Mỹ không cần sự trợ giúp của Pakistan trong chiến lược Taliban mới?

Mỹ quyết định tìm kiếm 'đúng bộ chỉ huy Taliban' mà không cần chờ Pakistan thuyết phục phiến quân tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.

Trong buổi điều trần trước Nghị viện vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tiết lộ một chiến lược mới cho các cuộc thương lượng Taliban đồng thời phàn nàn rằng các quan chức và các nhà ngoại giao Mỹ “bị đối xử tệ” ở Pakistan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani Ahmadzai

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Mỹ, ông Pompeo cho biết: “Mục đích của chiến lược này là nhằm vận dụng tất cả các yếu tố sức ép của chính phủ Mỹ để buộc Taliban bước vào bàn đàm phán. Hiện nay chúng ta cần tìm ra đúng bộ phận chỉ huy trong Taliban để tham gia các cuộc thảo luận này.”

Hai tuyên bố về sự ngược đãi các nhà ngoại giao và xúc tiến tiến trình hòa bình Afghanistan mà không có sự tham gia của Pakistan là bằng chứng cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đồng minh đang ở thời kỳ tồi tệ nhất.

Ông Marvin Weinbaum, một học giả nghiên cứu về những vấn đề Nam Á tại Washington, cho biết cả Mỹ và Pakistan cùng áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại đối với nhà ngoại giao của từng bên.

“Điều làm tôi chú ý nhất đó là cả hai bên đang áp dụng những biện pháp nhằm vào các nhà ngoại giao thường trú theo phương cách thường chỉ vận dụng đối với địch thủ của mình chứ không phải với các đối tác”, ông Weinbaum nói.

Cách sắp xếp và phân bổ quyền lực mới

Song những gì Ngoại trưởng Pompeo báo cáo trước ủy ban Nghị viện Mỹ vượt xa phạm vi vấn đề quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa hai nước mà nhấn mạnh rằng Washinton cần tìm thấy một giải pháp hòa bình ở Afghanistan trước khi sức ép công chúng Mỹ phản đối một cuộc chiến bị ghét bỏ này buộc chính quyền Trump phải rút quân khỏi đất nước điêu tàn vì xung đột.

Ông Pompeo cho biết chỉ khi mục tiêu tìm thấy đúng bộ chỉ huy của Taliban đạt được, chính quyền Mỹ sẽ nhóm họp “rất nhiều nhóm khác nhau” để thành lập ra một cơ cấu quyền lực kế tiếp ở Afghanistan. Để đưa các nhóm này ngồi vào bàn đàm phán, ông Trump sẽ cam kết đảm bảo mỗi dân tộc thiểu số và nhóm bộ tộc này sẽ được bảo vệ về quyền lợi trong quá trình sắp xếp quyền lực mới ở Afghanistan.

Đây là một trong những tuyên bố hiếm hoi, khi một quan chức cấp cao Mỹ không nhấn mạnh vai trò bổ trợ của Pakistan cho những nỗ lực của Mỹ để đem lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan.

Song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Mỹ vẫn muốn Pakistan “tiến hành những biện pháp mang tính quyết định và không đảo ngược để xóa bỏ bất kỳ và toàn bộ những nơi trú ẩn hiện có trên lãnh thổ này, bởi từ những căn cứ này những phần tử khủng bố có thể đẩy mạnh các cuộc tấn công vào Afghanistan và khu vực.”

Mặc dù người Pakistan về nguyên tắc nhất trí với lập trường của Mỹ, song họ cũng chỉ ra rằng trên 50.000 dân thường và binh sỹ của họ đã thiệt mạng trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, do đó họ không muốn nhảy vào một cuộc chiến trường kỳ khác.

Họ lập luận rằng sớm hay muộn người Mỹ sẽ rời Afghanistan và họ sẽ còn lại trơ trọi một mình phải gánh chịu hậu quả. Trong những thông cáo và những cuộc đối thoại riêng với đối tác Mỹ, người Pakistan quả quyết rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Afghanistan.

Các quan chức Mỹ cũng nhất trí với quan điểm này song lập luận rằng đây là lý do họ muốn Pakistan phối hợp với Mỹ và các lực lượng của Afghanistan để buộc Taliban nhận ra rằng họ cũng không thể chiến thắng trong cuộc chiến này.

Ông Pomeo nhận định: “Chúng ta có thể thấy rằng không có giải pháp quân sự để đổi lấy sự ổn định và hòa bình ở Afghanistan” và đây chính là lý do Washinton muốn dùng sức ép buộc Taliban hợp tác với những nỗ lực quốc tế để đem lại hòa bình cho đất nước điêu tàn vì chiến tranh này.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng Tổng thống Afghanistan sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban và bước tiếp theo là tìm ra đúng nhóm lãnh đạo của Taliban có thể làm việc với chính phủ ở Kabul.

“Chúng ta có rất nhiều các nhóm khác nhau cần có ý định tham gia đóng góp vào giải pháp này” và tất cả các nhóm này cũng cần tham gia vào tiến trình này, ông Pompeo bổ sung.

Các phương án khác

Mối quan hệ của Pakistan với Mỹ vốn dĩ đã căng thẳng nhanh chóng xấu đi trầm trọng dưới thời Tổng thống Trump. Chính quyền mới của Mỹ đã ngừng toàn bộ hoạt động hỗ trợ quân sự cho Pakistan vì cho rằng quốc gia Nam Á này cấu kết với mạng lưới Haqqani. Và gần đây, chính quyền Mỹ đã thăm dò ý kiến các nhà làm luật cấp cao của Mỹ về cách thức họ muốn Washington đối đãi với Islamabad, liên minh mạnh một thời của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan có những thời kỳ chịu sự thử thách. Chúng tôi phối hợp trên cơ sở hàng ngày với Pakistan trong nỗ lực vun đắp một mối quan hệ chiến lược mạnh.”

Song mối quan hệ như vậy cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở “nhiều lợi ích chung được chia sẻ giữa hai bên, bằng việc duy trì đối thoại liên tục và sâu sắc thông qua các kênh quân và dân sự”, quan chức Mỹ này bổ sung.

“Cả Pakistan và Mỹ trong quá khứ hưởng lợi lớn từ mối quan hệ giữa hai nước và chúng tôi hy vọng mối quan hệ này có một tương lai tươi sáng,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói và bổ sung rằng để đảm bảo điều này Pakistan cần phải có hành động quyết định chống khủng bố.

Một chuyên gia khác của Mỹ về những vấn đề Nam Á, Michael Kugelman, nhận xét mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang gặp sóng gió và sa sút kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố chiến lược mới về Nam Á của mình vào tháng 8/2017.

“Chiến lược này khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn đối với cả hai bên trong việc lấy lại các điều kiện cần thiết là niềm tin và thiện chí để tiến lên và đem lại một hình thái ổn định cho mối quan hệ song phương”, ông Kugelman nói.

Nỗ lực tìm ra một giải pháp tại Afghanistan của Washington mà không cần có sự tham gia của Pakistan càng khẳng định quan điểm này và cho thấy chính quyền Trump không nhìn nhận mối quan hệ với Islamabad sớm cải thiện. Bởi, Mỹ muốn Pakistan nhận ra rằng sự hỗ trợ của Pakistan là quan trọng, song Washington luôn có các phương án khác./.

CTV Xuân Hương/VOV.VNDW

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/my-khong-can-su-tro-giup-cua-pakistan-trong-chien-luoc-taliban-moi-769014.vov