Mỹ khoe siêu pháo ngàn dặm từ Biển Bắc bắn tới Moscow

Báo chí Mỹ nói rằng, siêu pháo SLRC mới của Mỹ có thể từ tàu chiến ở Biển Bắc bắn phá thủ đô Moscow của Nga.

Báo Mỹ khoe pháp siêu xa SLRC

Loại pháo tấn công chiến lược tầm xa - Strategic Long Range Cannon (SLRC) mà quân đội Mỹ đang chuẩn bị đưa vào sử dụng có tầm bắn xa tới ngàn dặm, có thể đứng từ vùng bờ biển rất xa bắn phá thủ đô Moscow của Nga, tạp chí Mỹ Popular Mechanics viết.

Tạp chí này đưa ra giả thuyết rằng với sự xuất hiện của SLRC ở Mỹ, một lớp tàu chiến cỡ lớn cũng có thể được hồi sinh, tương tự như các thiết giáp hạm kiểu Montana suýt nữa thì được chế tạo trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới II.

"Từ Biển Bắc, Montana mới có thể bắn vào các mục tiêu ở phía tây nước Nga và thậm chí tới cả Moscow. Một chiếc Montana ở Ấn Độ Dương có thể nhằm vào phần lớn lãnh thổ các nước như Pakistan, Afghanistan, Iran, Yemen và Somalia. Ở Thái Bình Dương, Montana có thể nằm an toàn phía sau Nhật Bản mà bao trùm lưới lửa khắp cả Bắc Triều Tiên, thậm chí bắn đến cả Bắc Kinh và Thượng Hải" - tạp chí Mỹ khoe khoang.

Được biết, dự án chế tạo loại vũ khí triển vọng Strategic Long Range Cannon (SLRC, tức “Pháo tầm xa chiến lược”) được Mỹ giới thiệu vào năm 2019. Nguyên mẫu của nó được đặt tại khu huấn luyện quân sự Yuma ở bang Arizona – nơi mà một loạt thử nghiệm sẽ được thực hiện tại đây cho đến năm 2023.

Với sự trợ giúp của siêu đại bác này, quân đội Mỹ dự định sẽ đột phá hệ thống phòng thủ của đối phương để mở đường cho lực lượng bộ binh tiến công. Cứ điểm để đại bác nhả đạn sẽ là những vị trí "chiến lược" mà kẻ địch không thể tiếp cận được để tấn công trả đũa.

Mỹ có thể hồi sinh những siêu chiến hạm như Montana để lắp SLRC

Mỹ có thể hồi sinh những siêu chiến hạm như Montana để lắp SLRC

Theo các chuyên gia được Popular Mechanics dẫn lời, mục tiêu tiềm năng của loại pháo tấn công mới có tầm bắn siêu xa này có thể là các mục tiêu ở Nga hoặc Trung Quốc. Không loại trừ người Mỹ sẽ triển khai loại siêu đại bác này ở Ba Lan, các nước Baltic hoặc Hàn Quốc.

Theo chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, dự án SLRC không gì khác hơn là cố gắng tạo ra một loại vũ khí có giá thành rẻ đến mức tối đa, tương tự như các hệ thống tên lửa tác chiến-chiến thuật Iskander và Tochka-U của Nga (tiếng Nga viết tắt là OTRK).

Loại pháo đa cỡ nòng quân đội Mỹ đang trang bị hiện nay dựa trên hệ thống pháo phản lực bắn loạt HIMARS, tỏ ra kém thế hơn đáng kể so với các vũ khí Liên Xô/Nga về tầm bắn và độ chính xác.

Sơ bộ tính năng của SLRC

Bộ Tư lệnh Phát triển Khả năng Tác chiến của lục quân Mỹ hồi cuối tháng 2 đăng trên trang mạng Linkedin hình ảnh phác thảo về khẩu pháo SLRC. Hình ảnh mô tả một khẩu pháo cực lớn trên một chiếc xe kéo có ít nhất sáu bánh, được kéo bởi một chiếc xe tải hạng nặng tám bánh.

Quân đội Mỹ vẫn đang nghiên cứu thiết kế “ý tưởng” về một khẩu một pháo khổng lồ. Nhưng đã có thêm thông tin chi tiết về nó được hé lộ.

Về tầm bắn, pháo tầm xa chiến lược nằm giữa tên lửa tấn công chính xác và tên lửa siêu thanh. Với khẩu pháo mới, lục quân Mỹ có thể tấn công các mục tiêu như căn cứ, mạng lưới hậu cần và căn cứ không quân đối phương - trước đây là trách nhiệm của các máy bay và tên lửa của không quân và hải quân Mỹ.

Hé lộ hình ảnh về siêu pháo Mỹ trong chương trình SLRC

Lục quân Mỹ xếp hạng loạt pháo mới vào loại có tầm bắn "vượt xa ngàn dặm" (theo một số thông tin, tầm bắn xa nhất của nó là trên 1.600 km). Với tầm bắn này, SLRC có tầm bắn hơn rất nhiều loại tên lửa hiện nay của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Theo thông tin cơ bản được tiết lộ, mỗi khẩu pháo đòi hỏi tám binh sĩ vận hành. Một khẩu đội sẽ bao gồm bốn pháo. Các khẩu pháo sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển.

Mặc dù có kích thước lớn hơn bất kỳ loại pháo nào hiện có, “Pháo tầm xa chiến lược” SLRC thực sự không đòi hỏi nhiều về công nghệ mới, mà dựa trên nền tảng pháo 155 mm hiện có.

Đại tá John Rafferty, người năm 2018 đã lãnh đạo nhóm hiện đại hóa hỏa lực tầm xa của lục quân Mỹ, nói với Breaking Defense rằng, loại pháo tầm xa này có thể cung cấp dạng hỏa lực áp chế công nghệ cao để hỗ trợ cho quân đội Mỹ di chuyển qua các khu vực bị kiểm soát chặt chẽ và sau đó cho phép tấn công các mục tiêu khó tiếp cận hơn bằng hạm kích và không kích.

Đại tá John Rafferty nhấn mạnh rằng: "Hệ thống tích hợp đó thách thức cả loại máy bay và tàu tinh vi nhất của chúng tôi trong việc tiếp cận khu vực".

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-khoe-sieu-phao-ngan-dam-tu-bien-bac-ban-toi-moscow-3420905/