Mỹ khoe khoang chiến tích 'khủng' của F-22 trên chiến trường Syria

Lầu Năm Góc khẳng định trong suốt 6 tháng tham chiến tại Syria, chiến đấu cơ tàng hình F-22 của nước này đã có ít nhất 587 lần đánh chặn các máy bay chiến đấu Syria, Iran và của cả Nga ngay trên không phận Syria.

Theo thông tin được tờ Business Insider trích lời tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết, phi đội chiến đấu cơ F-22 thuộc Không đoàn 94 Không quân Mỹ đã tiền hành tổng cộng 590 chuyến bay với tổng cộng 4900 giờ bay chiến đấu trên chiến trường Syria trong sáu tháng vừa qua kể từ khi được triển khai. Nguồn ảnh: BI.

Cũng trong thời gian này, các chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới 587 chiến đấu cơ của các phe đối địch bao gồm các chiến đấu cơ mang quốc tịch Nga, Iran và Syria trên không phận khu vực diễn ra giao tranh. Nguồn ảnh: Tube.

Khác với chiến trường Afghanistan và Iraq, ở Syria, không quân đối phương là một mối lo ngại khá lớn với quân đội Mỹ và bầu trời Syria thực tế không hề thuộc quyền kiểm soát của Không quân Mỹ nhất là khi hỏa lực phòng không của đối phương là cực kỳ mạnh và rất dễ... khai hỏa "nhầm". Nguồn ảnh: Pinterest.

Vì vậy, các chiến đấu cơ F-22 của Mỹ đã được cử tới chiến trường này để hộ tống cho các chiến đấu cơ F/A-18 thực hiện các phi vụ oanh tạc yểm trợ cho các lực lượng dưới mặt đất. Nguồn ảnh: Aviation.

Các tiêm kích F-22 trước đây cũng tham gia cuộc không kích vào quân đội Syria nhằm đáp trả lại cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Nguồn ảnh: USAF.

Trong tuyên bố của mình, Bộ quốc Phòng Mỹ cũng khẳng định không máy bay nào của liên quân bị bắn hạ trong suốt thời gian hoạt động tại Syria. Phía Mỹ cũng khẳng định phòng không Syria với những khí tài hiện đại do Nga cung cấp hiện vẫn chưa đủ khả năng để phát hiện ra F-22 của nước này. Nguồn ảnh: USAF.

Ra đời từ năm 1996 và được sản xuất tới năm 2011, tổng cộng đã có tới 195 chiếc chiến đấu cơ F-22 được sản xuất và sử dụng bởi Không quân Mỹ. Tổng cộng chương trình F-22 của Mỹ tốn 66,7 tỷ USD và mỗi chiến đấu cơ có giá 150 triệu USD (theo tỷ giá năm 2009). Nguồn ảnh: Uniq.

Chỉ có một phi công điều khiển duy nhất, F-22 là chiến đấu cơ hai động cơ thế hệ năm đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt. Nó có tốc độ tối đa Mach 2.25, tầm bay tối đa 3000 km (với hai bình nhiên liệu phụ) và khả năng mang theo tối đa 2,2 tấn vũ khí dưới 4 giá treo. Nguồn ảnh: Flame.

Mặc dù nhận được rất nhiều lời đề nghị xuất khẩu nhưng quốc hội và Không quân Mỹ đã thống nhất F-22 sẽ là chiến đấu cơ chủ lực thế hệ năm sở hữu độc quyền bởi Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không quân Mỹ chấp nhận xuất khẩu F-22 ra nước ngoài thì rất có thể, bản thân F-22 và F-35 sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau nên chắc chắn, F-22 sẽ không bao giờ được xuất khẩu vì bất cứ lý do gì. Nguồn ảnh: Aviation.

Mời độc giả xem Video: Cận cảnh chiến đấu cơ F-22 của Mỹ cất cánh chiến thuật với đường băng cực ngắn.

Tuấn Anh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/my-khoe-khoang-chien-tich-khung-cua-f-22-tren-chien-truong-syria-1128997.html