USFK tại Hàn Quốc.

Theo SMA, chia sẻ của Seoul bao gồm chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự và hỗ trợ hậu cần. Hàng năm, Hàn Quốc đóng góp khoảng 822 triệu USD và năm 2019, SMA sẽ hết hiệu lực.

Trước khi SMA hết hiệu lực, Washington và Seoul đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán nhằm ấn định mức chi phí mới mà Hàn Quốc phải đóng góp để duy trì 28.500 binh sỉ̃ Mỹ đồn trú tại quốc gia Đông Bắc Á, song đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/02/2019, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã ký với quyền Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Timothy Betts thỏa thuận tạm thời kéo dài 1 năm, với mức phí mới tăng 8,2%, lên 890 triệu USD, theo BBC.

Từ tháng 9/2019 đến nay, Mỹ-Hàn đã tiến hành 6 vòng đàm phán, mới nhất diễn ra tại Washington hồi tháng 1/2020. Vấn đề mấu chốt mà hai hên chưa thể hóa giải sự khác biệt là tổng mức đóng góp mới của Hàn Quốc và những cam kết mới của Mỹ.

Sự căng thẳng giữa Washington và Seoul liên quan tới việc gia hạn SMA đến mức Tổng thống Trump, ngày 3/12/2019, từng cảnh báo Washington đang cân nhắc việc liệu có duy trì các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc nữa hay không.

"Điều này có thể được cân nhắc. Tôi có thể quyết định bất cứ lựa chọn nào...Tôi cho rằng nếu chúng tôi thực hiện, họ nên chia sẻ gánh nặng sao cho công bằng hơn", ông Trump nói với báo giới trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London.

Mỹ đòi Hàn trà 1 tỷ cho lắp đặt THAAD

Tình đồng minh Mỹ-Hàn đã suy giảm chỉ vì đồng tiền?

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã khởi động chương trình xem xét lại các thỏa thuận giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược, mà nguyên nhân là do Washington nhận thấy mình bị thiệt thòi nhiều quá.

Với Hàn Quốc, ngoài việc đàm phán gia hạn SMA với mức chi phí tài chính mới mà Seoul phải đóng góp để đảm bảo cho sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ, còn là chi phí phải trả cho các khi tài mà Mỹ đưa đến đất nước này.

Ngày 27/4/2017, Tổng thống Trump cho biết : "Tôi đã thông báo với phía Hàn Quốc rằng họ trả chi phí cho hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối mà Mỹ lắp đặt tại nước này thì hợp lý hơn. Hệ thống đó trị giá 1 tỷ USD”, Reuters tường thuật.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã phản ứng lại rằng không có thay đổi nào trong thỏa thuận giữa hai nước, Hàn Quốc cung cấp địa điểm để triển khai THAAD còn Mỹ sẽ chi trả chi phí lắp đặt và vận hành hệ thống này.

Cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - khi đó còn là ứng viên tổng thống - cho hay đề nghị của ông Trump rất "không khả thi" vì Washington mới là bên vận hành hệ thống THAAD.

Vì vậy, sự việc sau đó không được Washington nhắc lại nữa. Tuy nhiên, Seoul phải tái đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Hàn (USKTA) phải chấp nhận nhiều áp đặt của chính quyền Trump. Ngày 24/9/2018, USKTA mới đã được ký kết.

Sau khi USKTA mới được ký kết, Washington được cho là lấy khí thế ép lại Seoul trong các vòng đàm phán gia hạn SMA. Mà cụ thể nhất là với thỏa thuận tạm thời, khi Seoul đề nghị kéo dài 5 năm, Washington chỉ chấp nhận 1 năm.

Còn với SMA mới, Washinngton kiên quyết đòi Seoul phải tăng mức đóng góp tài chính lên 1 tỷ USD, và đây được xem là lý do chính mà nhiều vòng đàm phán không thể mang lại kết quả.

Nhiều ý kiến từng cho rằng, mức đề xuất của Mỹ thực ra không quá lớn, cũng không quá đắt đỏ, vì tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn chưa thực sự hết nóng, sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội không có thêm bước tiến triển cụ thể nào.

Mỹ lắp đạt THAAD khiến Hàn Quốc lãnh hậu quả nặng nề khi Trung Quốc trả đũa

Vậy tại sao Seoul không chấp thuận để có thể khiến đội ngũ 9.000 nhân viên người Hàn Quốc làm việc trong Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc phải nghỉ việc không lương, cùng với đó là hệ lụy từ các động thái ruồng rẫy của Washington?

Theo giới phân tích, dường như với Seoul, vấn đề không phải là mức chi phí phải trả cho Washington, mà là tính chất quan hệ đồng minh được thể hiện ra qua những đề xuất của chính quyền Trump.

Phải thấy rằng Hàn Quốc đánh đổi rất nhiều lợi ích trong quan hệ với Mỹ, chứ không chỉ là chi phí tài chính cho Mỹ đóng quân. Trong đó đặc biệt là Seoul không thể chủ động khai thác giá trị địa chính trị-địa chiến lược của Hàn Quốc.

Bởi Hiệp định đình chiến mà Washington là tác giả, đã đưa Hàn Quốc rơi vào vòng xoáy ngoại giao nước lớn, mà ở đó lợi ích Mỹ luôn đặt trước lợi ích đồng minh. Seoul đã nhận thấy hệ lụy nhưng chưa thể thoát ra.

Vậy mà chính quyền Trump không biết điều mà vẫn cứ quyết "cạn tàu ráo máng" với đồng minh. Trong vị thế của thực thể được bảo trợ, Hàn Quốc không có nhiều lựa chọn, nên kiên định trong SMA được xem như phản ứng của Seoul với Washington.

Chưa biết biết vòng đàm phán mới về gia hạn SMA giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ thế nào, nhưng theo giới phân tích, rõ ràng quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn đã thực sự suy giảm chỉ vì đồng tiền, dù được che đậy bằng những ngôn từ của ngoại giao quy tắc.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-kien-quyet-doi-tien-bao-ve-han-quoc-3398708/