Mỹ khiến Trung Đông loạn lạc?

Với những con bài chiến lược, Mỹ đang từng bước phá nát Trung Đông và biến khu vực này thành thị trường vũ khí béo bở.

Trong những năm gần đây, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã chi hơn 700 tỷ USD cho các hợp đồng quân sự, trong đó chủ yếu là các nước đồng minh giàu có của Mỹ như Saudi Arabia, Israel, hay Qatar hoặc Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)…, nước nào chi ít cũng vài chục tỷ, nhiều thì hàng trăm tỷ USD mua vũ khí Mỹ.

Mỹ đã truyền cảm hứng cho các nước thuộc Vịnh Ba Tư rằng, Iran là kẻ thù tiềm tàng, mặc dù chính quyền Tehran không đưa ra bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông, ông Hisham Jaber, nói với Sputnik rằng, vũ khí được các nước vùng Vịnh mua sắm không chỉ để chống khủng bố, mà còn để chiến đấu chống một kẻ thù tiềm năng nào đó, và không ai khác là Iran.

Vị chuyên gia này lưu ý rằng các loại vũ khí mua về không được sử dụng được trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì phần lớn tàu chiến, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa…, được định hướng để gây chiến với một quân đội của nước khác.

Hậu quả của việc Mỹ "thổi phồng tình hình xung quanh kẻ thù tiềm năng Iran” là vũ khí mua về không được sử dụng và dần dần biến thành một đống kim loại phế thải, sau đó các nước này lại tiếp tục một vòng quay mua sắm vũ khí mới, giúp Mỹ ních đầy túi những đồng dollars thấm đẫm dầu mỏ Trung Đông.

Theo ông, trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã cho phép các nước Ả Rập mở rộng kho vũ khí quân sự của họ và mua vũ khí của các nước châu Âu, ví dụ như Nga, Anh và Pháp. Tuy nhiên, số lượng này mua sắm này quá nhỏ bé so với nhà cung cấp chính là Mỹ.

Ông Jaber nhấn mạnh rằng, với truyền thống kiếm lợi từ chiến tranh (từ Thế chiến thứ 2 đến nay), người Mỹ thừa kinh nghiệm để biết phải làm thế nào để buộc các quốc gia Ả Rập phải tăng ngân sách quân sự để mua vũ khí của mình, nhằm giữ vững “thị trường vĩnh cửu” của mình.

Cũng giống như chiêu bài “con ngáo ộp Nga” ở châu Âu để bắt ép các đồng minh mua vũ khí; Washington “chọc ngoáy” vào tình hình Trung Đông, thúc đẩy các nước mâu thuẫn với Iran, để làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, các cuộc chiến tranh như ở Iraq đã được gây ra nhằm mục đích đó.

Ngoài việc mượn Iran là con ngáo ộp dọa giới lãnh đạo các nước Quân chủ Trung Đông, Mỹ thậm chí còn khoét sâu mâu thuẫn giữa các đồng minh của mình với nhau nhằm đạt được mục đích đen tối của mình, mà ví dụ điển hình là vụ khủng hoảng Qatar vừa qua.

Liên tiếp trong mấy tháng giữa năm 2017, Qatar và hàng loạt nước Ả rập Trung Đông do Saudi Arabia lãnh đạo, đột nhiên phát sinh mâu thuẫn rất lớn với cáo buộc chính quyền Doha hỗ trợ các nhóm khủng Anh em Hồi giáo ở Ai Cập hay Hamas ở Palestine. Với lí do đó, Liên minh gần 10 nước của Saudi đã phong tỏa biên giới trên bộ và trên không, đồng thời cấm vận Qatar và đòi các tổ chức quốc tế trừng phạt nước này.

Để đổi lấy cam kết ủng hộ của Mỹ, trong chuyến thăm Saudi Arabia hôm 20/5 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Riyadh đã ký hợp đồng vũ khí khổng lồ với Mỹ trị giá tới 110 tỷ USD, kèm theo điều khoản hợp tác kỹ thuật quân sự trong mấy thập kỷ tới trị giá hàng trăm tỷ nữa.

Tổng thống Mỹ đã tham gia lễ hội với Hoàng gia Saudi và đã có màn múa kiếm ngoạn mục. Kết thúc màn “múa kiếm Trung Đông” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nhà tỷ phú này còn tiếp tục mang về cho Mỹ nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của Saudi Arabia trong 10 năm tới, với tổng trị giá khoảng 380 tỷ USD.

Mỹ tuyên bố khoanh tay đứng ngoài, “không can thiệp vào công việc nội bộ của đồng minh”, nhưng đích thân Tổng thống Donald Trump đăng đàn Twitter tố Doha ủng hộ “khủng bố”, trong khi có nguồn tin tố cáo chính Mỹ là người đứng sau xúi giục nghi án “Qatar” hỗ trợ khủng bố.

Thế nhưng, Qatar vẫn không chịu nhượng bộ trước các “đồng minh bất đắc dĩ” và đột nhiên Đại sứ Mỹ tại Qatar là bà Dana Smith đã bất ngờ tuyên bố từ nhiệm vào ngày 13/6. Trong lúc đó, giới truyền thông Mỹ còn tung tin Qatar đã mở niêm cất, huy động máy bay, xe tăng dự trữ từ trong kho; còn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã “mang quân sang bảo vệ Qatar”, khiến mâu thuẫn chính trị giữa các đồng minh của Mỹ có nguy cơ biến thành xung đột quân sự.

Tình hình gia tăng căng thẳng và những động thái thân thiết giữa Mỹ và Saudi Arabia đã khiến chỉ 3 tuần sau đó, chính quyền Doha phải vung hơn 12 tỷ USD để ký hợp đồng mua sắm lô máy bay chiến đấu F-15E, nhằm đổi lấy cam kết của Mỹ ngăn chặn bàn tay của Saudi Arabia.

Những ví dụ kiểu như vậy là nhiều không kể xiết và các nhà tài phiệt trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ ngày càng giàu lên, trong khi thế giới ngày càng loạn lạc, các nước nghèo ngày càng nghèo đi vì phải chạy đua vũ trang chống những kẻ thù tưởng tượng. Ảnh trong bài: Vũ khí do Mỹ sản xuất. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/my-khien-trung-dong-loan-lac-3358668/