Mỹ không rút toàn bộ quân khỏi Syria

Ngày 22-2, Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính quyền Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump dự định sẽ duy trì 400 binh lính tại Syria, thay vì 200 quân như kế hoạch được Nhà Trắng đưa ra trước đó.

Cụ thể, 200 binh lính sẽ tham gia với lực lượng khoảng 800 đến 1.500 binh lính từ các quốc gia đồng minh châu Âu để thiết lập và giám sát các khu vực an toàn tại vùng đông bắc Syria. 200 binh lính khác sẽ ở lại tiền đồn quân sự Mỹ Al-Tanf. Tiền đồn này có diện tích khoảng 55km2, nằm ở phía nam Syria, gần biên giới với Iraq và Jordan, là nơi có khả năng đồn trú cho hàng nghìn lính. Các quan chức Mỹ cũng cho biết số lượng binh lính được giữ lại vừa được thống nhất trong tuần này và chưa thực sự chắc chắn nên có thể vẫn sẽ có sự điều chỉnh.

 Đoàn xe chở quân đội Mỹ tiến vào Syria. Ảnh: ABC News

Đoàn xe chở quân đội Mỹ tiến vào Syria. Ảnh: ABC News

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Tổng thống Donald Trump khẳng định số binh sĩ được duy trì tại Syria rất nhỏ với mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc ông quyết định duy trì một lượng nhỏ binh sĩ ở Syria không đi ngược với tuyên bố rút toàn bộ quân trước đó.

Hồi tháng 12-2018, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu rút 2.000 lính tại Syria về nước sau khi tuyên bố đã đánh bại IS tại thực địa. Quyết định này làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ phía các đồng minh châu Âu. Họ cho rằng Mỹ đã tự ý hành động mà không có sự tham vấn hay phối hợp từ trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đặt câu hỏi: Một quyết định rút quân bất ngờ và chóng vánh khỏi Syria liệu có phải là một quyết định đúng đắn đối với người Mỹ? Nhà lãnh đạo Đức đồng thời cho rằng, điều này chỉ góp phần dọn đường cho Nga và Iran gia tăng ảnh hưởng tại khu vực. Không chỉ Đức, mà Pháp một đồng minh quan trọng khác cũng phản đối mạnh mẽ lập trường này của Mỹ.

Quyết định rút quân khỏi Syria cũng là một trong những nguyên nhân khiến cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis từ chức. Tổng thống Mỹ sau khi nhận được các ý kiến cố vấn đã quyết định giữ lại một phần nhỏ binh lính Mỹ tại Syria. Cho tới nay, nhiều nước châu Âu vẫn do dự trước quyết định cử binh lính tới Syria khi chưa nhận được cam kết chắc chắn từ Washington về việc tiếp tục can thiệp vào khu vực. Bởi vậy, theo Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi một phần kế hoạch rút quân khỏi Syria nhằm tạo điều kiện cho sự hiện diện 1.000 binh sĩ của châu Âu tại quốc gia Trung Đông này. Phát biểu với Hãng tin Fox News, ông Graham nhấn mạnh các binh sĩ thường trực của Mỹ sẽ giống như một chất xúc tác cho một sự hiện diện lớn hơn của các đồng minh châu Âu.

Theo các nhà phân tích, quyết định giữ 20% quân tại Syria có thể giúp Mỹ trấn an các đồng minh rằng Washington vẫn giữ cam kết đối với khu vực. Tuy nhiên, nó cũng một lần nữa tạo ra sự phức tạp cho vấn đề Syria. Việc duy trì sự hiện diện ở Syria với lý do ngăn chặn sự trỗi dậy của IS là cái cớ giúp quân đội Mỹ có thể hiện diện lâu dài, thậm chí là vô thời hạn ở quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, các trang thông tin của Trung Đông thời gian qua đã đồng loạt cảnh báo về việc Mỹ đang tiến hành xây dựng một căn cứ quân sự quy mô siêu lớn ở ngã ba Syria-Jordan-Iraq, đặt trên vị trí lãnh thổ thuộc Iraq. Cũng có thông tin cho rằng Mỹ không hề rút quân về nước mà chỉ âm thầm chuyển lực lượng ở Syria sang đồn trú tại Iraq. Điều này có thể bảo đảm cho Mỹ quay trở lại tham chiến ở Syria bất kỳ lúc nào và đủ chỗ dựa để đồn trú lâu dài không giới hạn thời gian ở Syria.

LAN HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-khong-rut-toan-bo-quan-khoi-syria-567164