Mỹ kiện Google độc quyền, nói có thể chia tách công ty nếu cần thiết

Bộ Tư pháp Mỹ kiện Google hôm 20/10, tố cáo công ty nghìn tỷ đô lạm dụng sức mạnh thị trường để cản trở đối thủ trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm.

Vụ kiện của Bộ Tư pháp có thể dẫn tới việc chia tách một công ty mang tính biểu tượng của nước Mỹ nói riêng và Internet nói chung. Google đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người dân trên khắp thế giới. Dù vậy, không dễ đi tới kết quả này và phải mất hàng năm trời để giải quyết vụ kiện.

Đây là lần đầu tiên Mỹ kiện một hãng công nghệ lớn kể từ cuộc chiến với Microsoft vào năm 1998. Gã khổng lồ phần mềm đã đạt được thỏa thuận và vẫn nguyên vẹn sau khi bị Mỹ kiện vì hành vi phản cạnh tranh.

Chính quyền Mỹ cáo buộc Google thực hiện các hành vi phi pháp để duy trì vị trí trong mảng tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trên mạng. Vụ kiện có sự tham gia của 11 bang. Theo chính phủ Mỹ, Google chiếm gần 90% dịch vụ tìm kiếm chung tại Mỹ và gần 95% thị phần tìm kiếm trên di động. Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr cho biết các điều tra viên đã phát hiện Google không cạnh tranh bằng chất lượng kết quả tìm kiếm mà thay vào đó thông qua các khoản chi cho nhà sản xuất di động và hãng khác. “Kết quả cuối cùng là không ai có thể dễ dàng thách thức sự thống trị của Google trong tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm”, ông nói.

Khi được hỏi liệu Bộ Tư pháp có tìm cách chia tách hay biện pháp khác không, quan chức Bộ Ryan Shores nói chưa có điều gì được bàn bạc song tòa án sẽ xử lý mọi thứ tốt nhất sau khi nghe tất cả bằng chứng.

Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp nói rằng người Mỹ bị ảnh hưởng bởi hành động của Google. Người dùng và nhà quảng cáo có ít lựa chọn hơn, ít sáng tạo hơn và giá quảng cáo kém cạnh tranh hơn. Vì vậy, Bộ muốn yêu cầu tòa án phá vỡ thế kìm kẹp của Google đối với phân phối quảng cáo để mở đường cho cạnh tranh và đổi mới.

Ngoài ra, đơn kiện nhắc tới việc Google chi hàng tỷ USD cho các hãng như Apple, Samsung và các công ty trình duyệt như Mozilla, Opera để đặt công cụ tìm kiếm Google làm mặc định trên thiết bị của họ. Điều này đồng nghĩa đối thủ không bao giờ có quy mô đủ lớn để cải thiện thuật toán và phát triển. Google cũng bảo vệ được lợi nhuận kiếm được từ Android. Dù đây là hệ điều hành nguồn mở, công ty nào không dùng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định sẽ bị cấm tham gia các thỏa thuận chia sẻ doanh thu hấp dẫn.

Google gọi vụ kiện là “vô cùng thiếu sót” và khẳng định mọi người dùng Google vì họ chọn như vậy, không phải bị ép buộc hay vì họ không thể tìm dịch vụ thay thế. Giám đốc pháp lý Google Kent Walker phản bác đơn kiện của Bộ Tư pháp dựa trên tranh luận chống độc quyền mơ hồ, không giúp ích gì cho người dùng. Ngược lại, nó còn hỗ trợ một cách giả tạo các dịch vụ tìm kiếm thay thế kém chất lượng, tăng giá điện thoại, khiến mọi người không sử dụng được dịch vụ tìm kiếm mà họ muốn.

Ông Walker cho rằng việc họ trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone “không khác” các doanh nghiệp lĩnh vực khác vẫn làm để quảng bá sản phẩm. Ông lấy ví dụ như một thương hiệu ngũ cốc có thể trả tiền cho siêu thị để bày sản phẩm của họ cuối dãy hay trên kệ ngang tầm mắt.

Đây không phải vụ kiện duy nhất Google phải đối mặt. Một số bang đã tiến hành điều tra chống độc quyền riêng từ năm 2019 và chuẩn bị khép lại cuộc điều tra trong “vài tuần tới”. Nếu họ khởi kiện, nó sẽ gộp với vụ kiện liên bang. Trước đó, EU phạt Google 1,7 tỷ USD năm 2019 vì ngăn website dùng đối thủ của Google để tìm kiếm nhà quảng cáo, phạt 2,6 tỷ USD năm 2017 vì ưu tiên dịch vụ mua sắm riêng trên công cụ tìm kiếm, phạt 4,9 tỷ USD năm 2018 vì chặn đối thủ trên hệ điều hành Android.

Du Lam (Theo Reuters)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/my-kien-google-doc-quyen-noi-co-the-chia-tach-cong-ty-neu-can-thiet-267436.html