Mỹ không thể phá được thế của Nga tại Nam Caucasus

Với chiến lược gây bất ổn và tận dụng mọi cơ hội để kích hoạt làn sóng ly khai tại Nam Caucasus, Washington đã không thể bám rễ...

Sau khi tình báo Mỹ, tháng 5/2017, nhận định xung đột tại Nagorno-Karabakh có thể gia tăng, được xem là mở lối cho Mỹ xâm nhập sâu hơn vào Nam Caucasus, Washington ngày càng gia tăng thách thức Moscow tại sân sau chiến lược của Nga.

Từ những hành động của Washington, cho thấy người Mỹ đang tìm mọi cách để định dạng lại lợi ích của mình tại khu vực chiến lược này, vốn bị cả đối thủ và đồng minh chiếm giữ trong suốt 1/4 thế kỷ thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù có nhiều mưu đồ - kế hoạch, song Washington lại không thể cắm rễ tại Nam Caucasus, đồng nghĩa lợi ích Mỹ không dễ gia tăng tại sân sau chiến lược của Nga. Tại sao lại nhận định như vậy?

Nghị sĩ Mỹ Brad Sherman kêu gọi Washington tăng cường viện trọ để kích hoạt làn sóng ly khai tại Nam Caucasus

Thứ nhất, chiến lược của Mỹ tại Nam Caucasus chủ yếu hướng tới xung đột và bất ổn, chứ không hướng tới việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực này

Có thể thấy rằng, cũng như Trung Đông, Nam Caucasus là một trong những khu vực luôn tồn tại trong bất ổn, trong đó đặc biệt là xung đột sắc tộc bùng lên sau khi Liên Xô tan rã.

Hòa bình và ổn định luôn là khát vọng của các dân tộc sinh sống tại khu vực Nam Caucasus, do vậy để tạo tầm ảnh hưởng tại đây thì các thực thể ngoại bang phải có chiến lược mà mục đích là ổn định và phát triển cho khu vực.

Trong khi bản chất chiến lược can thiệp của Mỹ luôn là hướng tới bất ổn và xung đột và tại Nam Caucasus, Washington cũng vẫn chưa cho thấy thay đổi bản chất chiến lược của mình. Vì vậy, việc Mỹ cắm rễ ở đây khó thành hiện thực.

Có thể nhận diện, chiến lược của Mỹ tại Nam Caucasus được thể hiện trong thời gian qua là tìm cách nâng cao vị thế của người Armenia so với các tộc người khác, qua đó hy vọng nâng tầm ảnh hưởng cho nhà nước Armenia trong khu vực.

Gần đây nhất, ngày 30/3/2018, một phái đoàn các Nghị sĩ Mỹ - chủ yếu là thành phần ủng hộ Armenia tại Quốc hội Mỹ - đã đến thăm khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh và gần như ngay lập tức đã có hành động.

Sau khi vội vã trở vể Washington, phái đoàn 37 nghị sĩ Mỹ do ông Brad Sherman đại diện đã có phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ về chuyến đi và đề xuất chương trình hành động tại Nam Caucausus.

Tại phiên điều trần, Nghị sĩ Brad Sherman đã lên tiếng: "Quý vị biết rằng Armenia bị Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phong tỏa, vì vậy nước này xứng đáng với sự ủng hộ của chúng ta".

Nhà lập pháp Mỹ còn nhấn mạnh: "Quý vị biết rằng Nagorno- Karabakh, bây giờ là Cộng hòa Artsakh và khu vực phía nam Gruzia, được gọi là Samtskhe-Javakheti, cũng xứng đáng được hỗ trợ của chúng ta", theo ArmenPress.

Can thiệp bằng chiến lược gây bất ổn và xung đột, Mỹ chưa thể phá thể của Nga tại Nam Caucasus

Rõ ràng, với việc ủng hộ Samtskhe-Javakheti đã Mỹ đã chủ động tạo ra một khu vực xung đột mới tại Nam Caucasus giữa Armenia với Gruzia, bên cạnh xung đột giữa Armenia với Azerbaijan tại khu vực Nagorno- Karabakh.

Không những vậy, khu vực Samtskhe-Javakheti nằm trong lãnh thổ Gruzia, giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, khi Mỹ ủng hộ người Armenia tại khu vực này thì rõ ràng ngọn lửa ly khai sẽ khiến Armenia, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ đều đối mặt bất ổn.

Đặc biệt Samtskhe-Javakheti là khu vực có ý nghĩa địa chính trị quan trọng bậc nhất với Gruzia, trong khi Tbilisi vẫn còn đau đớn với việc ly khai của Abkhazia và Nam Ossetia, vậy mà Washington lại buộc Tbilisi đối mặt với làn sóng ly khai mới.

Như vậy, khi Washington chyển trọng tâm chiến lược tại Nam Caucasus về Yerevan và cộng đồng người Armenia, thì Mỹ đã làm gia tăng bất ổn tại Nam Caucasus và xem đó là cách thức định dạng lại lợi ích của mình tại khu vực chiến lược này.

Chỉ có điều trong quá trình nâng tầm ảnh hưởng tại sân sau chiến lược của Nga, Mỹ sẵn sàng "cạn tàu ráo máng" với cả đồng minh lẫn đối tác chiến lược vẫn đang thể hiện sự đồng điệu với Washington.

Theo giới phân tích, với chiến lược gây bất ổn và tận dụng mọi cơ hội để kích hoạt làn sóng ly khai tại Nam Caucasus như vậy, tự thân Washington đã không thể bám rễ tại sân sau chiến lược của Nga, mà chưa cần Moscow phải xuất chiêu hóa giải.

Thứ hai, Washington muốn làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga tại Nam Caucasus nhưng lại thiếu chủ thuyết chính trị – yếu tố quan trọng nhất trong việc sắp đặt các bàn cờ chính trị mới

Có thể nhận định rằng, hầu hết các bàn cờ chính trị được Mỹ xác lập thời hậu Chiến tran Lạnh đều đã thất bại, mà nguyên nhân là sự hòa hợp giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội không đượcMỹ và chính quyền thân Mỹ xác lập.

Washington đã dùng lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ để tạo hình cho các bàn cờ chính trị mới tại Lybia, Iraq, Afghanistan, Kosovo, song khi vắng “chất Mỹ, yếu tố Mỹ” là các bàn cờ chính trị đó thiếu ngay sức sống.

Thiếu chủ thuyết chính trị, mọi nước cờ chính trị của Mỹ tại Nam Caucasus sẽ chỉ là bèo bọt

Theo lịch sử các học thuyết chính trị và kế ước xã hội, sức mạnh của một quốc gia được cấu thành bởi bốn yếu tố nền tảng là : thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc.

Hai yếu tố đầu được xem là sức mạnh cứng và hai yếu tố sau được xem là sức mạnh mềm. Thiếu một trong bốn yếu tố đó, quốc gia sẽ thiếu sức mạnh. Song tại các bàn cờ chính trị mới, Mỹ chỉ hướng tới xác lập sức mạnh cứng mà quên sức mạnh mềm.

Cho đến lúc này có thể nhân diện tất cả các lực lượng chính trị thân Mỹ tại các bàn cờ chính trị mới đều thiếu chủ thuyết - yếu tố quan trọng nhất trong việc liên kết giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, từ đó cấu thành nên sức mạnh quốc gia.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-khong-the-pha-duoc-the-cua-nga-tai-nam-caucasus-3356347/