Mỹ không rút hết khỏi Syria: Tấn bi kịch còn dài

Mỹ sẽ vẫn để lại Syria một nhóm khoảng 200 binh sĩ thay vì rút toàn bộ lực lượng như Tổng thống Trump đã nói.

Ngày 21/2, Washington đưa ra thông báo quan trọng về kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi Syria. Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sarah Sanders cho biết Mỹ sẽ không rút toàn bộ binh lực.

"Một nhóm binh sĩ bảo vệ hòa binh gồm khoảng 200 thành viên sẽ vẫn ở lại Syria trong một khoảng thời gian nhất định" - bà Sanders cho biết.

Thông tin cụ thể về việc 200 quân này sẽ đồn trú tại địa điểm nào, hoạt động với mục đích gì, trong thời gian bao lâu không được tiết lộ. Tuy nhiên, kế hoạch này cho thấy Mỹ vẫn còn hiện diện quân lực tại Syria.

Quyết định này được công bố sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Bà Sarah Sanders cho biết cả hai vị lãnh đạo đã đồng ý về việc "tiếp tục hợp tác về vấn đề thành lập một khu vực an toàn ở Đông Bắc Syria.

Mỹ sẽ duy trì 200 quân đồn trú tại Syria phối hợp với lực lượng Dân chủ Syria SDF

Mỹ sẽ duy trì 200 quân đồn trú tại Syria phối hợp với lực lượng Dân chủ Syria SDF

Nếu đây là kế hoạch cuối cùng về vấn đề rút quân khỏi Syria được thông qua, sẽ xảy ra những kịch bản không hay đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong nỗ lực thống nhất và hòa giải dân tộc thời kỳ hậu chiến.

Thứ nhất, Mỹ duy trì quân đội tại Syria đồng nghĩa với việc mở đường cho các đồng minh châu Âu của nước này như Anh, Pháp tiếp tục cam kết gửi lại quân đội ở quốc gia Trung Đông này. Thực tế chỉ có Mỹ tuyên bố rút quân, trong khi các đồng minh châu Âu của họ phản đối mạnh mẽ kế hoạch đó.

Theo lập luận của Đức, Pháp, khủng bố IS không bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng chỉ chuyển trạng thái chiến tranh bất đối xứng. Các tay súng IS sẽ biến thành những tế bào ngủ và chờ đợi nổi dậy hay tham gia vào một tổ chức khủng bố khác.

Như vậy, quân lực đồng minh rất có thể sẽ làm theo cách của Mỹ, rút một phần về nước và duy trì một phần ở lại với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Cần chú ý rằng quân đội Mỹ, Pháp, Anh... đang đồn trú ở tất cả những mỏ dầu lớn của Syria ở miền Đông.

Thứ hai, Mỹ đang có thêm những toan tính cho lực lượng người Kurd ở Syria. Hôm 19/2, Bouthaina Shaaban - một cố vấn cấp cao của Tổng thống Bashar al-Assad cho biết Damascus không đồng ý với yêu cầu tự trị của cộng đồng người Kurd.

"Người Kurd muốn bảo vệ khu vực tự trị của họ dưới thể chế của một quốc gia phi tập trung. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng Syria là một quốc gia thống nhất, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và hiến pháp của Syria. Sẽ khó có thể cung cấp những yêu cầu tự trị như vậy" - bà Shaaban bày tỏ bên lề một hội nghị về Trung Đông ở Moscow.

Thực tế người Kurd vẫn muốn theo đuổi giấc mơ tự trị và một nhà nước độc lập, có chính quyền, nền kinh tế, đối ngoại riêng biệt và có lực lượng quân sự riêng. Việc Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố rút quân đã đẩy người Kurd vào thế hiểm nghèo: không còn thế lực chống lưng và đối mặt với cuộc chiến lớn với phe thân Thổ và cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hậu thuẫn cho SDF và người Kurd

Họ buộc phải đàm phán với Syria và Nga để kỳ vọng có thể quay trở lại với tư cách một cộng đồng hòa hợp và có tư cách trong Quốc hội sắp tới của Syria sau khi kết thúc chiến tranh. Việc trao trả thành Manbij cho quân Syria kiểm soát là một động thái bày tỏ thành ý.

Song hôm 20/2, Washington phát đi thông điệp sẽ tiếp tục viện trợ, hậu thuẫn cho người Kurd ở Syria trong con đường tìm kiếm nhà nước tự trị. Nhưng "nếu người Kurd theo đuổi chính quyền Assad và quay lưng với Mỹ, sẽ không có sự hỗ trợ nào cả, họ sẽ phải trả giá".

Như vậy, 200 quân để lại có thể là lời cam kết rất rõ ràng với Mỹ về việc can thiệp lâu dài ở Syria, buộc người Kurd thêm quyết tâm nhận hỗ trợ của Mỹ trở thành một thực thể đối đầu với Damascus.

Thứ ba, ông Trump và ông Erdogan điện đàm về một vành đai an toàn. Đây là vấn đề được hai bên bàn nhiều trong tháng 1/2019. Nếu kế hoạch này được áp dụng, phạm vi một số tỉnh giáp biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ như Kobane, Raqqa sẽ được áp dụng cơ chế này.

Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tràn vào lãnh thổ Syria phối hợp với 200 quân Mỹ tạo thành vùng an toàn. Đây là kịch bản rất xấu khi Ankara đang nỗ lực tìm biện pháp để đưa lính của mình vào Syria, trong khi Nga đang dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn điều này.

Thứ tư, 200 quân không phải lực lượng đáng kể, nhưng đây là đại diện cho sự hiện diện của Mỹ ở Syria. Và lý do gìn giữ hòa bình sẽ là một nhiệm vụ không giới hạn thời điểm kết thúc. Điều này cho thấy Mỹ sẽ ở lại quốc gia Trung Đông này trong một thời gian dài sắp tới.

Điều này đồng nghĩa với việc, sự chia rẽ và loạn lạc ở Syria sẽ không thể kết thúc sớm.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-khong-rut-het-khoi-syria-tan-bi-kich-con-dai-3375040/