Mỹ không bán động cơ máy bay cho Trung Quốc

Trung Quốc đang cố gắng phát triển máy bay chở khách đầu tiên song đang đối mặt ngăn chặn của Mỹ.

Chính phủ Mỹ hiện đang cân nhắc không cho hãng General Electric tiếp tục cung cấp động cơ máy bay CFM LEAP-1C cho Trung Quốc để chế tạo máy bay chở khách đầu tiên của họ là C919, theo Reuters.

Danh sách các công ty cung ứng thiết bị và phụ tùng cho máy bay C919 của Comac. Ảnh: Seeking Alpha.

Danh sách các công ty cung ứng thiết bị và phụ tùng cho máy bay C919 của Comac. Ảnh: Seeking Alpha.

Theo đó, General Electric có thể sẽ bị hạn chế về doanh số bán động cơ.

Hoặc Chính phủ Mỹ có thể yêu cầu Honeywell International hạn chế một số bộ phận cho máy bay thương mại của Trung Quốc, ví như hệ thống điều khiển chuyến bay.

Thông báo về việc này có thể được nêu trong một cuộc họp liên ngành về việc hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc vào ngày 20/2, và được đưa ra tại một cuộc họp khác của các thành viên Nội các được ấn định vào ngày 28/2.

Các bên liên quan chưa đưa ra bất cứ thông tin bình luận nào.

Reuters cho biết, công ty Honeywell International đã nhận được giấy phép xuất khẩu các hệ thống điều khiển chuyến bay cho Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) trong khoảng 10 năm và một hệ thống được phép giao cho Bắc Kinh vào đầu năm 2020.

Honeywell International cũng tìm kiếm giấy phép mua bán cho công nghệ điều khiển chuyến bay để tham gia phát triển C929 - dòng máy bay thương mại thân rộng do COMAC hợp tác với Nga phát triển.

Trong nhiều năm, Mỹ đã hỗ trợ các công ty nước này giao thương với ngành hàng không dân dụng vừa chớm nở của Trung Quốc. Washington cung cấp giấy phép cho phép các công ty này bán động cơ, hệ thống điều khiển chuyến bay và nhiều bộ phận cho máy bay nội địa C919. General Electric đươc cấp phép bán động cơ cho Trung Quốc kể từ năm 2014 và được cấp lần cuối vào tháng 3/2019.

Nhưng tới nay, Chính phủ Mỹ đã lại đi ngược lại quy trình. Mỹ đang quan ngại liệu những thương vụ mua bán động cơ, hệ thống điều khiển chuyến bay… cho phía Trung Quốc có vô tình nuôi dưỡng đối thủ cạnh tranh với Boeing hay liệu có giúp tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc hay không.

Máy bay chở khách C919 của Trung Quốc được dự báo có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với 737 Max của Boeing và A320 của Airbus. Chiếc C919 đầu tiên dự kiến được giao vào năm 2021 cho Hãng hàng không China Eastern Airlines của Trung Quốc.

So sánh C919 của COMAC Trung Quốc, 737 Max của Boeing và A320 của Airbus

Cuộc khủng hoảng của Boeing xung quanh các lệnh cấm bay toàn cầu đối với dòng máy bay phản lực 737 Max, sau hai vụ tai nạn máy bay ở Indonesia và Ethiopia, có thể càng giúp Trung Quốc có được lợi thế cạnh tranh ở ngành công nghiệp hàng không.

Tập đoàn Sinophobes, Mỹ, đã chỉ trích dự án C919 là một ví dụ rõ ràng về thương mại không công bằng, trong đó Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh kinh tế nhờ chi phí và thành quả của những nhà sản xuất thiết bị tinh vi nhất và thành công nhất của Mỹ.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc coi đây là một ví dụ về hợp tác công nghệ quốc tế, một hàng rào tiềm năng trong dài hạn nhằm chống lại sự độc quyền toàn cầu của Boeing và Airbus, và là một minh chứng cho thấy các nhà sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào những tập đoàn công nghệ hàng đầu của phương Tây.

Hồi năm ngoái, một nhóm chuyên gia từ công ty nghiên cứu Rand Corporation cho rằng, COMAC đã nhận được sự đầu tư đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc. COMAC có nguồn lực ban đầu hơn 7 tỷ USD, bao gồm cả vốn và các khoản vay từ Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, từ công ty đầu tư Guosheng Investments của chính quyền Thượng Hải, Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, Tập đoàn Baosteel và Sinochem.

Họ cũng nghi ngờ về khả năng tự họ phát triển được thiết kế máy bay. COMAC vốn chưa từng có kinh nghiệm thiết kế và chế tạo máy bay mới, cũng không có sẵn mô hình để tạo doanh thu và lợi nhuận nhằm duy trì công ty trong khi chi phí phát triển máy bay mới liên tục phát sinh. Điều này đặt dấu hỏi về các cáo buộc cho rằng các tin tặc Trung Quốc đã thu được các dữ liệu để chế tạo máy bay chở khách.

Đáp lại những phàn nàn về khoản trợ cấp khổng lồ cho COMAC, giới chức Trung Quốc nhắc tới hàng tỉ USD từng được các chính phủ châu Âu đóng góp để thành lập Airbus, với trụ sở ở ngoại ô Toulouse (Pháp), như một đối thủ cạnh tranh với sự độc quyền của Mỹ thời đó trong ngành hàng không thương mại. Họ cũng nhắc tới 13 tỷ USD được đầu tư trong suốt một thập kỷ để phát triển máy bay Airbus A380.

Chính vấn đề này cũng là nguyên nhân dẫn tới vụ kiện của Boeing với Airbus tại Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), kết quả cuối cùng nghiêng về phía công ty Mỹ. Mỹ có quyền áp thuế lên tới 100% đối với việc nhập khẩu các sản phẩm của Airbus.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-khong-ban-dong-co-may-bay-cho-trung-quoc-3397010/