Mỹ kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực

Mặc dù vẫn kiên quyết thề sẽ tiếp tục cuộc chiến chống gian lận bầu cử và không công nhận thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3-11, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố đã đến thời điểm bắt đầu sự chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden để ông chuẩn bị nhậm chức.

Mặc dù vẫn kiên quyết thề sẽ tiếp tục cuộc chiến chống gian lận bầu cử và không công nhận thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3-11, Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố đã đến thời điểm bắt đầu sự chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Joe Biden để ông chuẩn bị nhậm chức.

Những người ủng hộ ông Trump biểu tình bên ngoài tòa nhà văn phòng tiểu bang ở Lansing, Michigan, yêu cầu kết quả công bằng. Ảnh: AP

Những người ủng hộ ông Trump biểu tình bên ngoài tòa nhà văn phòng tiểu bang ở Lansing, Michigan, yêu cầu kết quả công bằng. Ảnh: AP

Xác nhận của GSA

Trong tuyên bố đưa ra hôm 23-11 (ngày 24-11, giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) - vốn được giao nhiệm vụ chính thức bắt đầu các cuộc chuyển giao tổng thống - đã công nhận ông Biden là “người chiến thắng hiển nhiên”.

Người đứng đầu GSA, bà Emily Murphy đã thông báo tới ông Biden rằng, cơ quan này sẽ tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền lực. Trong thư gửi ông Biden, bà Murphy cho biết, quyết định của bà là hoàn toàn độc lập và dựa trên luật pháp và các số liệu thực tế, và nhấn mạnh chưa bao giờ trực tiếp hoặc gián tiếp bị gây sức ép liên quan tới quyết định của mình bởi bất kỳ quan chức chính phủ nào cũng như những người làm việc tại Nhà Trắng hoặc tại cơ quan của mình. Bà Murphy cũng làm rõ rằng, mình không nhận bất kỳ chỉ dẫn nào để trì hoãn quyết định và cho biết đang chuẩn bị đưa quỹ có khoảng 6,3 triệu USD cho tổng thống đắc cử.

Trên Twitter, Tổng thống Trump xác nhận quyết định của GSA nhằm bắt đầu quá trình chuyển giao. Ông Trump nói cảm ơn bà Murphy của GSA vì “cống hiến bền bỉ và lòng trung thành của bà với Đất nước”, và rằng, bà đã bị “quấy rối, đe dọa và lạm dụng...”. Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm nhấn mạnh sẽ tiếp tục các biện pháp pháp lý và tin tưởng sẽ giành phần thắng. “Tuy nhiên, vì lợi ích cao cả của Đất nước chúng ta, tôi khuyến nghị Emily Murphy và nhóm của bà ấy làm những gì cần phải làm liên quan đến các nghi thức ban đầu, và tôi đã nói với nhóm của tôi làm tương tự”, ông Trump nhấn mạnh.

Bà Murphy phải đối mặt với những lời chỉ trích từ cả hai phe chính trị vì không bắt đầu quá trình chuyển giao sớm hơn, vốn là một thông lệ giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức. Theo luật năm 1963, người đứng đầu GSA sẽ quyết định khi nào người chiến thắng được “xác định chắc chắn”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bà Murphy sẽ quyết định ai làm tổng thống. Vai trò chủ yếu của bà là quyết định khi nào kết quả bầu cử đủ rõ ràng để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực. Mặc dù truyền thông Mỹ từ lâu đã khẳng định gần như chắc chắn ông Biden là tổng thống đắc cử của Mỹ, nhưng các khẳng định này không có ý nghĩa với GSA. Chỉ khi xác định một cách chắc chắn người thắng cuộc là ông Biden, GSA mới giải phóng và mở cửa các cơ quan liên bang để đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden bắt đầu triển khai các kế hoạch chuyển tiếp.

Thêm đòn mạnh giáng vào ông Trump

Động thái mới nhất này xảy ra khi chiến thắng của ông Biden ở bang Michigan được chính thức chứng nhận, giáng thêm đòn mạnh mẽ vào cuộc chiến lật ngược thế cờ của ông Trump.

Theo CNN, Hội đồng bầu cử bang Michigan xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Biden. Bước tiếp theo, quan chức cấp cao tại bang này sẽ gửi xác nhận trên đến thống đốc để ký xác nhận. Như vậy 16 phiếu đại cử tri tại bang này sẽ thuộc về ông Biden dựa trên kết quả bỏ phiếu phổ thông. “Chúng tôi cảm ơn hội đồng bang về việc công nhận sự thật rõ ràng: Tổng thống tân cử Joe Biden chiến thắng vang dội tại bang Michigan với cách biệt hơn 150.000 phiếu, gấp 14 lần so với cách biệt mà ông Donald Trump giành được vào năm 2016”, một phát ngôn viên của ông Biden cho biết.

Tuy nhiên, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump cho biết sẽ tiếp tục kiện đối với kết quả bầu cử tại Michigan. “Việc các quan chức bang xác nhận đơn giản chỉ là bước thủ tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh với gian lận bầu cử trên cả nước và đấu tranh để đếm tất cả phiếu bầu hợp lệ. Người dân Mỹ phải được đảm bảo rằng kết quả sau cùng là công bằng và hợp pháp”, bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý thuộc ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump nhấn mạnh. Trong khi đó, tại Georgia, tất cả 159 hạt sẽ bắt đầu kiểm phiếu lại từ 9 giờ ngày 24-11 (giờ địa phương), theo các quan chức phụ trách bầu cử tại bang. Theo đó, các hạt phải hoàn tất kiểm phiếu lại bằng máy quét nhanh, trước thời điểm cuối ngày 2-12.

Tại Georgia, ông Biden vẫn dẫn trước với 12.670 phiếu cách biệt, tương đương 0,2% và nằm trong ngưỡng 0,5% theo quy định cho phép ứng viên yêu cầu kiểm phiếu lại bằng chi phí từ ngân sách.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_234988_my-kich-hoat-qua-trinh-chuyen-giao-quyen-luc.aspx