Mỹ khó đưa tên lửa tới châu Á

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Các đối tác Thái Lan, Philippines hay ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều không có khả năng chấp nhận Lầu Năm Góc triển khai hệ thống tên lửa tầm trung trên lãnh thổ họ.

Tàu ngầm USS Annapolis phóng thử tên lửa Tomahawk ở ngoài khơi California. Ảnh: Getty Images

Tàu ngầm USS Annapolis phóng thử tên lửa Tomahawk ở ngoài khơi California. Ảnh: Getty Images

Trọng tâm chiến lược của Mỹ

Trong kế hoạch đầu tư 27,4 tỉ USD ở khu vực kéo dài 6 năm trình lên Quốc hội Mỹ đầu năm ngoái, Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương xác định mối nguy lớn nhất đối với nước này vẫn là sự xói mòn về năng lực răn đe thông thường, dẫn đến việc Trung Quốc bạo dạn hành động trong khu vực và trên toàn cầu để hất cẳng Mỹ.

Vì vậy, đề xuất kêu gọi lập lực lượng liên quân tương tác với mạng lưới tấn công chính xác dọc theo chuỗi đảo thứ nhất; thống nhất phòng vệ tên lửa trên chuỗi đảo thứ 2 và phân phối lực lượng bảo đảm ổn định. Ðiều kiện này cho phép Mỹ vô hiệu hóa ưu thế quân sự của Trung Quốc trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Bắc Kinh thông qua chiến lược A2/AD muốn đẩy Mỹ ra khỏi Biển Ðông và Biển Hoa Ðông nằm trong chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Okinawa đến Ðài Loan và Philippines. Trung Quốc còn muốn Mỹ không tiếp cận chuỗi đảo thứ 2 ở Tây Thái Bình Dương, kéo dài từ Ðông Nam Nhật Bản đến đảo Guam và phía Nam Indonesia.

Khó tìm đồng minh

Ðể đạt hiệu quả, Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đề xuất tăng cường số lượng vũ khí mặt đất, đặc biệt là hệ thống tên lửa tầm trung trên mặt đất (GBIRM) vốn là trọng tâm trong chiến lược của Washington để chọc thủng hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Bắc Kinh có ưu thế với kho vũ khí khoảng 1.250 tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, trong khi Washington bị cấm phát triển tên lửa mặt đất tầm bắn từ 500-5.500km theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Nhưng từ năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi INF đã tạo cơ hội cho Lầu Năm Góc phát triển và triển khai các tài sản đó ở vành đai Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Vấn đề là Mỹ phải tìm được đồng minh khu vực đồng ý triển khai GBIRM trên lãnh thổ họ ở thời bình. Trong số những nước tiềm năng, nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung thuộc tổ chức tư vấn quốc phòng Rand Corp xác định “rất khó có khả năng” Thái Lan, Philippines hay Hàn Quốc tiếp nhận yêu cầu của Washington. Cơ hội này ở Úc và Nhật Bản cũng “rất nhỏ” dù cả 2 mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng cùng Mỹ.

Cụ thể, ông Hornung cho biết “chính phủ được quân đội hậu thuẫn” ở Thái Lan là trở ngại khiến Mỹ không muốn đặt tên lửa ở đây. Ngược lại, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha có xu hướng theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc cũng khó cùng Washington tăng cường quan hệ quân sự. Tương tự, Mỹ không chọn Philippines khi Manila ngày càng xích lại gần Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte. Về Hàn Quốc, tân Tổng thống Yoon Suk-yeol mong muốn thúc đẩy liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu với Mỹ và mua thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để bảo vệ Seoul. Nhưng sự xuất hiện của GBIRM có thể đẩy Hàn Quốc đối đầu trở lại với Trung Quốc, thậm chí được dự báo gay gắt hơn cuộc tẩy chay kinh tế diễn ra sau quyết định của Seoul triển khai THAAD vào năm 2016.

Hiện ông Hornung đánh giá quan hệ xấu đi giữa Úc - Trung Quốc có thể tăng khả năng Canberra tiếp nhận tên lửa Mỹ. Nhưng khoảng cách khá xa giữa nước này với lục địa châu Á khiến hệ thống GBIRM hoạt động không hiệu quả. Thái độ miễn cưỡng trước nay của Úc đối với việc nước ngoài lập căn cứ lâu dài trên lãnh thổ họ cũng khó thay đổi trong thập kỷ tới. Còn lại Nhật Bản, đây là đồng minh sáng giá nhất có thể sở hữu tên lửa Mỹ khi Tokyo đang sẵn sàng tăng cường khả năng quốc phòng để đối phó Trung Quốc. Dù vậy, tỷ lệ vẫn không cao bởi người Nhật không mặn mà trước sự hiện diện của Mỹ hoặc triển khai vũ khí có tính chất tấn công rõ ràng.

Trong bối cảnh này, chuyên gia Hornung cho rằng Mỹ có thể cân nhắc phát triển GBIRM với một đồng minh và giao họ quyền chỉ huy kiểm soát; hoặc lựa chọn chỉ triển khai trong tình huống khủng hoảng. Ðề xuất khác là bố trí luân phiên trong thời bình, còn không thì đưa đến đảo Guam hoặc những quốc gia ký kết Hiệp ước Liên kết tự do ở Thái Bình Dương. Ðáng cân nhắc nhất là giúp Nhật phát triển kho tên lửa chống hạm trên mặt đất. Khi đó, Tokyo có thể triển khai tên lửa hành trình chống hạm với tầm bắn xa hơn để răn đe tàu Trung Quốc, kiểm soát các hoạt động ở eo biển Ðài Loan, Biển Hoa Ðông và vùng bờ biển phía Ðông Trung Quốc.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/my-kho-dua-ten-lua-toi-chau-a-a147546.html